Mức độ phân hóa trong từng yêu cầu đề
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm nay, cô giáo Lê Thị Hương – giáo viên dạy môn Ngữ văn - Trường PT Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn nói rằng, đề thi năm nay nhẹ nhàng, phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh làm bài với từng mức độ năng lực của mình.
"Là giáo viên trực tiếp ôn thi, tôi thấy rất vui khi nghe học sinh chia sẻ làm bài tốt, hoàn thành yêu cầu của đề. Đề thi năm nay cũng nằm trong trọng tâm ôn tập của nhiều giáo viên vì với kinh nghiệm dạy học, ôn thi, các thầy cô đều có sự sàng lọc, chọn bài để dạy cho học sinh", cô Lê Thị Hương chia sẻ.
Về tổng thể của đề Ngữ văn có sự xuyên suốt, liên kết giữa các phần đọc hiểu làm văn, cùng về tình cảm, trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn - kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An năm 2024. Ảnh: Hồ Lài |
Phân tích cụ thể, cô Hương cho biết, phần đọc hiểu, hai câu hỏi đầu tiên thí sinh có thể dễ dàng lấy 2 điểm và đều là câu hỏi thuộc dạng nhận biết, thông hiểu đơn giản.
Ở câu hỏi thứ 3, câu hỏi cũng rất nhẹ nhàng, học sinh có thể bám vào câu thơ để xác nhận hình ảnh. Qua bài thơ, gợi lên hình ảnh bóng dáng đồng quê giản dị, bình yên, thơ mộng. Làng quê ấy dẫu có khó khăn nhưng vẫn luôn vươn lên.
Thông điệp của bài thơ được thể hiện ngay từ tên gọi “Tổ quốc gọi tên mình”, qua đó cũng nêu cao trách nhiệm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước. Chỉ cần tinh ý và đọc kỹ đề, là thí sinh có thể trả lời câu hỏi thứ 4 này.
Ở phần Nghị luận xã hội, cô giáo Lê Thị Hương cho biết có sự liên hệ với câu hỏi ở bài đọc hiểu. Theo cô Hương, câu hỏi thế hệ trẻ cần thể hiện lòng biết ơn đối với quê hương đất nước không phải là một câu hỏi khó. Học sinh làm tốt câu này cần phải biết đưa ra các dẫn chứng có tính thuyết phục, phải biết liên hệ với bản thân. Tình yêu quê hương đất nước không phải bằng lý thuyết mà phải bằng những hành động thiết thực, phải biết cống hiến và xây dựng. Riêng đối với các em học sinh chính là quá trình không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu học hỏi.
Ngoài ra, với những học sinh có năng lực, các em còn phải biết liên hệ, mở rộng vấn đề. Trong đó, phản ánh được tình trạng “chảy máu chất xám” ở thế hệ trẻ, xu hướng rời làng ra phố, rời đất nước ra nước ngoài làm việc. Trong xu thế đó, thì làm sao để vẫn có thể cống hiến, xây dựng quê hương đất nước. Sự sáng tạo, năng lực của người trẻ để quảng bá, làm giàu cho quê hương trong thời đại hội nhập, cách mạng công nghệ 4.0.
Cô Hương (áo vàng) cùng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài |
Với câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ rất phấn khởi, thấy vừa sức vì đã được giáo viên ôn tập kỹ càng trước đó. Tuy nhiên, để lấy được điểm cao, trong bài làm phải rút được 2 luận điểm chính và phân tích thuyết phục. Thứ nhất là tâm trạng nhớ làng của ông Hai khi phải đi sơ tán. Tiếp đó là tâm trạng đau khổ dằn vặt của ông khi nghe tin làng theo Tây. Giữa 2 tâm trạng này có sự chuyển biến phức tạp trong nội tâm của một người yêu làng tha thiết. Đồng thời thí sinh cũng phải có sự liên hệ nâng cao từ chuyển biến nhận thức của một nhân vật cụ thể là ông Hai – cũng là điển hình của người nông dân Việt Nam với đất nước, với cuộc kháng chiến của dân tộc.
Một mặt, làng là quê hương máu thịt, tình cảm đậm sâu, nhưng nghe tin đồn rằng làng Tây, một người nông dân như ông Hai đã chọn đất nước, chọn Bác Hồ, chọn cuộc kháng chiến của cả dân tộc thay vì chọn làng của cá nhân mình. Ông quyết định thù làng, dù đau đớn, dù vẫn hoài nghi có phải làng theo Tây hay không. Ông trốn mình trong đau xót, uất ức.
Diễn biến tâm trạng của ông Hai cũng là vấn đề của niềm tin, khi bắt buộc phải lựa chọn thì phải đặt Tổ quốc lên hàng đầu. Đó cũng là trách nhiệm của người nông dân với đất nước khi đứng giữa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Ông đã hi sinh những tình cảm cá nhân để trân trọng và bảo vệ Tổ quốc.
Dễ viết “tròn bài” nhưng khó lấy điểm “mở rộng”
Nói về đề thi này, thầy Hà Anh Tuấn, giáo viên Ngữ văn - Trường THCS Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Đàn) cho rằng: Với đề thi Ngữ văn năm nay, chỉ cần học sinh tập trung, thông hiểu kỹ năng cũng có thể đạt 6, 7 điểm. Với những bạn có học lực tốt, có tư duy liên hệ sắc bén, kỹ năng làm bài nhuần nhuyễn, cảm xúc, hoàn toàn có thể đạt điểm giỏi.
Câu hỏi nghị luận xã hội nói về suy nghĩ của mình về “Khát khao tuổi trẻ luôn giục giã con người cháy hết mình với những đam mê...” – để lấy điểm đại trà không quá khó. Nhưng để đạt được điểm tối đa, thí sinh cần thêm hiểu biết vấn đề thời sự. Đồng thời thể hiện được tư duy lập luận, logic chặt chẽ, khả năng tích hợp liên hệ và có sự đánh giá cảm nhận, sâu sắc tích cực ở câu Nghị luận xã hội.
Giờ dạy học của cô Kim Hương – giáo viên Trường THCS Nghi Ân (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài |
Cô Kim Hương – giáo viên Trường THCS Nghi Ân (TP Vinh) bày tỏ cảm xúc ấn tượng với đề văn vừa có tính thời sự, vừa có tính giáo dục đối với thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Xã hội hiện đại khiến giới trẻ phân luồng tư tưởng rất nhiều, có không ít bạn sống lệch lạc, chưa ý thức được trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, chưa có khát vọng, hoài bão. Đề thi này giúp học sinh một lần nữa nhìn lại chính bản thân và nêu cao trách nhiệm của tuổi trẻ.
Trong quá trình ôn tập, cô Hương cũng cho hay đã ra nhiều đề kiểm tra với chủ đề tương tự cho học sinh như: tuổi trẻ và trách nhiệm với quê hương đất nước trong thời đại ngày nay; nghị lực sống của học sinh; phẩm chất của học sinh trong xu thế hội nhập… Phần lớn học sinh đã được rèn luyện cách làm một bài văn nghị luận, đáp ứng tốt các yêu cầu của đề và liên hệ mở rộng.
Thí sinh Nghệ An phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10. Ảnh: Hồ Lài |
Với bài Nghị luận văn học, cô giáo Kim Hương khẳng định đề thi phù hợp với hoàn cảnh đất nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Làng của nhà văn Kim Lân phản ảnh tâm trạng của người nông dân Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là một bước phát triển mới của nhà văn Kim Lân khi nâng cấp tình cảm từ tình yêu làng sang tình yêu quê hương đất nước. Nhà văn Kim Lân được xem là “cánh chim báo bão trong văn học” và truyện ngắn này đã thể hiện rõ phong cách, tư tưởng của ông.
Với đề thi này, chung nhận định với nhiều giáo viên Ngữ văn, cô Kim Hương đánh giá học sinh không khó để làm “tròn bài”, nhiều cơ hội đạt điểm cao. Nhưng để đạt điểm giỏi, xuất sắc thì ngoài phân tích được luận điểm trọng tâm, thì phải biết lấy điểm ở cách mở rộng vấn đề, lấy dẫn chứng chính xác, phù hợp, thuyết phục.