Câu chuyện cảm động của giáo viên gieo chữ vùng cao

GD&TĐ - Lâm Hóa (Quảng Bình) là xã miền núi, đa số học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số nên điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Những thầy giáo đã lặn lội tìm xe đạp để sửa cho học trò có phương tiện đến lớp.
Những thầy giáo đã lặn lội tìm xe đạp để sửa cho học trò có phương tiện đến lớp.

Thế nhưng, với sự tâm huyết và tình yêu thương dành cho học trò, những thầy, cô giáo tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa đang từng ngày nỗ lực để giúp học trò yêu trường, mến lớp và học tập ngày càng tốt hơn.

Sửa xe đạp hỏng để trò có phương tiện đến lớp

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa đóng trên địa bàn xã Lâm Hóa, xã miền núi, rẻo cao duy nhất thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm thị trấn Đồng Lê gần 50km. Nơi đây đồng bào dân tộc Chứt (chủ yếu là người Mã Liềng) chiếm gần 47% dân số. Toàn trường có 268 học sinh, trong đó có 145 học sinh dân tộc, chiếm 54,1%. Học sinh hộ nghèo, cận nghèo có 188 em chiếm 70,1%.

Những năm qua, tập thể giáo viên của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, không chỉ trong công tác dạy học, mà còn quan tâm, chăm sóc và chia sẻ để giúp học trò yêu trường, mến lớp hơn. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên tuyên truyền để phụ huynh học sinh nâng cao nhận thức, thấy được tầm quan trọng của việc học, từ đó khuyên nhủ con em mình đến trường để học tập đầy đủ hơn.

Thầy Hoàng Xuân Dục có hơn 20 năm gắn bó tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa chia sẻ: Cái ăn, cái mặc cũng còn đang chật vật nên việc học hành của con em chưa được phụ huynh quan tâm đúng mực. Học sinh ở đây tư duy và khả năng tiếp thu bài chậm hơn rất nhiều so với bạn bè miền xuôi, có khi dạy phát âm một chữ cái hàng chục lần, thế nhưng khi các em ra chơi vào học lại không còn nhớ gì cả. Hằng năm, thương các em đi học xa không có xe đạp, thông qua các mối quan hệ nhà trường đã kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm tặng xe đạp để con đường đến trường của các em đỡ vất vả hơn.

“Thế nhưng, đường gập ghềnh khó đi, các em lại không biết bảo quản, giữ gìn nên xe rất nhanh hỏng, nhiều khi xe bị hỏng là các em vứt bỏ không thèm mang về. Các giáo viên lại lặn lội đi tìm về sửa cho các em. Mỗi đợt như vậy,  thầy cô lại gom được hàng chục chiếc xe hỏng hóc đủ loại, chiếc thì hỏng phanh, chiếc hỏng xích, thủng săm… sau đó dùng xe bò chở về trường sửa chữa. Kinh phí sửa đều lấy từ quỹ tiết kiệm của Chi bộ nhà trường, hoặc các thầy cô đóng góp thêm”, thầy Dục cho biết thêm.

Giáo viên thường xuyên vượt suối, băng rừng vận động học trò đến lớp ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa.
Giáo viên thường xuyên vượt suối, băng rừng vận động học trò đến lớp ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa.

Vượt nghìn cây số “bắt” học trò trở lại trường

Thầy Nguyễn Hữu Tâm – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Dạy học ở vùng khó nếu người thầy chỉ làm tròn chức trách truyền bá kiến thức sẽ không có học trò để dạy. Thầy cô phải xem các em như con cháu của mình, hết mực yêu thương mới mong níu chân các trò đến lớp.

“Sau những đợt nghỉ học là học trò lại lười đến trường, nên việc bỏ học xảy ra thường xuyên. Thậm chí, chỉ cần nhà có việc hoặc thời tiết xấu là học trò lại mất hút. Những lúc như vậy, các thầy cô lại phải lặn lội lên tận bản, tận nhà, thậm chí lên tận rừng để tìm học trò của mình. Có khi thầy cô phải đi bộ cả ngày, rồi vượt núi, lội hết con suối này qua con suối khác mới tìm thấy học trò. Tìm thấy trò rồi lại phải động viên, dỗ dành mãi các em mới trở lại lớp”, thầy Tâm kể lại.

Đặc biệt, vào năm 2019, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa có 15 học sinh lớp 9 người Mã Liềng bỏ học rồi tự ý vào miền Nam làm thuê khiến bố mẹ các em lo lắng và nhờ nhà trường đi tìm về. Nhà trường đã xin giấy giới thiệu rồi cử một số thầy giáo vào tận nơi, lặn lội tìm kiếm và đưa được các em trở về lại trường để học tập.

15 học trò được nhà trường “bắt” từ miền Nam về lại trường đều đã học xong lớp 9, được cấp bằng tốt nghiệp. Có em trở lại miền Nam làm việc, có em tiếp tục học nghề để vươn lên trong cuộc sống. Trong số học trò trở về, ở bản Chuối có hai em học Cao đẳng nghề Quảng Bình ngành may mặc, vừa rồi vào làm việc tại các nhà máy ở miền Nam, một em đang học tập tại Đà Nẵng…

Ngoài ra, trong những năm qua, do phong tục, tập quán lạc hậu và hiểu biết còn hạn chế nên nhiều trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết dẫn đến tình trạng học sinh của trường sức khỏe và thể trạng rất yếu. Nhà trường đã kết nối, liên hệ với các tổ chức, rồi chở các em vượt quãng đường hàng chục cây số về Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện thăm khám sức khỏe nhằm giúp các em có thể trạng tốt hơn để đỡ ốm đau, bệnh tật.

Mặc dù, những khó khăn, vất vả là vậy, thế nhưng các thầy, cô giáo tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa luôn tự hào, gắn bó với ngôi trường vùng cao này và đang từng ngày nỗ lực, cố gắng để cùng chia sẻ những khó khăn, giúp đỡ, mang đến cho các em những bài học ý nghĩa.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Hóa đạt phổ cập mức độ 3. Trong 4 năm học liền nhà trường luôn duy trì sĩ số và không có tình trạng học sinh bỏ học. Nhà trường đã tổ chức bán trú cho hơn 60 học sinh ở những bản xa như bản Kè, Cáo, Chuối, trong đó có 10 em khuyết tật học hòa nhập. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện mô hình bán trú và mở rộng cho học sinh các bản khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ