"Đãi cát tìm vàng" trong việc dạy, học môn ngoại ngữ

GD&TĐ - Trong thời gian qua đã có nhiều đơn vị cho ra mắt nhiều sản phẩm sách (sách in, phần mềm, sách trực tuyến…) phục vụ dạy, học ngoại ngữ. Tuy nhiên để tìm một loại sách dạy, học ngoại ngữ phù hợp với trình độ, văn hóa, phong tục của Việt Nam là chuyện không hề dễ.

Một tiết học chương trình tiếng Anh i-Learn Smart Start tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TPHCM
Một tiết học chương trình tiếng Anh i-Learn Smart Start tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TPHCM

Thiếu chương trình có tính kế thừa

Trước thềm năm học mới, chị Lê Như Ngọc (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã tìm đến nhiều nhà sách để lựa chọn loại sách ngoại ngữ phù hợp cho con tự học thêm ở nhà. Chị Ngọc cảm thấy “rối” vì có rất nhiều loại sách từ nhiều nguồn và nhà xuất bản khác nhau. “Phụ huynh chúng tôi xác định cấp tiểu học là thời điểm vàng để con em tiếp cận với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên để tìm chương trình học phù hợp là không phải dễ!”.

Tâm sự của chị Ngọc cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh có con em đang ở lứa tuổi học sinh với mong muốn trang bị vốn ngoại ngữ tiếng Anh vững vàng bước vào thời kỳ hội nhập. Thực tế đã có rất nhiều phụ huynh phải cho con đi học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để được nghe, nói nhiều hơn, nhiều trò chơi vui hơn. Học ở trường, giáo viên đa phần chú trọng ngữ pháp, từ vựng và thi viết; học sinh gần như không được thực hành nghe, nói, thảo luận...

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo giảng dạy ngoại ngữ, nhà trường chỉ có thể tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh năng động khi kết hợp được các yếu tố: Giáo viên giỏi, chương trình - sách giáo khoa tiên tiến, ưu tiên thực hành và cơ sở vật chất đảm bảo. Vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn còn thiếu một bộ giáo trình tiếng Anh xuyên suốt, liên thông nhiều cấp lớp. Vì hiện nay cấp 1 các em học một giáo trình, cấp 2 là một bộ giáo trình khác. Về căn bản, các giáo trình đều được lựa chọn kỹ càng bởi các chuyên gia cũng như nhà chuyên môn. Tuy nhiên, về bản chất, vẫn là các bộ giáo trình khác nhau, được thiết kế khác nhau. Điều này ít nhiều gây trở ngại tới việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, đặc biệt là trong môi trường phát triển chưa thật đồng đều giữa các địa phương tại Việt Nam.

Theo ông Lê Hoàng Nam, Giám đốc Marketing & Truyền thông-Tập đoàn giáo dục Đại Trường Phát: Theo nhiều nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm từ các chuyên gia đào tạo của Tập đoàn, lứa tuổi thích hợp nhất mà trẻ nên làm quen với ngoại ngữ là khi bước vào 3 - 4 tuổi. Bởi lẽ, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu quan sát và thích nghi nhanh nhất với những thay đổi của thế giới xung quanh. Bên cạnh những phương pháp giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả thì một vấn đề quan trọng không kém để trẻ có thêm niềm thích thú khi học ngoại ngữ là phải có một phương pháp, tài liệu, giáo cụ giảng dạy tiếng Anh phù hợp với tâm lý và độ tuổi của trẻ.

“Mở” nhưng phù hợp với người Việt

Thực tế, việc áp dụng các giáo trình dạy tiếng Anh tại các cấp học trong thời gian qua mang lại hiệu quả chưa như mong muốn, khiến cho các bậc phụ huynh và xã hội chưa hài lòng. Đa số các phụ huynh đã hiểu được vai trò của tiếng Anh trong xã hội hiện đại nên đầu tư cho con em mình rất nhiều. Các em không chỉ học ở trường mà còn được gửi đến các trung tâm ngoại ngữ hoặc học thêm tại nhà thầy cô, nhưng kết quả mang lại chưa cao. Sau 7 năm học tiếng Anh (từ lớp 3 đến lớp 9) nhưng nhiều em kỹ năng nghe, nói, đọc còn hạn chế.

Trước thực tế trên, thay đổi là tất yếu. Bởi nếu hệ thống giáo dục không thay đổi, thị trường sẽ tự làm việc đó. Học sinh, sinh viên sẽ lãng phí nhiều thời gian học tiếng Anh ở nhà trường nếu không sử dụng được. Trong khi đó, một bộ phận lớn phải ra ngoài để học lại tiếng Anh nhằm thích nghi với yêu cầu của thị trường. Đây là sự lãng phí nguồn lực vô cùng lớn của xã hội và cần được thay đổi.

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô giáo giảng dạy tiếng Anh, việc giảng dạy tiếng Anh với nền tảng là phát âm nên được thực hiện từng bước ở các trường điểm tại các khu vực thành phố lớn, sau đó lan tỏa ra toàn hệ thống. Việc kế tiếp là nâng cao chất lượng giáo viên tại các trường đại học, trung học và tiểu học. Từ đó, dựa trên các giáo trình tại các trường trọng điểm, kết hợp với các trung tâm tiếng Anh có kinh nghiệm tại các thành phố lớn, Bộ GD&ĐT có thể đưa ra chương trình khung, lộ trình học và phương pháp đánh giá, sau đó thực hiện thí điểm tại các thành phố lớn.

Trong thời gian qua, các thành phố lớn trong cả nước đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ trong nhà trường. Năm học 2016 - 2017, nhiều trường tiểu học ở TPHCM đã triển khai giáo trình tiếng Anh được biên soạn riêng cho lớp học Việt Nam (i-Learn Smart Start). Giáo trình được NXB Đại học Sư phạm TPHCM, phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục Đại Trường Phát biên soạn, Sở GD&ĐT TPHCM cho phép triển khai tại các trường tiểu học ở khu vực TPHCM. Sau khi giáo trình được đưa vào giảng dạy, giáo trình đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ các thầy cô giáo, phụ huynh cũng như các em học sinh và hiện tại, giáo trình cũng đã được triển khai trong thực tế giảng dạy tại hơn 30 Sở GD&ĐT trên toàn quốc.

Đây là giáo trình không phải “nhập khẩu” nguyên xi mà được nghiên cứu và phát triển, có sự kế thừa những tính năng nổi bật của giáo trình quốc tế, đồng thời đan xen những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi trao đổi về chương trình tiếng Anh tương tác i-Learn Smart Start, nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra thích thú với những tiện ích mà chương trình mang lại cho trẻ khi từng bước làm quen với ngoại ngữ mới thông qua hệ thống bài giảng tương tác, trực quan, sinh động nhằm phát triển tối đa bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Không dừng lại đó, khi kết hợp cùng giáo trình i-Learn Smart Start, trẻ sẽ tiếp cận với thế giới Anh ngữ đa dạng vốn từ, ngữ âm thông qua những mẩu truyện kể, bài hát, bài đọc có lồng ghép các giá trị đặc trưng của văn hóa dân tộc. Giáo trình có tính liên thông, xuyên suốt giữa các bậc học từ Tiểu học - THCS - THPT, kèm theo nhiều tài liệu hỗ trợ giảng dạy và học tập miễn phí, dành cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Trong bối cảnh hiện nay, tìm một chương trình giảng dạy tiếng Anh phù hợp đã khó, việc phát triển tính liên kết giữa văn hóa truyền thống và các giá trị hiện đại thông qua việc học ngoại ngữ là việc khó hơn rất nhiều. Đến nay, tín hiệu khả quan được bắt đầu từ nhiều tỉnh, thành khi mạnh dạn áp dụng những giáo trình giảng dạy tiếng Anh được phát triển bởi các doanh nghiệp giáo dục có uy tín. Việc khuyến khích thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân và xã hội chung tay với ngành giáo dục đã mở ra cơ hội lớn cho người học; hướng tới nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đáp ứng thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.

Phụ huynh chúng tôi xác định cấp tiểu học là thời điểm vàng để con em tiếp cận với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên để tìm chương trình học phù hợp là không phải dễ!

Chị Lê Như Ngọc - (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ