Cũng từ 4 năm trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã đề xuất xây dựng lộ trình nâng cao thu nhập cho giáo viên. Thế nhưng, với lý do còn phải tính đến nhu cầu tăng thu nhập của lao động làm việc trong ngành y tế, văn hoá, giáo dục và các ngành khác nên đề xuất này đã không được Chính phủ thông qua. Mục tiêu giáo viên sống được bằng lương, do đó đến giờ vẫn là một bài toán còn chờ lời giải.
Vẫn là những đối tượng thu nhập thấp
“Sống được” là một khái niệm bất định, chỉ riêng trong một địa phương đã không giống nhau. Thu nhập 4 triệu đồng một tháng ở nội thành Hà Nội thì khó sống rồi, đã thuộc đối tượng thu nhập thấp; nhưng với 4 triệu đồng/ tháng ở Sóc Sơn chẳng hạn, có thể gọi là tạm đủ trang trải cuộc sống thường nhật.
Không riêng gì nội thành Hà Nội, hầu hết ở các nơi đô thị, với thu nhập 5 triệu đồng/ tháng cho một người đã có gia đình, phải thu vén lắm mới gọi là tạm đủ để lo cho sinh hoạt thường nhật của gia đình. Vậy mà, một giáo viên có bằng ĐH, có thâm niên dạy chừng 20 năm ở cấp THCS hưởng hệ số lương bậc 7 có thu nhập một tháng (cả lương cơ bản lẫn 30% phụ cấp đứng lớp) chỉ xấp xỉ 4 triệu (nếu là bằng CĐ thì chỉ được chừng 3,7 triệu).
Bạn tôi, nhà giáo Nguyễn Hữu Linh, đang công tác tại Trường THCS Bắc Sơn – thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa – lấy ngay ví dụ từ bản thân mình: Năm nay là tròn 11 năm công tác, đang hưởng hệ số lương bậc 4 với chừng 2,6 triệu/ tháng (tính cả lương cơ bản lẫn 30% phụ cấp đứng lớp). Anh làm phép tính nhanh chi tiêu trong một tháng: đưa vào “ngân quỹ gia đình” 2 triệu; còn lại: 200 ngàn tiền điện thoại di động, 200 ngàn xăng xe, 100 ngàn cho giấy bút và 100 ngàn còn lại cho các khoản vặt vãnh không tên khác. Chỉ một “phát sinh” nho nhỏ như hỏng xe, có đám hiếu hỉ… là phải xin tiền vợ. Đó là một thực tế.
Thực tế đó không khác gì thực tế một giáo viên THCS công tác năm đầu tiên, nếu có bằng ĐH thì hưởng lương bậc 1 chừng 1,6 đến 1,7 triệu đồng/tháng. Nghĩa là, nếu để sống được thì bắt buộc lại tiếp tục nhận phụ cấp của gia đình hoặc có nghề tay trái. Nó còn cho thấy một thực tế nữa là với mức thu nhập quá khiêm tốn đó, giáo viên khó có điều kiện để mua cho mình những tài liệu tham khảo nâng cao kiến thức.
Đó cũng là bài toán nan giải trong vấn đề lương cho công chức ở nước ta, mà giáo viên là một đối tượng đặc thù được xã hội kính trọng về địa vị xã hội nhưng thực tế chỉ là những đối tượng… thu nhập thấp.
Chăm lo cho đời sống những người làm nghề dạy học để họ thực sự chuyên tâm với nghề |
Không có đặc thù, đừng mong đột biến
Thực tế là, so với 4 năm trước thì theo lộ trình tăng lương của Chính phủ lương giáo viên đã tăng gấp 2 lần. vào khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác do được hưởng hệ số phụ cấp đứng lớp ưu đãi với mức bình quân là 1,35 (thường được gọi là 30% phụ cấp đứng lớp); chưa kể những ưu đãi cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở GD đặc biệt...
Tuy nhiên, còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2010, khi trả lời chất vấn của Quốc hội về các vấn đề của ngành, trong đó có việc thu nhập của giáo viên, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi đó đã thẳng thắn nêu rõ dù đã được tăng gấp 2,1 lần so với năm 2006 theo lộ trình tăng lương của Chính phủ nhưng với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho giáo viên, nhất là khi đã có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn không ít khó khăn.
Lương không đủ sống khiến một bộ phận giáo viên không yên tâm với nghề là một thực tế. Nó là sự lý giải cho tình trạng giáo viên bỏ việc đang có xu hướng gia tăng trong khi người theo ngành sư phạm lại ngày càng ít, nhất là ở các thành phố lớn. Chỉ tính riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, thống kê cho thấy đầu năm học 2009-2010 thiếu khoảng 3.500 GV nhưng qua hai đợt tuyển công chức vẫn không đủ chỉ tiêu. Năm học trước đó, thành phố cũng cần hơn 4.500 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được hơn 2.800 người. Điều này trái ngược hẳn với 15 năm trước, khi Nhà nước dành nhiều ưu đãi cho ngành học sư phạm và đội ngũ giáo viên đã khiến ngành học và nghề dạy học trở thành ưu tiên của một dạo.
Không tính những người bỏ nghề, chúng ta hãy nói về những người theo nghề. Với mức lương như vậy bắt buộc giáo viên phải dành thời gian lớn cho việc mưu sinh. Điều này đã tác động trực tiếp lên chất lượng dạy học của họ. Rồi với mức thu nhập không đủ sống đó, liệu có đòi hỏi được họ bỏ tiền ra đầu tư tài liệu nâng cao kiến thức? Khi công sức và trí tuệ bỏ ra không được bù đắp xứng đáng, lẽ hiển nhiên sự nhiệt tình cũng giảm đi và tình yêu nghề thực thụ sẽ ngày càng bị mang ra thử thách. Tình trạng dạy thêm ở một số nơi cũng có nguyên nhân từ việc rất thường tình: người dạy muốn có thêm thu nhập bằng kiến thức của mình, ngoài thu nhập khiêm tốn trong giờ hành chính. Những người không muốn dạy thêm, vì lý do gì đó mà không dạy thêm thì buộc phải có thu nhập khác bên ngoài mà đôi khi “tay trái nuôi tay phải”. Gia đình nhà giáo Nguyễn Hữu Linh – bạn tôi – vợ chồng con cái trông chủ yếu vào cửa hàng nhỏ của vợ anh. Đó cũng lại là một thực tế về cái “đặc thù” lương hiện nay.
Trên thực tế không thiếu những chủ trương, chính sách quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2001-2010 (ban hành từ tháng 12-2001) có ghi: “Giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng là một trong các giải pháp được ưu tiên”. Ngành GD và cả Quốc hội cũng đã có những đề xuất về điều chỉnh lương cho giáo viên trong những năm gần đây, nhưng đến nay nghề giáo vẫn là nghề có thu nhập thấp trong xã hội. Lý do được chỉ ra: Cơ chế!
Chúng ta nói nghề giáo là nghề cao quý; xã hội tôn trọng những người làm thầy là sự thực. Đảng và nhà nước ta cũng khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Tôn trọng nghề dạy học là truyền thống dân tộc. Chăm lo cho đời sống những người làm nghề dạy học, để họ thực sự sống được bằng nghề, chuyên tâm và dành trọn vẹn tình yêu cho nghề mới thực sự là đạo lý dân tộc ta và là sự đánh giá thiết thực nhất về nhãn quan xã hội đối với giá trị đích thực của nghề dạy học.
Nhất Nguyên