Sự kiện thu hút đông đảo các thầy cô giáo và học sinh của 6 trường THPT trên địa bàn huyện Nam Trực. Đây là hoạt động chuyên môn hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dạy – học theo hướng đổi mới căn bản, nâng cao kĩ năng điều hành của đội ngũ tổ, nhóm trưởng, đồng thời thúc đẩy phong trào đoàn kết, đổi mới, sáng tạo sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II: “Sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường là một hoạt động cần thiết, góp phần đẩy mạnh phong trào dạy tốt, học tốt, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Thông qua hoạt động này, các giáo viên được trao đổi học hỏi kinh nghiệm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ tập thể, nâng cao năng lực chuyên môn, kĩ thuật dự giờ theo hướng dạy học tích cực. Đồng thời, tạo được sự thống nhất trong thực hiện chuyên môn nhằm đổi mới có hiệu quả cách dạy, cách học trong các nhà trường”.
Các hoạt động cụm trường THPT huyện Nam Trực gồm: Cuộc thi Olympia dành cho học sinh; Trưng bày sản phẩm KHKT và ngày hội STEM; Hội thảo - Báo cáo chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Chương trình được xem như ngày hội giáo dục đối với các thầy cô và các em học sinh THPT trong huyện.
Hoạt động trưng bày sản phẩm KHKT của các em học sinh trường THPT Lý Tự Trọng, THPT Nam Trực, THPT Nguyễn Du và THPT Trần Văn Bảo đã thu hút sự quan tâm lớn của các em học sinh và các thầy cô giáo. Những sản phẩm, đề tài trưng bày tại hội thi đều được đánh giá cao, đi sâu vào thực tiễn và dễ dàng triển khai, cũng như áp dụng trong cuộc sống.
Đặc biệt, đề tài: “Nghiên cứu giải pháp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại trường THPT Trần Văn Bảo” do hai em Phan Tố Uyên và Nguyễn Tuấn Anh chủ trì, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trần Thị Ngoan được hội đồng đánh giá cao, bởi được thực hiện hết sức tỉ mỉ, bám sát thực tế. Đây có thể xem là một nguồn tư liệu giá trị để các em học sinh và các bậc phụ huynh tham khảo.
Thầy giáo Trần Văn Tuyền, Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Bảo chia sẻ: “Hoạt động này giúp các trường trong huyện tương tác lẫn nhau, tạo động lực tích cực cho từng thành viên nhà trường, trở thành nơi học tập, trao đổi của các trường về phương pháp giảng dạy hiệu quả. Đây thực sự là sân chơi bổ ích cho các em học sinh, giúp chúng tôi thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy phong phú và thiết thực”.