Bội phần vất vả dạy chữ trên đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những khó khăn, khắc nghiệt không cản được bước chân những người thầy, cô giáo nhiệt huyết gieo chữ trên đại ngàn.

Trăn trở nghề gieo chữ trên đại ngàn.
Trăn trở nghề gieo chữ trên đại ngàn.

Cần mẫn chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng cao

Với 25 năm công tác tại các điểm trường vùng cao và gắn bó học sinh người dân tộc thiểu số, thầy Lương Thành Chính, giáo viên điểm trường Lũng Hoài, trường Tiểu học Thượng Nung, xã Thượng Nung huyện Võ Nhai đã dành cả tuổi trẻ cần mẫn đóng góp công sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Dạy học tại điểm Lũng Hoài từ năm 2011, đây là điểm trường nằm trên ngọn núi cao hẻo lánh, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của xã Thượng Nung. Năm học 2022 - 2023, điểm trường có tổng số 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, các em 100% là hộ nghèo dân tộc Mông.

Điểm trường Lũng Hoài nằm trên ngọn núi cao hẻo lánh, nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Điểm trường Lũng Hoài nằm trên ngọn núi cao hẻo lánh, nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Thầy Chính cho biết: Từ trung tâm xã lên đến điểm trường phải qua những con đường dốc đá cao, trơn trượt mỗi khi trời mưa, thầy, cô giáo, học sinh đi lại vô cùng khó khăn, vào mùa đông, điểm trường Lũng Hoài lại chìm trong màn sương mù dày đặc.

Để tới được điểm trường, các thầy cô phải bộ mất gần một tiếng đồng hồ, nay con đường đã được đổ bê tông, xe đi lại cũng đỡ vất vả tuy nhiên ngày mưa bão, nguy cơ sạt lở, đá lăn lại khiến các thầy cô không khỏi trăn trở về những hiểm nguy phải đối mặt. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất điểm trường còn nhiều thiếu thốn với lớp học là nhà lắp ghép diện tích 20m2/phòng, bếp nấu ăn là tạm, chật hẹp.

Giữa mênh mông đại ngàn, khó khăn chồng chất khó khăn, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua gian nan, nhọc nhằn ấy. Song với lòng yêu nghề, yêu trường, tình thương mến dành cho học trò vùng cao, đã trở thành động lực giúp thầy và trò cùng nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh.

Con đường dẫn vào điểm trường Lũng Hoài, trường Tiểu học Thượng Nung.

Con đường dẫn vào điểm trường Lũng Hoài, trường Tiểu học Thượng Nung.

Dũng cảm vượt lên mọi khó khăn

Đối với cô giáo Đinh Thị Nhài, giáo viên trường Mầm non Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, là một trong những trường nằm ở xã có điều kiện đặc biệt khó khăn của huyện với tổng số 228 học sinh, 1 điểm trường chính và 2 điểm lẻ, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% chủ yếu là đồng bào người dân tộc Mông.

Chia sẻ về quá trình công tác, cô Nhài cho biết: năm 2012, được phân công dạy học tại nhiều điểm trường lẻ thuộc trường Mầm non Quảng Chu như Đồng Luông, Làng Chẽ, Làng Điền, Con Kiến, Bản Nhuần.

Cô giáo Đinh Thị Nhài đã có 11 năm gắn bó với các điểm trường vùng cao và học sinh người dân tộc thiểu số.

Cô giáo Đinh Thị Nhài đã có 11 năm gắn bó với các điểm trường vùng cao và học sinh người dân tộc thiểu số.

Thời điểm đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, công trình vệ sinh khô, không có nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt học tập, các cô giáo phải phải xách nước từ nhà dân để phục vụ cho sinh hoạt tại lớp, đồ dùng đồ chơi phục vụ công tác giảng dạy còn hạn chế, chưa có bếp ăn bán trú phải vận chuyển thức ăn từ bếp khu chính sang điểm trường để phục vụ ăn bán trú cho các cháu…Khó khăn là vậy, nhưng mỗi tháng cô Nhài cũng chỉ được nhận mức lương khởi điểm 2 triệu 300 nghìn, với số tiền ít ỏi này, phải cố gắng chắt chiu mới có thể tạm đủ lo cho cuộc sống.

Năm 2017, cô Nhài tiếp tục gắn bó với điểm trường Bản Nhuần, trường Mầm non Quảng Chu, đường đi từ trung tâm tới điểm trường gồ ghề, đất đỏ, ngày mưa trơn trượt, ngày nắng thì bụi. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, sự chung sức đồng lòng của người dân, con đường dẫn vào điểm trường đã được đổ bê tông. Thế nhưng, khó khăn vẫn luôn thường trực nơi vùng sâu vùng xa này.

Con đường dẫn vào điểm trường bản Nhuần khi chưa được đầu tư.

Con đường dẫn vào điểm trường bản Nhuần khi chưa được đầu tư.

Giáo viên ở bậc học khác đã vất vả, giáo viên mầm non vất vả bội phần, bởi giáo viên mầm non lại toàn là nữ, nhưng với lòng yêu trẻ, yêu nghề, những giáo viên vùng cao đã dũng cảm vượt lên mọi khó khăn, gắn bó với lớp, với bản để hoàn thành nhiệm vụ.

Các thầy cô giáo kiên trì bám trường, bám bản vẫn rất mong có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học tốt hơn để con đường “gieo mầm tri thức” của những giáo viên vùng cao bớt đi những gập ghềnh, gian khó, có chính sách quan tâm chế độ ưu đãi đối với các giáo viên cắm bản để họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ