Giáo viên thay đổi tạo nền tảng giúp trò phát huy tối đa năng lực bản thân

GD&TĐ - Mỗi học sinh đều có năng lực, phẩm chất, tính cách, xuất thân khác nhau. Sự quan tâm, thay đổi cách đánh giá học sinh của giáo viên sẽ giúp định hướng, bồi dưỡng các em phát huy tối đa thế mạnh của mình.

Ban giám hiệu Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) trao thưởng cho các học sinh đạt giải HSG tỉnh.
Ban giám hiệu Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) trao thưởng cho các học sinh đạt giải HSG tỉnh.

Giúp trò chạm đến ước mơ

Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2021-2022 vừa qua, em Phan Trí Dũng (Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên) xuất sắc giành điểm số thủ khoa môn Hóa học lớp 12 với 18.75 điểm.

Phan Trí Dũng tạo được ấn tượng đối với giáo viên ngay từ khi bước vào lớp 10 bởi xuất phát điểm tốt. Em từng đạt giải Nhì HSG tỉnh môn Hóa học năm lớp 9. Vì vậy, Dũng đã được cô giáo và nhà trường quan tâm, tạo điều kiện để phát huy khả năng của mình. Ngoài Hóa học, em còn thể hiện tốt ở môn Toán. Nhưng em vẫn theo đuổi môn Hóa bởi cảm thấy “đó là môn học thú vị, hấp dẫn, gắn liền với nhiều kiến thức thực tế”.

Dù vậy, để chính thức có tên trong đội tuyển thi Học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học vào năm lớp 12 đối với Dũng cũng không hề dễ dàng. Em phải trải qua nhiều vòng loại ở cấp trường, và thử sức ở những cuộc giao lưu liên trường, cụm trường để khẳng định năng lực của mình.

Cô Phạm Thị Hồng Hà và cậu học trò Phan Trí Dũng - thủ khoa môn Hóa học Kỳ thi chọn HSG tỉnh Nghệ An năm học 2021-2022.
Cô Phạm Thị Hồng Hà và cậu học trò Phan Trí Dũng - thủ khoa môn Hóa học Kỳ thi chọn HSG tỉnh Nghệ An năm học 2021-2022.

Trong suốt quá trình đó, cô Phạm Thị Hồng Hà – giáo viên môn Hóa học, đồng thời chủ nhiệm lớp là người đồng hành với Dũng. Cô Hà cho biết, Dũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp, tuổi đã cao vẫn phải đi làm thuê để kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học. Anh chị của Dũng cũng được nuôi ăn học song không vào được ĐH. Mọi hi vọng dồn vào em út vì “học giỏi nhất nhà”.  

Nhưng Dũng ít nói, ít chia sẻ chuyện cá nhân. Biết tính cách của em, nên cô trò chủ yếu “giao tiếp” với nhau qua bài tập, đề thi. Hôm dự thi, cũng là cô giáo chủ nhiệm đưa Dũng và các bạn trong lớp xuống TP Vinh.

"Lúc biết kết quả Dũng giành giải Nhất, bố em mới đi từ xã Hưng Thông lên trường, mang theo túi cam gặp cô hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm để cảm ơn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp bố em. Món quà cảm ơn đó giản dị nhưng khiến tôi rất xúc động bởi tấm lòng của phụ huynh thật thà, chất phác”, cô Hà chia sẻ.

Với kết quả đạt được ở kỳ thi HSG tỉnh, cậu học trò trường làng đã bước thêm một bước để chạm đến ước mơ thi tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Dũng cũng đã khiến bố tự hào và tự tin đến trường gặp thầy cô với vai trò phụ huynh mà lâu nay ông vẫn tất bật mưu sinh đành phó mặc việc học của con cho nhà trường.

Phát huy năng lực mỗi học sinh

Cô Phạm Thị Hồng Hà – giáo viên môn Hóa học, chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) suốt 3 năm chia sẻ: So với toàn khối, lớp 12A1 có chất lượng đầu vào cao, tập hợp những em có thế mạnh và năng lực về các môn khoa học tự nhiên. Đảm nhận lớp học “mũi nhọn” như vậy, vừa là thuận lợi đối với cô, nhưng cũng là trách nhiệm mà ban giám hiệu nhà trường giao phó. Làm thế nào để vừa xây dựng tập thể lớp đoàn kết, có phong trào thi đua học tập cao, vừa phát huy năng lực thế mạnh của mỗi học sinh.

Theo cô Hà, để làm được điều đó, bản thân giáo viên chủ nhiệm phải là người thay đổi đầu tiên. Dù là người có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm, nhưng mỗi khóa học sẽ có những đặc điểm, năng lực khác nhau. Trong một lớp, mỗi học sinh cũng có hoàn cảnh gia đình, năng lực, tính cách riêng biệt. Vì vậy, ngoài dạy học, cô thường xuyên chia sẻ, trò chuyện, nắm bắt thế mạnh, sở trường cũng như kịp thời biết được biến đổi tâm sinh lý của học sinh.

Sự khích lệ, động viên của lãnh đạo nhà trường tạo động lực để cô trò cùng cố gắng trong dạy - học.
Sự khích lệ, động viên của lãnh đạo nhà trường tạo động lực để cô trò cùng cố gắng trong dạy - học.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2021-2022 vừa qua, ngoài em Dũng, lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong còn có 6 em khác đạt giải. Trong đó, em Nguyễn Phương Đạt cùng đạt giải ở cả môn Tiếng Anh và môn Toán. Các em khác đạt giải ở môn Vật Lý, Sinh học và Giáo dục công dân.

Thành tích này là nỗ lực của mỗi cá nhân học sinh, nhưng đằng sau đó là tâm huyết, sự quan tâm và định hướng, bồi dưỡng đúng hướng, kịp thời của giáo viên tổ bồi dưỡng cũng như lãnh đạo nhà trường.

Cô Hà tâm sự thêm, những em có năng lực nổi trội, giáo viên biết phát hiện, khích lệ thì học sinh đó càng có quyết tâm, nỗ lực đạt thành tích cao hơn. Với những em khác, có những năng khiếu, thế mạnh riêng, thì định hướng để các em có mục tiêu và phấn đấu đạt được. Ví dụ thi trúng tuyển vào đại học, hay học nghề, du học...

Đó là sự thay đổi trong cách đánh giá học sinh của giáo viên. Với bất cứ thành tích nào, ở môn học hay lĩnh vực nào cũng cần được ghi nhận và phát huy năng lực từng em. Như vậy mới có một lớp học mà học sinh nhận được sự quan tâm bình đẳng, đoàn kết và hạnh phúc khi đến trường.

Cô Nguyễn Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: Là một trường xa trung tâm và mặt bằng đầu vào ở mức trung bình so với cụm các trường lân cận Vinh, thì có một thủ khoa và 7 giải tỉnh là kết quả không dễ. Đây cũng là động lực để nhà trường tiếp tục cố gắng, nỗ lực và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới. Những nỗ lực thay đổi trong quản lý, xây dựng chương trình nhà trường, tổ chức hoạt động giáo dục từ ban giám hiệu đến giáo viên đã nâng cao chất lượng đại trà nói chung, đồng thời đạt được thành tựu mũi nhọn đáng ghi nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.