Giáo viên tốt không phụ thuộc vào cao – thấp

GD&TĐ - Ngày 14/2, Trường ĐHSP TPHCM xác nhận gỡ bỏ điều kiện chiều cao ra khỏi đề án tuyển sinh dự kiến của nhà trường. Tuy nhiên, vấn đề yêu cầu với đầu vào sư phạm, trong đó có yếu tố hình thể vẫn thu hút nhiều ý kiến của những người trong ngành và hầu hết là không đồng tình.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương – giáo viên Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) cùng học sinh trong giờ học
Cô Nguyễn Thị Lan Hương – giáo viên Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) cùng học sinh trong giờ học

Chưa gặp khó khăn vì hạn chế chiều cao

Dáng người nhỏ bé, nếu như theo quy định Trường ĐHSP TPHCM đưa ra chắc chắn không đáp ứng, cô Nguyễn Thị Lan Hương - Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) - vẫn là một giáo viên giỏi, có uy tín, được học sinh yêu mến.

Cô Hương chia sẻ, ngay khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm, cô đã vào dạy những lớp tốp đầu của Trường THPT Thanh Miện (Hải Dương) và có học sinh giỏi cấp tỉnh. Từ đó đến nay, trải qua 2 môi trường giáo dục, năm nào cô cũng có học sinh thi ĐH đạt điểm 9-10.

“Tôi cảm thấy bất ngờ khi nghe quy định của Trường ĐHSP TPHCM. Bản thân tôi, hơn 15 năm trong nghề, chưa khi nào gặp khó khăn trong công việc vì ngoại hình nhỏ bé; chưa bao giờ thấy chiều cao của mình ảnh hưởng đến việc dạy học cũng như chưa từng gặp tình huống khó xử với học trò vì ngoại hình của mình. Chiều cao chẳng nói được gì về tri thức, đạo đức, lòng yêu nghề của nhà giáo - trong khi đó mới là yếu tố quyết định một người giáo viên tốt. Dạy trò cũng vậy, chắc chắn không phải học trò cao lớn mới là học trò tốt” - cô Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Cũng là một giáo viên có chiều cao hạn chế, cô Lê Hoàng Anh – giáo viên Trường THPT Phúc Lợi – khẳng định ngay, quy định chiều cao với thí sinh thi tuyển vào sư phạm là không phù hợp. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi hình thức dạy học vô cùng phong phú, không chỉ dạy trực tiếp trên lớp và còn dạy trực tuyến… Trong đào tạo từ xa, nhiều khi học viên không biết cả mặt thầy, nhưng việc dạy học vẫn tốt. Yêu cầu chiều cao cũng không đúng với câu chuyện của bản thân cô, bởi dù không đáp ứng “tiêu chuẩn” 1,5m, cô Lê Hoàng Anh vẫn là giáo viên giỏi, 4 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, có học sinh giỏi cấp tỉnh và nhiều thành tích khác được ghi nhận.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - Tổ trưởng Chuyên môn Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) - khi nêu quan điểm về yêu cầu chiều cao với thí sinh của Trường ĐHSP TPHCM cho rằng, học sinh cần người dạy có tâm, có kiến thức, phương pháp sáng tạo... Vì thế, tiêu chuẩn phải kết hợp hai mặt, vừa có đạo đức, kiến thức, sáng tạo; vừa tận tâm với nghề cùng đam mê cháy bỏng mới đem đến cho ngành Giáo dục những kỹ sư tâm hồn có tài, có tâm.

Nhiều học sinh khi được hỏi cũng tỏ ra ngạc nhiên với quy định nói trên và cho rằng không hợp lý. Các em khẳng định, tình cảm của mình đối với thầy cô là vì cô dạy hay, dễ hiểu, yêu mến học trò, có đạo đức tốt, không liên quan gì đến ngoại hình.

Cô Lê Hoàng Anh – Giáo viên Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) là giáo viên giỏi, được học sinh yêu mến
  • Cô Lê Hoàng Anh – Giáo viên Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) là giáo viên giỏi, được học sinh yêu mến

Chiều cao không quyết định chất lượng giáo viên

Đại diện đơn vị sử dụng đầu ra sư phạm, thầy Nguyễn Quý Xuân – Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi – đã dẫn Luật không có điều nào quy định về chiều cao của người giáo viên. Trí tuệ, đạo đức của người giáo viên không phụ thuộc vào chiều cao. Trên thực tế, có người có lợi thế về chiều cao nhưng trí tuệ không cao và ngược lại, có thầy cô dù chiều cao hạn chế nhưng tư cách đạo đức, phẩm chất và năng lực chuyên môn đều tốt, quá trình truyền đạt vẫn tạo sức hút lớn với học trò, cha mẹ học sinh.

“Trường THPT Phúc Lợi chúng tôi có những ví dụ thực tế cho điều đó. Bởi vậy, tôi chắc chắn rằng, quy định chiều cao với thí sinh thi vào sư phạm như báo chí nêu tại Trường ĐHSP TPHCM sẽ không nhận được sự đồng tình” – thầy Nguyễn Quý Xuân cho hay.

Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) – cho rằng: Về nguyên tắc, trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Người ta có thể đưa ra các tiêu chí, nhưng dù tiêu chí nào cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, phải tôn trọng giá trị người học, bảo đảm chất lượng và bình đẳng để mọi người có cơ hội học như nhau. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh người có ngoại hình thấp hơn 1,55m với nam và 1,5m với nữ có chất lượng dạy học kém hiệu quả hơn.

“Ở Trung Quốc, tôi biết năm nay, tỉnh cuối cùng của nước này sẽ phải hủy bỏ quy định giáo viên nữ phải cao trên 1,5m vì có thể trái với hiến pháp quy định quyền bình đẳng của con con người. Tôi nghĩ, có thể Trường ĐHSP TPHCM từng đưa ra quy định này là vì lo xa về cơ hội việc làm của người không thuận lợi về hình thể. Nhưng nếu lo lắng cho thí sinh, trường nên tư vấn cho các em thì hợp lý hơn. Có thể nói, yêu cầu chiều cao như trên là thiếu logic. Tôi dạy học gần 20 năm, ngoại hình tốt có thể tạo một số thuận lợi, nhưng không ít người có khiếm khuyết cơ thể nhưng vẫn rất giỏi” – ông Hoàng Ngọc Vinh cho hay.

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục ĐH đào tạo rộng, nếu không đứng lớp, sinh viên tốt nghiệp sư phạm có thể làm việc khác ngoài dạy học. Thêm nữa, tới đây, với sự phát triển của công nghệ, dạy học online rất phổ biến. Nói về tiêu chí tuyển chọn vào sư phạm, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng nên căn cứ vào yêu cầu đầu ra. Cần xác định rõ chuẩn đầu ra cơ sở giáo dục phổ thông cần, từ đó có quy định tuyển sinh, tổ chức đào tạo sao cho đáp ứng được chuẩn đầu ra đó. 

“Trong điều kiện tự chủ, Quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường. Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm... để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo. Các quy định khác của trường do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu Trường ĐHSP TPHCM rà soát kỹ dự thảo Đề án tuyển sinh, xác định các nội dung thực sự cần thiết, có cơ sở chắc chắn... để khi ban hành đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không thể hiện chính sách phân biệt đối xử; đồng thời, yêu cầu trường nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội”.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ