Cô Đặng Thị Kim Liên – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Chà (Điện Biên): Nếu thi theo phương án 2 hoặc 3 sẽ thiệt thòi cho học sinh miền núi.
Hơn nữa với các em học sinh miền núi thường có học lực kém hơn so với học sinh miền xuôi ở các môn Toán, Tin, Khoa học Tự nhiên và Ngoại ngữ. Do vậy nếu các em phải thi tất cả các môn thi này dưới dạng liên môn, tích hợp thì sẽ thiệt thòi và áp lực về tinh thần cho các em.
Với 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, theo tôi Bộ nên chọn phương án 1.
Đặc biệt, đứng từ góc độ của các em học sinh dân tộc miền núi tôi cho rằng đây là phương án tối ưu nhất so với 2 phương án còn lại.
Thi theo phương án này các em học sinh sẽ được tự chọn một môn môn thi theo sở trường của mình, nên các em có nhiều cơ hội vào các trường đại học, cao đẳng hơn.
Thực tế cho thấy, học sinh miền núi đa số là người sinh dân tộc thiểu số nên điều kiện học tập và khả năng tiếp thu kiến thức còn hạn chế hơn so với học sinh miền xuôi.
Hơn nữa, hầu hết các thầy cô và các em học sinh ở khu vực này vẫn quen với việc học đơn môn. Do vậy nếu thi theo phương án 2 hoặc phương án 3 dưới dạng tích hợp liên môn thì e rằng cả thầy, trò sẽ khó bắt nhịp và không khỏi bị “sốc”.
Do đó, theo tôi trước mắt, Bộ nên chọn phương án 1 để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và nên kế thừa và phát huy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại, học cao đẳng năm 2014 để tổ chức.
Riêng về địa điểm tổ chức thi, theo tôi Bộ cần nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng. Bởi nếu là kỳ thi quốc gia và thi theo cụm thì số lượng thí sinh, người nhà thí sinh và số lượng bài thi sẽ tăng đột biến.
Nếu như công tác tổ chức không được chặt chẽ sợ rằng sẽ có những sự cố đáng tiếc. Theo quan điểm của tôi, nên chăng địa điểm tổ chức thi có thể tổ chức theo tỉnh để cùng nhau gánh vác trách nhiệm và tránh bị quá tải cục bộ.
Cô Hoàng Thị Hường – Phó hiệu trưởng Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái): Thi theo phương án 1 đảm bảo công bằng cho học sinh mọi vùng miền
Thí sinh trao đổi sau giờ thi |
Từ những lý do nêu trên, theo tôi Bộ nên quyết định tổ chức thi theo phương án 1 để đảm bảo công bằng, khách quan cho tất cả các em học sinh trên mọi vùng miền.
Vừa qua nhà trường cũng lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên về các phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.
Kết quả 100% cán bộ, giáo viên đều đồng tình chọn phương án 1. Qua nắm bắt dư luận học sinh, hầu hết các em cũng chọn phương án thi này.
Điều mà ai cũng nhận thấy đó là nếu thi theo phương án này sẽ ít gây xáo trộn và áp lực tâm lý cho các giáo viên và học sinh. Điều quan trọng là thi theo phương án này sẽ phù hợp với mọi đối tượng học sinh của mọi vùng miền trên cả nước và có thể thực hiện được ngay trong năm 2015. Ngoài ra, ở phương án thứ nhất cũng phân loại được năng lực của học sinh.
Mặt khác, năm 2014 Bộ GD&ĐT đã thay đổi hình thức thi tốt nghiệp và đại học theo phương thức mới. Vì thế theo tôi, Bộ mới thay đổi 1 năm thì nên áp dụng thêm 2 đến 3 năm kiểm nghiệm và đánh giá được chất lượng. Nếu mỗi năm thay đổi một phương án mới thì cả giáo viên và học sinh không thể theo kịp được.
Đặc biệt đối với học sinh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, học sinh đa phần là người dân tộc thiểu số, do vậy việc ra đề thi cũng chỉ thực hiện theo hướng: học sinh học môn nào thì chỉ thi môn đó.
Đa phần học sinh chưa làm quen ngay với phương án thi tích hợp liên môn. Giáo viên cũng chưa thể ngay lập tức hướng dẫn học sinh học tập đáp ứng yêu cầu này.
Do vậy nếu tổ chức thi theo phương án 2 hoặc phương án 3 thì cả thầy và trò vùng núi sẽ không tránh khỏi lúng túng, chưa bắt kịp được và như vậy sẽ gây thiệt thòi cho các em học sinh.
Thầy Lương Thanh Hiếu – Giáo viên THPT Thị xã Lai Châu: Phương án 1 không gây áp lực cho giáo viên và học sinh
Rạng rõ nụ cười nơi trường thi |
Cá nhân tôi cho rằng, việc thay đổi sẽ ảnh hưởng nhiều đến học sinh, giáo viên nên phương án 1 có thể thực hiện được trong năm học 2015. Còn các phương án khác thì cần thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu hoặc thích nghi.
Qua thời gian thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nhìn vào tình hình thực tế của địa phương, tôi ủng hộ phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia và chọn phương án 1.
Đây là một bước quan trọng đối với nền giáo dục Việt Nam, việc lựa chọn phương án thi cũng cần cân nhắc và phù hợp với từng vùng.
Lai Châu nói riêng và một số vùng dân tộc miền núi nói chung còn gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, tìm kiếm thông tin, sự tiếp xúc với những cái mới còn hạn chế nên việc lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét vào đại học, cao đẳng có cùng ngành đào tạo là việc làm thực sự có ý nghĩa đối với không chỉ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mà còn với cả phụ huynh.
Việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh. Hơn nữa, cũng không gây áp lực đối với giáo viên và học sinh, đặc biệt là đối với những học sinh dự thính.
Công tác chấm thi được triển khai dễ dàng hơn, thuận lợi hơn mặc dù thời gian kéo dài có thể gây lãng phí hoặc vất vả cho các giáo viên coi thi nhưng sẽ tốt hơn cho học sinh.
Không những thế, học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tâm lý của học sinh cũng đỡ căng thẳng hơn sau thời gian ôn luyện học tập mệt mỏi, từ đó đảm bảo chất lượng kỳ thi.
ThS Trần Thị Hoa - Giáo viên trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên – Tuyên Quang): Phương án 1 góp phần xóa bỏ học lệch
Thí sinh tham dự kỳ thi cao đẳng năm 2014 |
Tôi không cho rằng phương án này dẫn đến tình trạng cắt xén chương trình hoặc dạy dồn dạy ghép với những môn không có trong danh sách môn thi quốc gia THPT vì để đến được kì thi này học sinh vẫn phải hoàn thành chương trình giáo dục lớp 12.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông đã nhiều năm, tôi cho rằng trong 3 phương án Bộ Giáo dục nêu ra ở dự thảo phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia, Bộ nên chọn phương án 1 ngay trong năm học 2014 - 2015.
Hai phương án sau tuy đổi mới triệt để hơn nhưng chỉ nên thực hiện sau khi có sự thay đổi từ chương trình, sách giáo khoa và tập huấn lại đội ngũ giáo viên.
Hiện tại ở nhiều trường THPT các tỉnh miền núi, việc dạy học tích hợp liên môn chưa áp dụng thường xuyên thậm chí chỉ mang tính hình thức nên nếu áp dụng phương án 2 hoặc 3 ngay trong năm học 2014 - 2015 sẽ gây thiệt thòi cho học sinh.
Mặt khác, đổi mới giáo dục là cả một lộ trình, cần tiến hành đồng bộ hiệu quả từ việc đổi mới ở các khâu chương trình, sách giáo khoa, giáo viên rồi mới đến các kì thi quốc gia, nếu không sự đột phá ở kì thi quốc gia sẽ gây sốc với giáo viên, học sinh và cả xã hội.
Ngoài ra ở phương án 1, Bộ yêu cầu đưa môn Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc cũng không gây khó khăn cho học sinh vì ngay cả học sinh các trường vùng sâu vùng xa cũng đều được học môn Ngoại ngữ. Mặt khác, trừ năm 2014, nhiều năm trở lại đây Ngoại ngữ vẫn là môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, phương án 1 cũng góp phần xóa bỏ tình trạng một số đông học sinh chỉ học theo khối thi đại học dẫn đến sự lệch lạc về hiểu biết kiến thức phổ thông.
Trong phương án 1, Bộ đề xuất việc học sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại ngoài 4 môn tối thiểu để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.
Như vậy, học sinh chỉ tham dự một kì thi nhưng vẫn thể hiện được năng khiếu, sở trường của bản thân. Tức là học sinh vẫn được phân luồng hiệu quả.
Về công tác ra đề thi, tôi cho rằng việc để Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhận là hợp lí; đặc biệt cần tăng cường câu hỏi chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).
Nội dung đổi mới này cần được các Sở giáo dục triển khai tập huấn nghiêm túc đến toàn bộ giáo viên. Nhưng thời gian thi môn Địa lí, Lịch sử có lẽ chỉ để ở mức 120 phút.
Về công tác coi thi theo cụm cũng có nhiều ưu điểm. Điều đó giảm tốn kém cho phụ huynh học sinh có con tuyển sinh vào đại học nhưng gây khó khăn cho phụ huynh vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Ở các huyện vùng sâu, khoảng cách địa lí từ thôn xã đến trung tâm tỉnh, huyện không nhỏ, giao thông không thuận lợi, tiềm lực kinh tế của cha mẹ học sinh không cao nên việc đưa con đi thi ở tỉnh lị trong 4, 5 ngày không phải dễ dàng. Thậm chí, nhiều thị trấn, thị xã khi thí sinh dồn về nhiều để thi theo cụm thì việc ăn ở, đi lại của thí sinh gặp không ít trở ngại.
Do đó, Bộ và các Sở cần tính đến tình huống này. Chấm thi theo cụm là việc nên làm và nên lấy cán bộ chấm thi từ các trường đại học và các trường THPT để phối hợp.
Thí sinh tham dự kỳ thi đại học năm 2014 |
Cô Nguyễn Thị Thu – Giáo viên THPT Yên Lạc 1 (Vĩnh Phúc): Phương án 1 tránh được bệnh thành tích trong Giáo dục
Tôi ủng hộ phương án 1 vì đây là phương án có thể thực hiện được sớm nhất, có tính khả thi nhất. Phương án này phù hợp với cả các tỉnh miền núi, cả các địa phương khác không riêng gì những thành phố lớn.
Vói các học sinh Vĩnh Phúc, nhiều địa phương đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, việc học tập còn chưa tập trung nhiều do vậy phương án 1 sẽ tạo cơ hội cho các em được học các trường đại học, cao đẳng có cùng ngành đào tạo khi xét điểm. Việc thi theo môn cũng làm cho thầy và trò có những thời gian học hợp lý không bị quá tải.
Phương án này tạo tính công bằng cho các vùng miền trong cả nước, và tránh được bệnh thành tích trong Giáo dục. Thực tế, phương án 1 phù hợp với nghị quyết 29/TW.