Giáo viên vượt hàng chục cây số giao bài tập cho học sinh

GD&TĐ - Để học sinh tiếp thu được kiến thức, giáo viên ở xã vùng sâu huyện Kbang (Gia Lai) không chỉ giao bài tập cho các em qua Zalo, mà còn đến tận nhà, nương rẫy hướng dẫn học sinh làm bài.

Giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám lên nương rẫy tuyên truyền, vận động học sinh tiếp tục đến trường.
Giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám lên nương rẫy tuyên truyền, vận động học sinh tiếp tục đến trường.

Trèo đèo, vượt suối dạy học trò

Thầy Hoàng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) cho hay, toàn trường có 35 cán bộ, giáo viên và nhân viên với 484 học sinh, đa phần các em là người dân tộc thiểu số.

Theo thầy Ngọc, trong học kì I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên có khoảng thời gian nhà trường phải tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, nhiều học sinh không có thiết bị học trực tuyến nên giáo viên giao bài tập qua Zalo, phát phiếu bài tập và hướng dẫn học sinh tại nhà…

Thầy Ngọc cho hay, người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy nên đa số học sinh theo bố mẹ lên nhà đầm (chòi rẫy). Có những em đi cả tuần hoặc 10 ngày mới về lại nhà. Chính vì vậy, trong quá trình đi giao bài tập cho học sinh giáo viên phải lên tận chòi rẫy với quãng đường khoảng 4-5km, có những khu vực xa hơn 10km.

Vị hiệu trưởng cho hay, nhà trường cùng giáo viên không chỉ gặp khó khăn khi giao bài tập cho các em, mà còn vất vả trong công tác duy trì sĩ số. Bởi dân làng thường có các phong tục và tổ chức lễ cúng, như: Cúng lúa mới, đám cưới, ma chay... Vào thời gian lễ diễn ra thì toàn bộ người dân, học sinh sẽ nghỉ ở nhà để tham gia. Chính vì vậy, giáo viên gặp khó trong công tác duy trì sĩ số học sinh.

“Bình thường dân làng tổ chức Cúng lúa mới hoặc đám cưới, ma chay trong 1-2 ngày. Khi đó, toàn bộ người dân, học sinh đều ở nhà để tham gia. Nếu lễ cúng tổ chức vào cuối tuần thì không ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh. Tuy nhiên, có thời điểm dân làng tổ chức trong tuần thì học sinh nghỉ ở nhà hoặc trốn về để tham gia. Điều này cũng ảnh hưởng đến công tác duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.

Do đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền già làng, người dân tổ chức lễ hội vào cuối tuần, tránh ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”, thầy Ngọc tâm sự.

Giáo viên lên rẫy giao bài tập và hướng dẫn học sinh làm bài.
Giáo viên lên rẫy giao bài tập và hướng dẫn học sinh làm bài.

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng trong học kì I, năm học 2021-2022, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám có tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tương đối cao. Đối với khối 3,4 và 5 hơn 99% học sinh hoàn thành chương trình học.

Về năng lực, phẩm chất các em đều hợp tác, tự phục vụ, tự học và đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm. Riêng khối lớp 1 và 2, một số ít em chưa hoàn thành chương trình học và phát huy được năng lực, phẩm chất của bản thân. Chính vì vậy, nhà trường cũng động viên giáo viên trong trường tham gia dạy phụ đạo cho học sinh 1 buổi/tuần. Bên cạnh đó, kèm và luyện thêm cho các em.

“Trong học kì II này, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh giao lưu các câu lạc bộ. Bên cạnh đó, cho học sinh Bana giao lưu Tiếng Việt để các em tự tin, mạnh dạn hơn… Đồng thời tăng cường phụ đạo cho những em chưa hoàn thành môn học ở kì I và phấn đấu đến cuối năm học có trên 98% học sinh đủ tiêu chuẩn hoàn thành chương trình lớp học. Đặc biệt là 100% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học”, thầy Ngọc nói.

Nỗ lực vì học sinh

Thầy Lê Thanh Hải – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kbang cho biết, năm học 2021-2022 địa phương có hơn 15.700 học sinh với 1.026 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Trong học kì I, năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có những thời điểm các trường phải tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, trang thiết bị và đường truyền Internet hạn chế nên giáo viên chủ yếu giao phiếu bài tập và hướng dẫn các em ôn tập kiến thức tại nhà. Sau khi học sinh quay trở lại trường giáo viên sẽ kiểm tra, bổ dưỡng thêm kiến thức cho các em.

“Trong thời gian tạm dừng đến trường học trực tiếp thì đa số học sinh theo bố mẹ lên nương rẫy. Do đó, nhiều giáo viên phải vào tận làng, lên nương rẫy để giao bài tập cho học sinh. Chính vì vậy, công tác dạy học trong điều kiện dịch bệnh rất khó khăn. Tuy nhiên, giáo viên luôn cố gắng, quyết tâm để tất cả học sinh đều có thể nắm vững kiến thức”, thầy Hải chia sẻ.

Học sinh tự học tại nhà trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Học sinh tự học tại nhà trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai cho hay, năm học 2021-2022 tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã vượt qua những khó khăn và hỗ trợ học sinh nắm bắt kiến thức.

Theo ông Định, năm học này toàn tỉnh có 762 trường mầm non và phổ với tổng số học sinh 411.659 em. Thực hiện phương châm “Trẻ không đến trường nhưng không ngừng học”, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non điều chỉnh kế hoạch dựa trên Chương trình khung của Bộ để lựa chọn nội dung cốt lõi, xây dựng các phương án thiết kế bài dạy phù hợp. Bên cạnh đó, các trường phối hợp với phụ huynh nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà thông qua các kênh zalo, facebook, website…giáo viên đến nhà trực tiếp.

Còn với cấp Tiểu học Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt các giải pháp để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: rút gọn nội dung, chương trình học cơ bản và trọng tâm nhất… Đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, với cấp THCS và THPT các cơ sở giáo dục linh hoạt triển khai tổ chức dạy học với nhiều hình thức trực tuyến, trực tiếp, kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo khi học sinh mới trở lại trường học, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ