(GD&TĐ) - Những ngày giữa tháng 10/2012, tại Trường THPT Trần Kỳ Phong. TP Quảng Ngãi đã xảy ra một vụ việc gây xôn xao dư luận: Giáo viên Nguyễn Thị Em dạy bộ môn Sinh học trong tiết dạy tại lớp 11B1 đã có những hành vi gây bức xúc cho học sinh, tới mức em Trần Thị Thế Y phải cắt gân tay để phản đối cô ngay trên lớp.
Điều đáng nói cô Em lại là một giáo viên dạy giỏi, ở trong mạng lưới chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình điều tra để đi tới kết luận, không ít cán bộ, GV và cả học sinh tại đây đã cho rằng: Giáo viên Nguyễn Thị Em không phải là một giáo viên tốt. Từ đây, một vấn đề đặt ra: có nét khác biệt nào giữa một giáo viên giỏi và một giáo viên tốt?
Giáo viên tốt phải là giáo viên giỏi
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hồng Hải gặt hái “mùa vàng” học sinh giỏi cấp tỉnh Môn Văn năm 2013 cho ngôi trường bên núi |
Qua thu thập ý kiến của các em học sinh tại một trường THPT ở Quảng Trị, có tới 82% đánh dấu vào ô “giáo viên có kiến thức phong phú, dạy dễ hiểu” (trong 4 tiêu chí của một giáo viên tốt mà chúng tôi đưa ra để trắc nghiệm như: Nhiệt tình giảng dạy; có lòng yêu thương học sinh; có kiến thức phong phú, dạy dễ hiểu; công tâm, không thiên vị).
Em Nguyễn Anh Thư – HS lớp 11 Chuyên hóa trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) quan niệm: Một giáo viên tốt tất nhiên phải là người tận tâm với nghề, người có khả năng truyền đạt, có phương pháp giảng dạy phù hợp với nhiều đối tượng, tạo được sự hứng thú trong từng tiết dạy.
Còn em Trần Dương Ngọc Tú - Học sinh lớp 12/2 - Trường THPT Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thì tâm sự: “Có những thầy cô giáo rất hiền lành, nhiệt tình khi giảng dạy nhưng mà lại nghèo nàn kiến thức, luôn làm chúng em phải ngủ gật ở trên lớp nên làm cho học sinh chán học”.
Như vậy, một giáo viên được gọi là tốt không thể nào lại là một giáo viên dạy không giỏi, không làm cho học sinh thấy việc cần thiết của họ trong tiết dạy.
Một đồng nghiệp nhà giáo kể lại: Trong tổ chuyên môn Sử - Địa của họ có một nữ giáo viên dạy Địa đã nhiều tuổi nhưng chưa lập gia đình. Nữ giáo viên này rất khao khát giao tiếp, trò chuyện với mọi người, đồng nghiệp nhưng lại luôn thất bại trong công tác chủ nhiệm. Trong bảng xếp loại thi đua hàng tuần, lớp chủ nhiệm của chị luôn đứng sau và bị Ban giám hiệu phê bình là nề nếp trật tự kỷ luật của lớp chưa tốt.
Tìm hiểu nguyên nhân, mới biết các tiết dạy Lịch sử của giáo viên này học sinh ít hiểu bài nên thường hay mất trật tự trên lớp. Một số học sinh cá biệt cũng nhận ra cô giáo quá hiền, không dám có biện pháp mạnh nên mọi yêu cầu của cô đề ra trong xử lý kỷ luật đều ít mang lại hiệu quả.
Trong thực tế, nếu được quyền chọn lựa giữa một giáo viên có tình thương yêu học sinh và một giáo viên chỉ đơn thuần là có năng lực giảng dạy trên lớp, chắc chắn, học sinh và cả các bậc phụ huynh sẽ chọn lựa giáo viên dạy giỏi. Vì cái mà học sinh luôn cần là được trang bị kiến thức để làm hành trang vào đời trong tương lai.
Còn việc giáo viên đó có được học sinh yêu quý, kính trọng hay không lại là chuyện khác - chuyện của những giáo viên được gọi là tốt.” Học sinh nào cũng có quyền có một giáo viên tốt” - đó là một khẩu hiệu hành động không chỉ riêng của ngành giáo dục mà của toàn xã hội!
Khi giáo viên dạy giỏi được tôn vinh
Một giáo viên tốt phải luôn phát huy tính tích cực học tập của HS Ảnh: Thiên Thanh |
Trở lại trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Em ở Trường THPT Bình Sơn nêu trên. Đa số đồng nghiệp và học sinh đều cho rằng, lý do cô dạy dễ hiểu bài, có kiến thức nhưng lại không chiếm được tình cảm yêu mến của học sinh là vì cô áp dụng nguyên tắc cứng nhắc trong mọi trường hợp và ít gần gũi và không am hiểu tâm lý của lứa tuổi học đường.
Đa số học sinh khi được hỏi em thích học với một giáo viên như thế nào thì đều trả lời là thích những giáo viên có óc khôi hài, luôn sẵn sàng chia sẻ với học sinh, biết giúp đỡ học sinh tiến bộ.
Hãy nghe em Nguyễn Ngọc Tâm - Bí thư Chi đoàn lớp 12 B5 - Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị) nói về người thầy giáo mà em yêu kính: Em rất thích thầy Tuấn, giáo viên dạy Địa của lớp. Địa lý trước đây là môn học khô khan, khó hiểu với em. Nhưng thầy Tuấn lại có cách dạy rất nhẹ nhàng, sinh động. Khi truyền thụ kiến thức, thầy luôn xen vào những câu chuyện kể hay những lời hóm hỉnh làm chúng em hiểu bài sâu sắc.
Em thấy hình như các thầy cô giáo dạy giỏi cũng luôn có lòng yêu thương học sinh. Vì có yêu thương học sinh thì thầy, cô giáo mới có thể tận tụy với học sinh được. Các thầy cô giáo dạy lớp em rất nhiệt tình giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, luôn gẫn gũi với chúng em. Em thích nhất là những thầy cô giáo có tính hài hước để tiết học đỡ căng thẳng.”.
Những giáo viên dạy giỏi, hết lòng yêu thương học sinh xứng đáng được tôn vinh như thế. Từ phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng như “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo”, những năm gần đây, chất lượng đội ngũ giáo viên các trường học trong cả nước được nâng lên đáng kể. Hiện tượng giáo viên vi phạm về nhân cách, non yếu về năng lực chuyên môn chỉ còn là hi hữu.
Thầy Nguyễn Chế Linh, Tổ trưởng tổ Toán của Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị) cho rằng, một người thầy muốn thành công trên lớp trước hết phải vững vàng về kiến thức, tìm ra cách dạy hay nhất, hiệu quả nhất. Nghĩa là phải nghĩ ra được các tình huống đắt giá làm cho tiết dạy hấp dẫn, tạo cơ hội cho học sinh học tập tích cực hơn.
Vậy một giáo viên tốt cần có những phẩm chất nào? Cô giáo Trần Thị Hồng Hải, GV Trường THPT Đakrông (Quảng Trị) đã nêu lên rất nhiều tiêu chí của một GV tốt như: giàu nhiệt huyết với nghề, có phương pháp giảng dạy hay, luôn quan tâm tâm đến học sinh trong mọi trường hợp, không thiên vị. Ý kiến này của cô cũng trùng hợp với ý kiến của nhiều học sinh khi được hỏi: em thích một giáo viên như thế nào?
Chẳng hạn, như ý kiến của em Nguyễn Đăng Bình - Lớp trưởng lớp 12B2 Trường THPT Hướng Hóa (Quảng Trị): “Một giáo viên tốt trước hết phải có chuyên môn tốt, nghĩa là phải dạy giỏi. Đó là điều mà người học sinh nào cũng mong muốn. Nhưng chúng em còn mong muốn các thầy cô giáo luôn biết ứng xử một cách linh hoạt trong mọi tình huống, cách ứng xử với học sinh giỏi cũng phải khác với những đối tượng khác trong cùng một lớp học.
Ngoài gia đình, bố mẹ, thì thầy cô giáo có ý nghĩa quan trọng đối với chúng em, nên chúng em rất mong các thầy cô giáo tâm lý với học sinh. Khi gặp những trường hợp học sinh không thuộc bài thì giáo viên không nên vội chỉ trích, mà nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân để khỏi làm tổn thương tới học sinh nếu như học sinh đó có hoàn cảnh đặc biệt”.
Hay ý kiến của em Lê Nguyễn Anh Thư - lớp 11 Chuyên hóa trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam): “Em cho rằng, một giáo viên tốt thì trước hết phải hiểu được tâm lý của học sinh. Vì rằng, cũng có những thầy cô giáo dạy cho học sinh hiểu bài, nhưng lại rất ít chia sẻ với học sinh, hay bảo thủ ý kiến của cá nhân mình, mà không lắng nghe ý kiến của học sinh dù là ý kiến đúng.”.
Nguyễn Thị Thúy Hồng