Cần một chương trình "mở" trong giảng dạy tiếng Anh

GD&TĐ - Trong bối cảnh dạy và học ngoại ngữ hiện nay, việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục là tín hiệu đáng mừng cho môi trường giáo dục Việt Nam. Vấn đề đặt ra chính là chất lượng trong chương trình giảng dạy tiếng Anh. Một chương trình học hướng đến mục tiêu kiến thức, kỹ năng, vừa sâu sắc vừa nhẹ nhàng sẽ là sự lựa chọn của thầy, trò.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TPHCM) rất hào hứng với cuộc thi Spelling Bee Contest nhằm tăng cường khả năng phát âm chuẩn tiếng Anh sau thời gian học tập giáo trình và phần mềm bổ trợ i-Learn Smart Start
Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TPHCM) rất hào hứng với cuộc thi Spelling Bee Contest nhằm tăng cường khả năng phát âm chuẩn tiếng Anh sau thời gian học tập giáo trình và phần mềm bổ trợ i-Learn Smart Start

“Chìa khóa” mở cửa hội nhập

Muốn giáo dục Việt Nam hội nhập và tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì khả năng sử dụng tiếng Anh của người dạy lẫn người học phải chuyên nghiệp. Tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng, nó như “chìa khóa” để mở cửa hội nhập với thế giới… Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia giáo dục khi chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được triển khai, môn Ngoại ngữ được chú trọng đưa vào giảng dạy từ cấp Tiểu học. Theo đó, học sinh khối lớp 1, 2 học 2 tiết tiếng Anh/tuần (môn học tự chọn); học sinh khối 3, 4, 5 học 4 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết từ 35 - 40 phút); học sinh THCS và THPT học 3 tiết tiếng Anh/tuần (mỗi tiết 45 phút). Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một giải pháp quan trọng cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng.

Theo GS Võ Tòng Xuân, chương trình Giáo dục phổ thông mới nên nhấn mạnh năng lực song ngữ trong giao tiếp. Trong suốt quá trình từ lúc 3 tuổi ở nhà trẻ - mẫu giáo + 12 năm giáo dục phổ thông, học sinh được tiếp cận, trau dồi tiếng Việt và một Ngoại ngữ (như học sinh Singapore, Malaysia, Philippines, các nước Nam Á, Trung Đông, tất cả các nước Châu Phi…).

Chia sẻ về giải pháp, GS Võ Tòng Xuân cho biết thêm: Về môn Ngoại ngữ, chỉ học một Ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, tiếng Hoa) xuyên suốt từ 3 tuổi - mẫu giáo đến lớp 12. Không nên học 2 ngoại ngữ trong chương trình phổ thông. Nếu học sinh có năng khiếu ngoại ngữ nào khác thì có thể học thêm ở lớp học bên ngoài trường. Môn Ngoại ngữ (Anh Văn) dù học bao nhiêu tiết cũng sẽ không đủ cho các em luyện đạt mức giao tiếp. Do đó cần phải tăng thêm tiết cho môn học Ngoại ngữ để nâng cao năng lực giao tiếp song ngữ - tốt nhất là Việt - Anh, nếu không thì người Việt luôn bị “lép vế” với dân ASEAN, dân Nam Á, dân Trung Đông, dân châu Phi, châu Âu và châu Mỹ khi hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó cũng nên giảm bớt môn học tự chọn 1 bằng cách cho chọn thêm môn Ngoại Ngữ 1 như là một môn tự chọn 1 để học sinh có thêm thời gian học ngoại ngữ cho lưu loát.

Theo các giáo viên và chuyên gia đào tạo từ Tập đoàn giáo dục Đại Trường Phát, trẻ học tiếng Anh tốt nhất từ độ tuổi 3 - 4 tuổi, các bậc phụ huynh nên thường xuyên khích lệ và động viên trẻ học ngoại ngữ và đồng hành cùng trẻ giao tiếp ngôn ngữ thứ hai một cách thường xuyên, theo thời gian biểu cố định hoặc sẵn sàng cùng trẻ đọc sách, truyện kể, học hát và xem phim bằng tiếng Anh… sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Hướng tới chương trình học linh động

Trong thời gian tới, việc biên soạn sách giáo khoa mới sẽ thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa. Với chủ trương này nhằm phát huy trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; tạo “sân chơi bình đẳng” để các nhà xuất bản thi đua, nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông… Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, giáo viên và học sinh giảng dạy, học tập theo nhiều bộ sách giáo khoa và đó là một yếu tố để nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng một chủ đề, bài toán, giáo viên được nghiên cứu và dạy từ các bộ sách khác nhau. Học sinh cũng được học tập, bổ sung kiến thức một cách phù hợp và đầy đủ hơn.

Trong bối cảnh dạy và học ngoại ngữ hiện nay, việc có nhiều tài liệu, giáo trình dạy học cộng với sự tham gia của doanh nghiệp vào sự phát triển giáo dục là tín hiệu đáng mừng cho môi trường giáo dục Việt Nam. Một chương trình học liên thông và nhất quán, hướng đến mục tiêu kiến thức, kỹ năng, vừa sâu sắc vừa nhẹ nhàng, không những dạy về ngoại ngữ mà còn bổ sung kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức, nhiều tài liệu bổ trợ sẽ là sự lựa chọn của thầy, trò.

Trao đổi về việc biên soạn sách giáo khoa mới sẽ thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, đặc biệt là việc đa dạng sách giáo khoa cho chương trình Tiểu học, ông Huỳnh Công Minh - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: Hiện trên thị trường có rất nhiều chương trình, phần mềm dạy ngoại ngữ, trẻ em chỉ cần chịu khó là có thể học rất giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, đối với những người làm giáo dục thì phải xây dựng một chương trình có tính hệ thống, không nên bị ảnh hưởng bởi tính thị trường, làm theo kiểu “mì ăn liền”. Nhiều bộ sách, nhiều chương trình, nhưng chúng ta cần xây dựng cho bài bản, có tính hệ thống và những người làm chương trình phải có trách nhiệm với học sinh”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, một trong những đổi mới trong giáo dục đào tạo là khâu biên soạn sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT nên giao cho các nhà xuất bản tư nhân có thể làm hiệu quả hơn. Bộ sẽ quản lý chất lượng qua Bộ chuẩn kiến thức môn học, theo đó, Bộ GD&ĐT giao cho Ban soạn thảo chương trình tổ chức soạn Bộ chuẩn kiến thức môn học để các nhà xuất bản mời các chuyên gia viết sách giáo khoa cho cả hệ thống giáo dục chúng ta áp dụng triệt để, với một tỉ lệ thời gian hợp lý dành cho các địa phương thêm vào. Các giáo viên tham khảo nhiều sách giáo khoa để soạn giáo án; chọn quyển sách giáo khoa nào hay nhất để giới thiệu cho học sinh mua về học.

 

Theo GS Võ Tòng Xuân, chương trình Giáo dục phổ thông mới nên nhấn mạnh năng lực song ngữ trong giao tiếp. Trong suốt quá trình từ lúc 3 tuổi ở nhà trẻ - mẫu giáo + 12 năm giáo dục phổ thông, học sinh được tiếp cận, trau dồi tiếng Việt và một Ngoại ngữ (như học sinh Singapore, Malaysia, Philippines, các nước Nam Á, Trung Đông, tất cả các nước Châu Phi…).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ