Tránh hậu quả khó lường ôn thi tốt nghiệp THPT trên TikTok

GD&TĐ - Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh tìm đến các video trên TikTok để nắm bắt nhanh kiến thức. 

Một video trên TikTok chỉ mẹo làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử. Ảnh chụp màn hình
Một video trên TikTok chỉ mẹo làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, các em dễ mất kiến thức trọng tâm, phụ thuộc vào “mẹo mực” giải đề nếu không biết chọn lọc.

Ngập tràn video chỉ mẹo giải đề

“Mẹo lụi nhanh môn Lịch sử. Đáp án có từ: Nhà nước, nhân dân, chính sách… hãy khoanh. Từ khóa về các cường quốc: Mỹ là cường quốc số 1 về kinh tế, chính trị; Liên Xô là công nghiệp vũ trụ, ủng hộ hòa bình; Ấn Độ là cách mạng xanh, xám; Nhật Bản là phát triển kinh tế thần kỳ”, đó là nội dung mở đầu của đoạn video chỉ mẹo ôn Lịch sử trên TikTok mà Nguyễn Thị Hồng Hải, học sinh lớp 12 ở TP Thủ Đức, TPHCM xem lại nhiều lần những ngày gần đây.

Với dự định xét tuyển vào ngành thuộc khối xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM và Trường Đại học Mở TPHCM, Hải tập trung cho các môn thuộc tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Bên cạnh học kiến thức từ sách giáo khoa và tài liệu do thầy cô cung cấp trên lớp, Hải thường xuyên tìm đến các video dạy học, chỉ mẹo giải đề trên TikTok để ôn thi.

Nữ sinh cho rằng, các video này thường có nội dung ngắn gọn, cách truyền tải hấp dẫn và quan trọng hơn là mẹo giải đề rất dễ nhớ. “Gần đến ngày thi rồi nên em cần nhớ từ khóa ở những câu hỏi thông dụng, nếu không sẽ khó kiếm được điểm tốt”, nữ sinh chia sẻ.

Trần Đức Hùng, ở quận Bình Thạnh, TPHCM lại tìm đến các video trên TikTok để ôn tập môn Toán, Tiếng Anh. Với học lực ở mức trung bình - khá, Hùng chọn vào các trường đại học tốp giữa khối ngành Công nghệ, Kỹ thuật bằng tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) hoặc A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh).

Hùng cho rằng, các video ôn tập trên nền tảng mạng xã hội dễ nhớ vì cách truyền đạt gãy gọn, lôi cuốn. Tuy nhiên, nam sinh cũng thừa nhận, video này không tập trung vào kiến thức sâu mà chỉ đưa ra cách giải bài tập ngắn gọn, mẹo “nhìn đề bài ra đáp án”. Thậm chí ở nhiều video, người sáng tạo nội dung chỉ cách không cần đọc đề, chỉ xem các phương án cũng tìm ra được đáp án.

“Chẳng hạn với môn Toán, với những bài toán chứa hai yếu tố thì đáp án đúng là phương án chứa cả hai yếu tố chung. Em áp dụng thì thấy đúng, còn vì sao thì chưa hiểu lắm”, Hùng nói. Với môn Tiếng Anh, nhiều video chỉ mẹo làm bài mà không cần đọc hết đoạn văn, từ vựng trong đề. “Ở phần đọc hiểu, đầu tiên tìm đại từ ở bài đọc, sau đó dò xem đáp án nào gần với đại từ đó nhất thì chọn”, trích hướng dẫn một đoạn video mà Hùng xem.

Gõ vào ô tìm kiếm của TikTok các từ khóa “mẹo lụi”, “giải nhanh”, “bí kíp giải” có thể tìm được hàng nghìn video chỉ mẹo, cách giải nhanh tất cả môn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó nhiều nhất là môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh. Không chỉ sản xuất các video ngắn, nhiều nhà sáng tạo nội dung còn tổ chức lớp ôn thi tốt nghiệp THPT ở dạng phát trực tiếp (livestream) trên TikTok, thu hút hàng trăm đến hàng nghìn người xem. Trong các “bài giảng”, thỉnh thoảng họ chỉ ra các mẹo làm bài, nhìn đề khoanh đáp án.

Video trên TikTok chỉ mẹo làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán. Ảnh chụp màn hình

Video trên TikTok chỉ mẹo làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán. Ảnh chụp màn hình

Nắm chắc kiến thức trọng tâm

Thầy Trần Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, TPHCM, giải thích, hiện phần lớn học sinh THPT sử dụng ứng dụng TikTok. Điều này giải thích sức hút của các video, “lớp” ôn thi tốt nghiệp TikTok với hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Nhiều kênh TikTok trở thành “lớp luyện thi” với số lượng bài giảng nhiều, lượng theo dõi cực “khủng”. Trong đội ngũ sáng tạo nội dung này, nhiều người là thầy cô với phong cách trẻ trung, cách thể hiện sinh động, hiệu ứng trực quan, lôi cuốn.

Theo thầy Minh, những video giúp học sinh tiếp thu và ghi nhớ nhanh nội dung kiến thức ngắn, có cảm hứng học tập với kiến thức khó, khô khan. Tuy nhiên, với video kéo dài chỉ vài chục giây này, học sinh phải chủ động tiếp nhận, kiểm tra và sàng lọc, lựa chọn kênh uy tín để chắc chắn rằng những nội dung được chia sẻ là chính xác.

Việc này không đơn giản với học sinh, bởi hiện nay nhiều “lớp” trên TikTok, thiếu sự kiểm duyệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Các video ngắn, nhanh hạn chế về kiến thức, giao tiếp hai chiều, khiến học sinh thường rơi vào thế bị động. Nhiều video còn hướng dẫn mẹo làm bài, giải bài nhanh khiến cho các em trở nên lười suy nghĩ”, thầy Minh nói và khẳng định: Học trên các video này không thể bằng trên trường lớp.

Tương tự, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên môn Toán, Trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức, TPHCM, cho rằng, mỗi môn học, đặc biệt ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, thường có hai dạng mẹo: Mẹo dựa trên tư duy logic, suy luận có lý và mẹo theo tư duy kinh nghiệm.

Theo đó, mẹo dựa trên tư duy logic là tốt cho học sinh bởi khi sử dụng nó, các em đã hiểu rõ được bản chất vấn đề và biết vận dụng kiến thức linh hoạt. Trong khi đó, mẹo theo “tư duy kinh nghiệm” khiến học sinh hiểu bài một cách hời hợt, không đúng bản chất. Đây cũng chính là mẹo được nhiều video trên TikTok hiện nay sử dụng. Chưa kể, các mẹo này cũng không đúng cho tất cả trường hợp.

Theo thầy Tuấn Anh, trong thời gian ôn thi nước rút, học sinh nên tập trung hệ thống hóa kiến thức và bài tập môn Toán theo các chuyên đề. Các em có thể rèn sự tập trung bằng cách làm đề thi thử theo đúng thời gian yêu cầu, kịp thời ôn tập, khắc phục điểm hạn chế. “Dù là câu dễ hay câu khó, giá trị mỗi câu trắc nghiệm là như nhau. Việc bao quát kiến thức các chuyên đề là dễ lấy điểm hơn việc cố học sâu chuyên đề nào đó để làm được câu khó. Khi làm tốt câu dễ rồi thì mới rèn luyện câu khó”, thầy Tuấn Anh khuyên.

Theo thầy Trần Văn Minh, thời điểm này, học sinh lưu ý tổ chức việc học, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học để có sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Các em nên dành thời gian giải đề thi tham khảo, đề thi các năm trước để hoàn thiện kỹ năng làm bài, đúc rút kinh nghiệm. “Về việc học trực tuyến trên nền tảng xã hội, các em chỉ xem là kênh bổ sung, tham khảo. Không nên sa đà, đề cao, tuyệt đối hóa hình thức ôn thi này”, thầy Minh khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ