Các thiết kế được gọi là giáo trình theo hệ thống GD 8-4-4 sẽ hướng dẫn giáo viên và nhà xuất bản khi chuẩn bị bài học và SGK cho chương trình giảng dạy dựa trên năng lực (CBC).
Đảm bảo quyền được GD
Chương trình giảng dạy mới đang được Viện Phát triển Chương trình giảng dạy Kenya (KICD) triển khai thử nghiệm trên toàn quốc ở lớp Pre-Primary 1 và 2, đồng thời với lớp 1 và 2. Chương trình thí điểm cũng kéo dài đến một số trường được chọn vào lớp Ba.
Theo thông tin từ KICD, sự thích nghi của các thiết kế, dẫn đầu bởi các chuyên gia chương trình giảng dạy từ nhiều tổ chức khác nhau, là một biện pháp có chủ ý để đảm bảo nhu cầu của người học được cung cấp tốt nhất trong khả năng có thể.
“Quá trình này đã mang đến bục giảng những giáo viên đặc biệt có nhiệm vụ trực tiếp triển khai thực hiện các chương trình giảng dạy. Đặc biệt ở chỗ bản thân họ là những người khuyết tật (thuộc nhóm hoặc từng có nhu cầu GD đặc biệt). Họ tin rằng, sẽ không có gì dành cho những người như họ, nếu chính họ không tham gia vào quá trình này” - TS Julius Jwan, Giám đốc KICD, cho biết trong khuôn khổ một sự kiện vừa diễn ra tại Nairobi (thủ đô của Kenya).
“Chương trình giảng dạy hiện hành đặt tất cả những người học trong một chương trình GD thống nhất. Nó không nhấn mạnh vào việc xác định và nuôi dưỡng tài năng. Chương trình giảng dạy được đề xuất là để khắc phục điều này”, TS Jwan nói.
Cũng theo Giám đốc KICD, những người học có nhu cầu GD đặc biệt không phải là những kẻ bên lề xã hội. Họ có mọi quyền đầy đủ và phải đảm bảo cho họ được hưởng những quyền ấy, trong đó có quyền được hưởng thụ GD. Không thể viện ra những lý do khó có thể chấp nhận nhưng lại khá phổ biển như luận điểm cho rằng vì việc học tập của những đối tượng như thế này kém hiệu quả hơn người bình thường mà hạn chế quyền GD của họ hoặc đặt họ ra khỏi nền GD đại chúng.
“Không có lý do gì khiến họ phải bị thiệt thòi, nhưng những quy định trong hiến pháp (của Kenya) hiện chưa bảo vệ được điều này, thậm chí còn mang tính phân biệt đối xử. Đó là lý do tại sao cần thiết phải có những chương trình giảng dạy mới hướng tới những đối tượng đặc thù ấy, trước hết, xuyên suốt và trọng tâm là bảo vệ quyền được GD và công bằng GD” - TS Jwan nói.
Nỗ lực giải quyết những bất cập
Các thông tin chi tiết từ KICD cũng cho biết tài liệu giảng dạy và học tập được phát triển cho người học bình thường, từ nay sẽ phải được thiết kế thân thiện với những người có nhu cầu đặc biệt, bao gồm người khiếm thính, khiếm thị, những người có khuyết tật về thể chất cũng như người học có khó khăn về trí tuệ.
Chính vì chương trình GD ở Kenya lâu nay gần như bỏ quên những người có nhu cầu đặc biệt, nên cộng đồng người học này đã phải chịu thiệt thòi và khó khăn rất lớn trong nhiều năm qua, vì họ đã ngồi cùng một kỳ thi quốc gia theo một chương trình giảng dạy không phục vụ cho những nhu cầu đặc biệt của họ. Không chỉ thế, các bậc cha mẹ cũng như bị trừng phạt thêm lần thứ hai khi nhận thấy đứa con khuyết tật của mình bị xã hội bỏ quên. Tương tự, đứa trẻ bất hạnh cũng nhận đòn trừng phạt kép: Hệ thống GD hiện tại không chú trọng, không thừa nhận và không sẵn sàng bồi dưỡng những tài năng và sở thích của họ.
Vì những bất cập như vậy, kèm theo sự kỳ thị của xã hội, nhiều bậc cha mẹ đành phải giữ đứa con tội nghiệp của mình ở trong nhà, sau cánh cửa đóng kín, từ chối quyền tự do của trẻ và chối bỏ luôn quyền được hưởng thụ GD tiểu học (vốn là bắt buộc) hay việc hưởng trợ cấp theo chính sách của chính phủ. Sự che giấu đó xuất phát từ mối lo ngại rằng đứa con của mình sẽ không thể cạnh tranh được với những đứa trẻ bình thường khác, chưa kể sẽ bị phân biệt đối xử hay bắt nạt.
Tất cả những bất cập này, đang được KICD nỗ lực giải quyết trong chương trình mới mà họ xây dựng và đang triển khai thực nghiệm trên toàn quốc. TS Jwan nói rằng chương trình
giảng dạy mới được xây dựng dựa trên năng lực cung cấp một cơ hội cho những người học có nhu cầu đặc biệt vượt trội trong lĩnh vực khả năng và sở thích của họ, mà không cảm thấy bị bỏ quên.
Các nhà phát triển chương trình giảng dạy đã từng ở KICD trong một tuần qua, phủ nhận tuyên bố rằng người nước ngoài đã đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng các cải cách GD đầy tham vọng nói trên, còn người Kenya chỉ là những người “vận hành cỗ xe cải cách”.
“Đây là một quá trình có sự tham gia thực sự của người Kenya đối với người Kenya. Một cuộc đánh giá nhu cầu đã được thực hiện và người Kenya vẫn đang làm phong phú thêm quá trình cải cách chương trình giảng dạy” - bà Beth Kahuthia, phụ trách lĩnh vực GD nhu cầu đặc biệt tại KICD cho biết.
Bà giải thích, theo chương trình giảng dạy mới, trẻ em bị khuyết tật trầm trọng, những người thấy khó đi học sẽ đạt được kết quả học tập thông qua các chương trình tại nhà, để được hưởng lợi từ GD. “Các chương trình can thiệp tại nhà đã được phát triển để phục vụ cho họ. Một số trường đặc biệt cách xa một số ngôi nhà” - bà Kahuthia nói thêm - “Các viên chức đánh giá GD và trung tâm tài nguyên phải có khả năng hỗ trợ những đứa trẻ như vậy ở nhà”.