Định hướng dạy học Giáo dục công dân với đề tham khảo

GD&TĐ - Từ đề tham khảo Giáo dục công dân, thầy trò có thể đưa ra định hướng dạy học, ôn tập để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Nắm chắc kiến thức cơ bản, lưu ý ví dụ từ thực tiễn

Thầy Trương Văn Minh, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) nhận định: Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Giáo dục công dân bám sát vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm 2022. Nội dung cơ bản nằm trong chương trình lớp 11, lớp 12 và tỷ lệ câu hỏi ở 4 cấp độ không thay đổi so với những năm gần đây.

Điều này phần nào tạo thuận lợi cho quá trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu đề thi chính thức, giáo viên, học sinh cần nghiên cứu, phân tích cả đề minh họa xem như một tài liệu quan trọng, góp phần định hướng hoạt động dạy-học.

Cụ thể, với câu hỏi ở cấp độ nhận biết, các câu hỏi và đáp án đưa ra bám sát kiến thức trong sách giáo khoa. Để làm tốt câu hỏi ở cấp độ này, giáo viên nên dạy để học sinh ghi nhớ, nắm chắc hệ thống từ khóa của từng đơn vị kiến thức. Trong quá trình làm bài thi, học sinh đối chiếu với nội dung của câu hỏi sẽ dễ dàng tìm ra đáp án đúng.

Đối với câu hỏi ở cấp độ thông hiểu, đề tham khảo phần lớn tập trung vào kiến thức ở lớp 12, xoay quanh các vấn đề như: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc; quyền khiếu nại, tố cáo; các hình thức thực hiện pháp luật; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý…

Vì vậy, trong quá trình dạy và học, ngoài cung cấp kiến thức cơ bản, giáo viên cần hướng dẫn học sinh lấy ví dụ trong thực tiễn để phân biệt, nắm vững bản chất của những đơn vị kiến thức. Từ đó, giúp học sinh có thể phân loại, xác định chính xác các hành vi phù hợp của câu hỏi ở cấp độ này.

Đối với đa số học sinh, các câu hỏi ở mức độ thông hiểu không khó, nhưng các em cần đọc kỹ để tránh nhầm lẫn giữa các phương án trả lời, chú ý dạng câu hỏi là khẳng định hay phủ định.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Thường xuyên cập nhật thông tin thời sự

Đối với câu hỏi vận dụng khoảng 6 câu chiếm tỉ lệ 15%, tập trung vào việc yêu cầu học sinh cần vận dụng thao tác tư duy để xác định hành vi của nhân vật tương ứng với nội dung kiến thức học sinh đã được học như đã vi phạm hoặc cùng thực hiện nội dung của một quyền cụ thể.

Các tình huống ở cấp độ câu hỏi này được xây dựng dựa trên cơ sở nội dung trong chương trình mà học sinh đã học, phần mở rộng dữ liệu ở hành vi nhân vật không làm thay đổi nội dung kiến thức.

Do đó, để làm tốt câu hỏi dạng này, học sinh cần xác định rõ hành vi của từng nhân vật và đối chiếu với nội dung lệnh hỏi để tìm đáp án đúng.

Trong quá trình dạy học, giáo viên nên mở rộng bằng cách cho học sinh lấy thêm nhiều ví dụ, cung cấp cho học sinh các tài liệu học tập, thường xuyên cập nhật những thông tin mang tính thời sự, nâng cao hiểu biết cho các em để giúp các em không xa lạ với dữ liệu và dạng câu hỏi trong đề thi.

Đối với các câu vận dụng cao của đề tham khảo có 4 câu, tương đương 10%. Các câu vận dụng cao thông thường tập trung vào các nội dung chủ yếu: Các loại trách nhiệm pháp lý, các quyền tự do cơ bản của công dân, quyền bình đẳng của công dân, quyền khiếu nại và tố cáo…

Hình thức phổ biến là câu hỏi dạng “hỏi kép” với các từ nối như “… vừa….vừa …” hoặc “…đồng thời..”.

Ngoài những câu hỏi dạng khẳng định quen thuộc như mọi năm, đề tham khảo năm nay còn có 1 câu hỏi dạng phủ định, được xem như một dạng mới đòi hỏi học sinh phải thật sự chú ý.

Đa số các tình huống được diễn đạt logic, tường minh và phù hợp với diễn biến tâm lí, hành vi của nhân vật. Nội dung của tình huống và hành vi của nhân vật tuy phong phú nhưng vẫn bám sát vào kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Vì vậy, để có kiến thức khi làm câu hỏi vận dụng cao đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết chắc chắn nội dung kiến thức sách giáo khoa, có sự phân tích, so sánh, liên hệ với đời sống.

Đồng thời, học sinh cần rèn cho mình thao tác tư duy và kỹ năng làm câu hỏi cấp độ này như: Liệt kê nhân vật kèm theo đầy đủ các hành vi của nhân vật, đối chiếu với từ khóa của câu hỏi để đưa ra kết luận về từng nhân vật, từ đó tìm được đáp án chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ