Giáo viên vùng cao Quảng Bình vượt hiểm nguy tới trường

GD&TĐ - Bất chấp nguy hiểm trên con đường đến trường, thầy cô Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, luôn vững tâm gieo chữ cho trẻ vùng cao.

Thầy Nguyễn Trung Hiếu cùng học sinh lội sông đến trường. Ảnh: NVCC.
Thầy Nguyễn Trung Hiếu cùng học sinh lội sông đến trường. Ảnh: NVCC.

Nguy hiểm cận kề

Nằm trên con đường xuyên dãy Trường Sơn, bên biên giới Tây, xã Thượng Trạch là Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở nơi đó, vượt qua những con đường dốc thẳng đứng hay những điểm sạt lở mỗi mùa mưa lũ, thầy giáo Hoàng Đức Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, vẫn cần mẫn với công việc “gõ đầu trẻ”.

Vì nhà cách trường khoảng 100km nên thầy Hòa ở lại trường đến chiều thứ sáu rồi lái xe máy vượt đường rừng, đường núi trở về thăm gia đình. Đến chiều chủ nhật, thầy lại băng qua những con đường dốc khúc khuỷu để trở lại trường. Nhưng khác với lúc trở về, khi rời nhà, hành trang của thầy giáo trĩu nặng những bao gạo, gói muối cùng những tập giáo án soạn dở.

Thầy Hoà nhớ lại, những ngày đầu mới nhận công tác tại Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch, do chưa quen đường sá, mỗi lần lái xe, thầy phải ghì chặt tay lái, cả đôi mắt lẫn tâm trí không được ngơi nghỉ, chỉ tập trung một mực vào con đường trước mặt. Những đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu hay những chỗ trơn trượt, thầy phải xuống dắt bộ.

Sau nhiều năm công tác, thầy Hòa đã không còn nhớ hết những lần ngã xe hay gặp sự cố trên đường đến trường. Nhưng trên hết, thầy thấy may mắn vì đó chỉ là những vết thương nhẹ, không đáng kể. Xốc lại chiếc xe máy, thầy lại tiếp tục hành trình để không ảnh hưởng đến việc gieo chữ.

Đến những tháng mưa lũ, thầy Hòa hầu như ở lại trường cùng các đồng nghiệp. Chờ khi mưa tạnh, nước rút, các thầy cô lại xắn tay áo, ống quần đi nhận lương thực tiếp tế dưới miền xuôi.

Những ngày ấy, con đường di chuyển vốn đã vất vả, lại càng thêm phần khó khăn. Mọi người cùng nhau băng qua những con sông nước lạnh căm, chảy xiết hay vượt qua những đoạn đường bùn lầy, lầy lội. Khi khác phải vượt qua những đoạn đường sạt lở nguy hiểm.

Thầy Hoàng Đức Hòa (đội mũ bảo hiểm đen) nhận lương thực tiếp tế trong đợt lũ. Ảnh: NVCC.

Thầy Hoàng Đức Hòa (đội mũ bảo hiểm đen) nhận lương thực tiếp tế trong đợt lũ. Ảnh: NVCC.

Mong ước cho học sinh vùng cao

Cùng công tác với thầy Hòa tại Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch là thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử.

Gần 10 năm gắn bó với trường, thầy Hiếu vẫn không quên ngày đầu tiên về nhận công tác. Hôm đó, trời Quảng Bình đổ mưa lớn, kéo theo trận lũ lịch sử. Dù vậy, thầy Hiếu vẫn tiếp tục hành trình đến trường, băng qua những con dốc ngoằn ngoèo hay những con đường đặc quánh bùn đất như muốn ghì cả người lẫn xe.

Đi cùng thầy Hiếu còn hai thầy giáo khác. Do đường lầy lội với vô số ổ voi, ổ gà, xe của các thầy bị hỏng, chỉ có thể dắt bộ. Gặp mưa lớn, không thể tiếp tục dắt, cả ba dùng những cành cây lớn chọc ngang xe để khiêng. Vừa đi bộ vừa khiêng xe gần một tiếng, đoàn của thầy Hiếu mới tìm thấy ánh đèn vàng leo lét của trường Bố Trạch giữa núi rừng.

Thời gian đầu, do chưa quen đường sá, thầy Hiếu phải mất một ngày để đi từ nhà ở thị trấn Phong Nha đến xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Khi lên đến nơi, người thầy ướt nhẹp, dính đầy bùn đất và mệt lả.

Bên cạnh cung đường nguy hiểm từ nhà đến trường, thầy Hiếu thường xuyên di chuyển giữa trường và các bản làng để vận động học sinh đến lớp. Hay những ngày mưa lũ, thầy vào tận nhà đón học sinh, đưa đến trường để các em không bỏ học giữa chừng.

Thầy Hiếu nhớ lại: “Những ngày trời đổ mưa lớn, con đường dẫn vào các bản làng trơn tuột. Có ngày nước lũ dâng cao ngang ngực nhưng thầy trò vẫn nắm chặt tay nhau lội qua”.

Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch sau một trận lũ năm 2020. Ảnh: NVCC.

Trường Phổ thông DTNT Bố Trạch sau một trận lũ năm 2020. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Hiếu, cung đường giáo viên đến trường khó một thì hành trình tìm đến con chữ của học sinh vùng cao Bố Trạch khó mười, gian truân, vất vả hơn. Đó không chỉ là con đường địa chất mà còn là con đường vượt qua cái nghèo, vượt qua định kiến, hủ tục để tìm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì vậy, thầy Hiếu hy vọng con đường đến trường của học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng núi khó khăn sẽ bớt vất vả, cực nhọc hơn. Các em tiếp tục được các cấp, chính quyền quan tâm, đầu tư, chăm lo để có thể yên tâm học hành. Bên cạnh đó, con đường di chuyển của các thầy cô giáo cũng được tu sửa để thầy cô an toàn và yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ