Thằng Vàn vừa giắt con dao nhọn vào mõ, đeo bên hông, xỏ chân vào đôi ủng cổ ngắn đủng đỉnh đi xuống phía chuồng trâu thì ông nội gọi lại:
- Cháu mang cho ông Thảnh cân chè bồm với thang thuốc, ông treo ở cột cạnh cầu thang. Tiện thể thì đuổi trâu sang Roỏng Be chăn, cỏ nhiều lắm. Năm nay, người ta bỏ ruộng, tha hồ mấy đứa làm giặc.
Vàn xị mặt:
- Ứ, con không sang nhà ông ấy đâu, chó dữ bỏ xừ. Sao ông không đem sang?
- Ông còn bận sao mấy chảo chè, người ta đặt rồi. Thấy chó thì gọi từ xa hoặc cầm cái que dài, nó không cắn đâu.
- Con không thích ông ấy, lúc nào cũng say mèm, thấy ai tới lại lôi vào nhà bắt ngồi nghe thơ, chán ơi là chán.
Vàn tìm đủ lí do nhưng khi quay lại đã thấy ông nội đánh trần, khom người, hai tay mải miết đảo chè trong chiếc chảo trâu bóng nhẫy. Nó đành thả tọt gói chè bồm, vài thang thuốc vào trong túi nải cùng với chai nước sôi để nguội, tháo gióng chuồng, lùa bốn con trâu ra cổng.
Nhà ông Thảnh nhỏ nhắn lợp mái cọ, ken vách gỗ, dựng ở bìa rừng, chỉ có con đường mòn dẫn tới. Từ đằng xa, con chó khoang thấy người đã sủa inh ỏi. Khác với mọi lần, ông Thảnh tập tễnh ra ngó nghiêng rồi xích con chó lại. Thấy Vàn chặt cây tre nhỏ có móc để đóng cọc buộc trâu, ông gọi với:
- Đuổi nó vào vườn tao cho ăn cỏ đi mày, cột đó làm gì lại chết đói bây giờ. Vào đây, tao cho xem cái này hay lắm.
Lại bài thơ dài hơn dây thau cát* chứ gì? Ai hơi đâu ngồi nghe ông ngâm nga? Thằng Eng, thằng Tậu, cái Chiêm còn đợi bên Roỏng Be, hôm nay cả bọn trèo hái cây bưởi đào chín sớm, buổi trước hái một quả ăn thử đã không còn he đắng nữa. Vàn dòng dây chạc, cột hai con trâu to vào giữa bãi cỏ may. Nó xăm xăm đi về phía ông Thảnh và rón rén bước qua chỗ con khoang đang gầm gầm ghè ghè.
- Ông cháu gửi đây à? Giỏi quá, cái lão này sợ vợ đệ nhất nên trốn cuộc rượu đây mà. Tao đã đoán đúng, thôi, cho mày xem chút tài nghệ để sau này còn biết mà làm. Nhìn đây, xe tăng thời chiến, đèn ông sao, đèn cá chép, lấy cái nào thì để tao lắp? Mày được chọn trước mấy đứa, nhận rồi cấm có hối hận nhé.
Vàn thấy đống tre ngổn ngang giữa sân, không giấu nổi tò mò với những bánh xe tăng làm bằng gỗ vàng uôm, nhẵn bóng:
- Ông làm để bán ạ?
- Bán chác gì? Buồn chân buồn tay thì làm. Trung thu còn vài hôm nữa là tới. Sáng nay, tao ra ngoài chợ phiên chơi, sờ vào cái đèn ông sao nhóng nhánh xanh đỏ thấy nó ọp à ọp ẹp, chúng mày chơi thế thì đâu có đã. Thôi, ra kia thả trâu dắt vào vườn đằng sau này rồi chạy ra gò hú mấy đứa quỷ nhỏ tới đây, tao làm cho mỗi đứa một chiếc, đỡ tị nạnh nhau.
Vàn bỏ luôn cái túi nải trên chõng, răm rắp nghe theo lời ông Thảnh. Ông lắp một chân giả từ lúc đi bộ đội về. Vợ ông đã mất. Các con ông làm việc ngoài thị trấn. Ông thích ở đây để giữ vườn cây ăn quả và canh rừng. Người bản Bây bảo tiền của ông không thiếu gì.
Thỉnh thoảng, mấy ông bạn già, cánh chăn trâu, người làm đồng lại tạt vào nhà ông làm chén nước chè, uống rượu hạ thổ, say thì nghe ông ngâm thơ, tới bữa ăn cơm với thịt gà nấu canh gừng, rau bò khai xào tỏi.
Ông thường lấy chè bồm về bóp mịn trộn với cơm nguội chăn gà, chăn lợn nên con nào con nấy chạy đồi nhanh nhẹn, béo mượt. Chè ngon, ông mua về tiếp khách gần xa. Mấy đứa trẻ ngồi xổm, chống cằm, xếp thành vòng tròn xem ông Thảnh tỉ mẩn vót nan, vặn dây thép. Thằng Tậu nói lắp nhưng thường hay hỏi:
- Cái... cái xe tăng đi qua nước nó có lật... lật không ông?
- Không, nó chưa kịp lật thì đã chìm ngủm rồi. Cậu tính đem chiếc xe dán giấy đi đánh trận thủy chiến ở suối đấy hả? Rồi bị cảm lạnh, mẹ cậu sẽ thưởng no đòn vào mông cậu, còn tôi sẽ nghe ca cải lương đến mức không làm nổi thơ nữa.
Cả bọn cười ầm lên. Thằng Tậu giải thích:
- Không, cháu sợ đêm rước đèn, trời... trời mưa.
Cái Chiêm cau có:
- Mày mưa trên giường mày thôi nhé. Cái miệng đã nói lắp lại thốt ra toàn điều xui xẻo. Ông Thảnh ơi, ông đừng làm cho nó nữa.
Ông Thảnh nhấp ngụm chè, chậm rãi bảo:
- Làm chứ, tao làm cho từng đứa một. Mưa thì đèn vẫn sáng trưng. Để tao trang trí xong, tao đấu pin với dây thắp bóng.
Cái Chiêm bảo:
- Ông ơi, cho cháu xin mấy quả ổi ạ.
- Ra vườn mà hái, lấy rổ đem theo đựng cho được nhiều. Nhớ đừng bén mảng sang bụi sim nhé, có tổ ong đất to. Tao vừa bị đốt hôm nọ, u cả đầu.
Nó quý ông Thảnh từ dạo ấy. Nhất là khi nó biết được ông thường gửi tiền giúp đỡ hai chị em cái Chiêm học hành. Bố cái Chiêm bị liệt, mẹ bỏ đi biệt tích. Một mình ông nội nó đi phụ xây ngoài thị trấn chỉ đủ tiền đong gạo, mua mắm muối. Mỗi lần ghé vào nhà xin nước uống, Vàn sờ vào chiếc chân giả của ông, ông lại cười như bị ai cù nách:
- Tao gửi nó ở Thành cổ Quảng Trị đấy, một trận bom chỉ còn có vài người trở về. Mày biết ơn tao thì ráng học, sau này tha hồ đi chơi, mua cho tao rượu ngô ủ trong ống trúc. Khà khà.
Mà khéo đến lúc đó, tao lên ngủ trên rừng rồi. Thôi, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đi hái hết các loại quả chín cây đi, chốc về tao chia phần cho, nhớ rằng cây cao quá thì lấy vợt móc xuống kẻo ngã lộn cổ, lắp chân giả như này thì xấu trai lắm.
Đêm Trung thu vui như hội. Khắp bản Bây vang tiếng trống múa kỳ lân, nhạc bài hát rước đèn. Chị em gái mặc bộ quần áo Nùng cách tân màu xanh có dải kim tuyến thoăn thoắt bày mâm ngũ quả trông trăng. Chiếc xe tăng của Vàn chạy bằng pin, vượt qua chỗ gồ ghề dễ dàng.
Lũ trẻ ở bản Bây còn rủ nhau rước đèn qua bờ ruộng, tới tận bìa rừng để tặng ông Thảnh bánh dẻo, bánh nướng và hát múa cho ông xem. Chúng vẫn gọi đây là khu vườn cổ tích, bởi mùa nào quả đấy, hết na, đến bưởi, hạt dẻ, ổi, quýt, cam, hồng, mơ, mận... Ông Thảnh đều chia phần cho những đứa trẻ nghèo chăn trâu, cắt cỏ.
Con khoang dường như cũng vui, nó sủa nhặng lên một thôi rồi cúp đuôi ngủ trên bờ đất, thỉnh thoảng nghếch mõm lên xem đèn ai sáng nhất để chấm điểm. Mà cũng có khi, nó gật gù nghe thơ ông Thảnh ngâm nga như mọi ngày, dài hơn dây thau cát:
...Trời cao đại bàng ngang dọc
Vực nước thuồng luồng vẫy vùng
Chúng ta chỉ là cậu bé
Mơ làm chú Cuội cung trăng
Đâu hay trần gian lắm ổi
Cắn phải quả ương sún răng
Thôi đành ở nhà tí mẹ
Đợi lớn lên cưới chị Hằng...
----
Ghi chú: *Thau cát: Một loại dây rừng có nhiều ở miền núi phía Bắc.