Giáo viên phải có chuyên sâu về lĩnh vực nhưng vẫn phải dạy được môn học khác có liên quan

GD&TĐ - Trường học không phải là nơi duy nhất để học sinh tiếp cận thông tin. Xu hướng hiện đại trên thế giới nói chung là dựa theo nhu cầu của học sinh. Do đó chương trình thường được tích hợp nội dung với những chủ đề lớn.

Bà Angela Hollis đang hướng dẫn học sinh trên lớp
Bà Angela Hollis đang hướng dẫn học sinh trên lớp

Đó là chia sẻ của bà Angela Hollis - điều phối chương trình - Trường TH School - người có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng giáo trình.

Theo Angela Hollis, hiện nay, chúng ta đều sống trong một thế giới có quá nhiều thông tin và có rất nhiều cách để tiếp cận thông tin. Do đó trường học không phải là nơi duy nhất để các em tiếp cận thông tin. Các thầy, cô giáo sẽ hướng dẫn cho học sinh sử dụng thông tin đó như thế nào? và vận dụng thông tin đó vào thực tiễn ra sao?!.

"Chẳng hạn như ở trường chúng tôi dạy học sinh: Khi thông tin đến thì quản lý thông tin như thế nào, sử dụng ra sao? Vì vậy phương pháp làm của chúng tôi là không dựa vào một bộ sách giáo khoa cố định nữa.

Thông tin luôn mới và thay đổi nên chúng ta dựa vào 1 bộ sách giáo khoa cố định cụ thể thì vào thời điểm sách giáo khoa được phát hành thì thông tin đó đã lạc hậu rồi" - Angela Hollis dẫn giải, đồng thời cho biết:

Sách giáo khoa chỉ là nguồn thông tin, tư liệu nhưng hiện nay học sinh có rất nhiều nguồn tư liệu khác. Vì vậy nhiệm vụ của giáo viên là hướng dẫn học sinh quản lý thông tin để vận dụng hiệu quả vào cuộc sống.

Cũng theo bà Angela Hollis, xu hướng hiện đại nói chung trên thế giới là dựa trên nhu cầu của học sinh nên chương trình thường được tích hợp nội dung với những chủ đề lớn. Khi đó các môn học đều được tích hợp và được xây dựng xung quanh chủ đề đấy chứ không phải là các môn được dạy độc lập với nhau, môn nào dạy môn đấy.

Bên trong một lớp học của Trường TH School
Bên trong một lớp học của Trường TH School

"Tôi lấy ví dụ về vấn đề khoa học, học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, có những chương trình thì một giáo viên khoa học có thể dạy được 3 môn. Đó cũng là cách mà chúng tôi đang thiết kế chương trình cũng như đào tạo giáo viên theo hướng này.

Tức là mỗi giáo viên phải có chuyên sâu về lĩnh vực nhưng vẫn phải dạy được môn học khác có liên quan. Chẳng hạn, giáo viên có kiến thức chuyên sâu về Vật lý nhưng vẫn phải dạy được cả Hóa học và Sinh học. Khi lên đến bậc THPT, học sinh cần được dạy chuyên sâu về Vật lý thì giáo viên đó sẽ chỉ dạy môn Vật lý" - bà Angela Hollis phân tích.

Hay như đối với vấn đề tích hợp đối với các môn Khoa học Xã hội, là chuyên gia về Lịch sử nên bà Angela Hollis thấy sự ưu điểm của tích hợp KHXH. "Tôi đang dạy các bạn học sinh lớp 10 môn nhân loại học. Tôi đang dạy về chủ đề di cư.

Trong chủ đề này, chúng tôi tích hợp rất nhiều kiến thức của các môn như: Trong lịch sử của các cuộc di cư bởi chiến tranh, hoặc nhìn ở góc độ Giáo dục công dân thì tác động ở những nơi mà người ta di cư đến sẽ phải có những chính sách như thế nào, hay chúng tôi cũng có thể đưa vấn đề Địa lý vào trong bài học đó. Tức là một chủ đề chúng tôi có thể đưa nhiều kiến thức ở nhiều bộ môn khác nhau vào bài học"- bà Angela Hollis chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ