Giáo viên mầm non chủ động với chương trình giáo dục mở

GD&TĐ - Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, hướng đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt hơn.

Các cháu mầm non tại trường Mầm non Sao Mai vui chơi trong lớp.
Các cháu mầm non tại trường Mầm non Sao Mai vui chơi trong lớp.

Phù hợp với từng độ tuổi

Nhận xét về chương trình mới, cô giáo Trương Thị Hoài - giáo viên Trường Mầm non Bình Minh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, chương trình GDMN mới có những cải tiến, bổ sung so với chương trình cũ. Theo đó, chương trình đảm bảo tính khoa học, vừa sức với trẻ, phát triển theo độ tuổi của trẻ, giúp trẻ dễ tiếp thu kiến thức và kỹ năng thực hành.

Theo cô Hoài, chương trình mới đã gắn với sự phát triển của trẻ, chuẩn bị tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1. Đồng thời, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn về mọi mặt, từ tâm sinh lý cũng như kiến thức.

“Chương trình trước đây, những kỹ năng dạy trẻ ít hơn và chưa toàn diện, trong khi chương trình mới khắc phục những điểm đó, giáo viên giúp trẻ tự lập hơn. Về giảng dạy, giáo viên dễ nắm bắt tâm sinh lý với trẻ, giúp trẻ tương tác với giáo viên nhiều hơn. Đối với chương trình mới, phương châm lấy trẻ làm trung tâm thì trẻ thực hành và trải nghiệm nhiều hơn. Đặc biệt, chương trình hướng đến nâng cao tính sáng tạo, giúp trẻ thực hành, trải nghiệm nhiều hơn. Trẻ tự học, tự chơi, khám phá những điều chưa biết”, cô Hoài cho hay.

Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có hơn 330 cháu, với 12 nhóm lớp. Trong đó, có 9 lớp mẫu giáo và 3 nhóm nhà trẻ. Từ khi áp dụng chương trình GDMN mới, việc dạy học của nhà trường đạt hiệu quả, chất lượng được nâng cao hơn.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng, với chương trình GDMN mới có nhiều cái hay. Về nội dung, Bộ GD&ĐT quy định chương trình khung, có tính chất mở, nhà trường lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế địa phương, với điều kiện văn hóa, phù hợp với độ tuổi các trẻ nên thuận lợi cho giáo viên trong việc dạy học.

Trong quá trình lựa chọn, vẫn bám vào chương trình khung của Bộ GD&ĐT. Nhưng trên cơ sở đó, nhà trường có sự lựa chọn linh hoạt hơn.

Cô Vinh cho biết: "Quá trình giảng dạy cũng trở nên thuận lợi hơn, trẻ vừa học vừa chơi. Thông qua các trò chơi để cung cấp kiến thức cho trẻ, nên thoải mái hơn, không có sự áp đặt. Mặt khác, trẻ được khám phá, trải nghiệm nhiều, thích học hơn. Trẻ được học theo nhiều hình thức, được trình bày, trao đổi, thảo luận nhiều hơn, cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn, gợi ý cho các em... Qua đó, trẻ trở nên linh hoạt và năng động, mạnh dạn và tự tin".

Giáo viên linh hoạt, chủ động

Chương trình GDMN sau chỉnh sửa có nhiều yêu cầu về nội dung nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Cô Phạm Thị Lan Chi – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Đông Hà) cho biết, nhà trường đang thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT quy định và bước đầu đạt kết quả tốt.

Chương trình giáo dục mầm non mới giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Chương trình giáo dục mầm non mới giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Theo cô Chi, chương trình GDMN mới khi đi vào thực hiện thì bộ phận chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình khung cho năm học. Tiếp đó, các tổ sẽ xây dựng chương trình phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, bám sát chương trình khung và lên kế hoạch cho từng lớp.

Chương trình mới hướng vào trẻ, lấy trẻ làm trung tâm để xây dựng chương trình, giúp các trẻ đều hứng thú khi tham gia các hoạt động.

“Đây là chương trình mở, giáo viên chủ động lựa chọn các hoạt động phù hợp với độ tuổi của trẻ. Qua đó, các cháu rất hứng thú, trẻ học tốt, thể hiện qua kết quả cuối năm, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn”, cô Chi nói.

Cô giáo Dương Thị Minh Thanh – Hiệu trưởng Trường MN Đông Thanh (thành phố Đông Hà) cho rằng, chương trình GDMN mới phù hợp với đặc điểm tình hình của nhà trường. Trong chương trình, các cô chủ động, linh hoạt hơn trong việc vận dụng các phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

“Về thuận lợi, giáo viên lựa chọn nội dung chương trình phù hợp với từng độ tuổi. Hình thức tổ chức linh hoạt, hướng đến giáo dục cho trẻ toàn diện, tạo cơ hội cho trẻ phát triển tốt. Các cô chủ động, sáng tạo trong việc lên chương trình, chuẩn bị bài giảng, trẻ hứng thú hơn. Mặt khác, phụ huynh tâm đắc, tạo mọi điều kiện để nhà trường thực hiện tốt chương trình”, cô Thanh nói.

Theo cô Thanh, nhà trường có 25 cán bộ, giáo viên, với hơn 200 cháu. Hiện nhà trường sửa chữa về cơ sở vật chất, sửa sang phòng học, bổ sung trang thiết bị để bước vào năm học mới.

Theo bà Võ Thị Loan – Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Trị), sau hơn một năm học triển khai Chương trình GDMN mới, cơ bản có những yếu tố thuận lợi, chương trình có những thay đổi, chỉnh sửa phù hợp với bối cảnh địa phương, năng lực của giáo viên, thích ứng với những đòi hỏi, mong muốn của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình giáo dục mầm non mới cũng có những khó khăn, do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với yêu cầu dạy học. Đặc biệt, một số trường mầm non vùng biển và miền núi do còn thiếu về cơ sở vật chất, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ