Giáo viên Lai Châu mong muốn chính sách phù hợp với miền núi

GD&TĐ - Giáo viên vùng cao có nhiều khó khăn, chế độ chính sách chưa đáp ứng đã khiến nhiều giáo viên ở Lai Châu thôi việc hoặc chuyển về vùng thuận lợi.

Cô trò trường Mầm non xã Nậm Khao, huyện Mường Tè.
Cô trò trường Mầm non xã Nậm Khao, huyện Mường Tè.

Khó khăn "trăm bề"

Bên lề Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, cô Trần Thị Hồng Thuý, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã chia sẻ những khó khăn và bày tỏ mong muốn có những chế độ chính sách phù hợp đối với giáo dục vùng cao.

Cô Thuý chia sẻ: Giáo viên vùng cao có rất nhiều khó khăn. Giao thông không thuận lợi. Điều kiện kinh tế của người dân còn rất vất vả nên việc đầu tư cho giáo dục gặp khó. Cùng với đó, lương giáo viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống”.

Đại diện cho cán bộ, giáo viên nhà trường, cô Thuý mong muốn có quy định về thời gian làm việc đối với giáo viên mầm non. Bởi lẽ giáo viên mầm non đang phải làm việc với số giờ quá 8 tiếng/ngày. Cùng với đó, việc xét thăng hạng khi giáo viên đủ điều kiện cần được thúc đẩy làm nhanh, giảm bớt các yêu cầu không cần thiết để đảm bảo chế độ cho đội ngũ.

Cô Thuý chia sẻ: “Tôi mong muốn sẽ có chế độ cho giáo viên lớp ghép theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP cho tất cả các giáo viên đang công tác tại vùng khó. Hiện, chỉ có giáo viên công tác tại điểm bản lẻ mới được hưởng chế độ lớp ghép này còn ở điểm trường chính không được thụ hưởng. Cùng đó, tôi mong rằng sẽ có chế độ đãi ngộ với giáo viên nói chung và giáo viên mầm non ở vùng cao nói riêng để đội ngũ nhà giáo có thể đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác hơn”.

Công tác tại trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho - một trong những xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Phong Thổ, cô Trần Thị Hằng cho biết: “Ma Ly Pho là xã nông thôn mới nhưng đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Xã vẫn còn một số bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ theo Nghị định 116. Vì vậy, nhà trường vẫn tổ chức nấu ăn, chăm sóc cho học sinh như một trường bán trú”.

Mặc dù vẫn có tên là trường PTDTBT nhưng thực chất, đây không phải là trường bán trú nữa. Bởi lẽ, từ tháng 6/2021, trường nằm trên địa bàn xã vùng 1 theo Quyết định 861. Số học sinh được hưởng bán trú dưới 20% nên không đủ để duy trì mô hình trường bán trú. Vì thế, giáo viên không được hưởng chế độ cho công tác bán trú.

Chung tâm tư trên, thầy Mai Văn Tường, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Dào San, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Theo quy định thì phải đủ tỷ lệ học sinh ở bán trú đạt trên 45% thì trường mới được công nhận là trường bán trú và giáo viên mới được hưởng chế độ. Dự kiến năm nay, nhà trường có hơn 200 em được nuôi bán trú trên tổng số 714 học sinh, nên không đủ điều kiện để công nhận là trường bán trú”.

Theo thầy Tường, mấy năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh bán trú của trường đều không đủ điều kiện để công nhận là trường bán trú. Chính vì vậy, dù vẫn có tên là trường PTDTBT nhưng thực chất giáo viên không được hưởng chế độ.

“Thầy cô vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ như trường bán trú (trực, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh). Trường hợp học sinh ở lại không về thì giáo viên còn phải trực cả ngày thứ 7, Chủ nhật. Nếu xảy ra vấn đề gì thì giáo viên trực và Ban giám hiệu phải chịu trách nhiệm” – thầy Tường thông tin.

“Từ thực tế địa phương, chúng tôi mong được hạ bớt tỷ lệ phần trăm quy định đối với đơn vị chưa đủ điều kiện để thành lập trường PTDTBT. Cùng với đó, có chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên tham gia nuôi dưỡng học sinh bán trú tại những trường không chuyên biệt”, ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết.

Cô trò trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ.

Cô trò trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ.

Cần chính sách phù hợp

Không chỉ trò bị cắt chế độ khi trường chuyển về vùng 1, mọi chế độ của giáo viên có nhiều thay đổi. Ưu đãi khu vực giảm từ 70% xuống còn 50%. Chế độ lâu năm, thu hút đều bị cắt giảm.

“Mong muốn của thầy cô giáo công tác tại trường là được các cấp có thẩm quyền xem xét và chia sẻ đối với các xã thuộc vùng 1 là xã biên giới vẫn được hưởng các chế độ như xã đặc biệt khó khăn. Cùng đó, có chế độ tăng lương để giáo viên đảm bảo mức sống”, cô Trần Thị Hằng bày tỏ.

Công tác ở vùng cao gặp nhiều khó khăn trong khi chế độ chưa tương xứng khiến nhiều giáo viên ở Lai Châu thôi việc hoặc chuyển về vùng thuận lợi.

Tại huyện Tân Uyên, trong 3 năm trở lại đây, đã có 44 giáo viên xin thôi việc và 81 giáo viên xin chuyển vùng. Trong năm học 2023 – 2024, huyện Tân Uyên vẫn còn thiếu 103 giáo viên cùng với 11 cán bộ quản lý.

Do tình trạng thiếu giáo viên nên nhiều thầy cô phải làm việc hơn 200 giờ/năm. Tuy nhiên, việc thanh toán chi trả làm thêm giờ từ trên 200 - 300 giờ theo quy định của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn do công tác dạy thêm giờ của các thầy cô không nằm trong quy định này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên bày tỏ: “Chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ có cơ chế để thanh toán chế độ thêm giờ cho giáo viên dạy trên 200 - 300 giờ. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng giáo viên chỉ dạy đủ định mức. Số giờ còn lại sẽ không có giáo viên đứng lớp và như vậy sẽ không thể hoàn thành được chương trình giáo dục theo quy định”.

Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Tôi quan tâm tới việc công chức của phòng GD&ĐT bị giảm số lượng nhưng công việc không giảm đi. Điều đó dẫn đến phải huy động cán bộ quản lý, giáo viên tăng cường lên làm việc, dẫn đến ảnh hưởng đến công việc ở các trường”.

Theo thầy Bảo, trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh hiện đang thiếu 5 giáo viên. Cùng với đó, một số giáo viên đang xin chuyển về vùng thuận lợi. Trong khi đó, cán bộ quản lý của nhà trường lại lên trên phòng GD&ĐT. Điều đó dẫn đến nhân lực nhà trường đã thiếu lại thêm thiếu. Trong khi giáo viên, cán bộ cũng rất vất vả.

Thầy Trần Nam Phong, giáo viên trường PTDTBT THCS Ka Lăng, huyện Mường Tè gửi gắm: “Tôi mong muốn sẽ không bắt buộc giáo viên phải giữ hạng 9 năm mới cho thăng hạng. Cùng đó, không yêu cầu chứng chỉ thăng hạng. Đối với giáo viên lâu năm nên có chế độ chính sách ưu đãi”.

Thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn chia sẻ: “Tôi mong muốn sẽ có nhiều chính sách phù hợp với sự phát triển của giáo dục vùng cao. Đối với trường có học sinh bán trú cần phải có nhân viên y tế học đường để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Cùng với đó, tạo điều kiện, quỹ đất hay nhà công vụ cho giáo viên ở xa gắn bó với trường vùng đặc biệt khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ