Giáo viên kiêm nhiều “vai” mùa dịch

GD&TĐ - Dạy học trong những ngày dịch bệnh bùng phát phức tạp, giáo viên phải cùng lúc kiêm nhiều nhiệm vụ. Không chỉ dạy học, thầy cô còn dõi theo sức khỏe học sinh, hướng dẫn trò từ học tập đến sinh hoạt...

Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) kiểm tra vệ sinh phòng ở cho học trò
Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) kiểm tra vệ sinh phòng ở cho học trò

Những tuần học gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Số lượng giáo viên và học sinh là F0 tăng cao, nhiều trường học đã phải linh hoạt phương thức dạy và học, công việc của thầy cô cũng tăng lên đáng kể.

Tại trường THCS Trưng Vương (TP Thái Nguyên), giáo viên giúp nhau tự lắp đặt, căn chỉnh, kết nối thiết bị như camera, chân máy quay, tivi, máy chiếu để đảm bảo sẵn sàng duy trì bài học trong mọi tình huống.

Những buổi học song song trên lớp, giáo viên vừa dạy trực tiếp học trò có mặt, đồng thời vẫn tương tác với học trò ở nhà qua máy tính. Nhiều tình huống và thao tác mới phát sinh đòi hỏi các thầy cô phải thực sự linh hoạt.

“Camera liên tục được điều chỉnh, lúc quay lên bảng, khi quay xuống lớp. Tôi phải triển khai hoạt động bình thường trên phòng học, nhưng cũng không được bỏ quên các bạn trực tuyến. Đang cho lớp làm bài tập thì học trò ở nhà hỏi cách điều chỉnh màn hình. Buổi tối, tôi vừa chuẩn bị bài giảng của mình, vừa tranh thủ hướng dẫn thêm cho các em” - cô giáo Lê Thị Hồng Dung (giáo viên môn Toán) bày tỏ.

Một giờ học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên
Một giờ học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên

Cô giáo Ngô Thị Hoa (Trường THCS Huống Thượng, TP Thái Nguyên) cho biết: Mặc dù thời khóa biểu có ngày nghỉ theo quy định, nhưng thực tế giáo viên vẫn tự đến trường làm, vì công việc phát sinh nhiều.

Có những giáo viên suốt nhiều tuần nay không hề có ngày nghỉ. Đầu giờ đến trước, cuối giờ về sau, giáo viên phải nắm bắt tình hình, nhắc nhở hướng dẫn học sinh việc đi lại, sử dụng thiết bị, không tiếp xúc nơi hàng quán đông người...

"Khi dạy thì cùng một lúc phải đảm bảo việc tương tác với học trò tại lớp, lại vừa phải vào máy tính trao đổi với học trò ở nhà, tuy là 1 lớp nhưng khối lượng làm việc như 2 lớp. Giờ ra chơi hay buổi tối thì vừa  tiếp tục gửi thêm video bài học và hướng dẫn thêm cho học sinh nghỉ ở nhà" - cô Hoa chia sẻ.

Với trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ, không những phải đảm bảo việc dạy học, nhà trường còn phải lo toan nhiều hơn đến việc ăn ở, sinh hoạt cho các em nhằm đảm bảo an toàn. 

Nỗ lực hết mình để vượt qua giai đoạn dịch bệnh một cách an toàn, cán bộ giáo viên nhà trường tự nguyện nhận thêm nhiều “nhiệm vụ”, từ việc nhận và chuyển đồ mà gia đình gửi cho các con, đến việc giám sát hỗ trợ trong các bữa ăn, kiểm tra sức khỏe thường ngày...

“Giáo viên nhà trường vừa giảng dạy, vừa là người nhà, vừa là y tá bác sĩ nắm bắt tình hình sức khỏe học trò, nhiều khi kiêm nhà tư vấn tâm lí luôn. Trong bối cảnh này, không chỉ dạy học, mà việc giúp các em có được tâm thế học cũng hết sức quan trọng” - thầy giáo Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ), giáo viên cũng đang bận rộn hơn lúc nào hết. Do học trò còn nhỏ, các thầy cô ở đây phải chăm chút từ việc sinh hoạt cá nhân cho đến những kiến thức, kĩ năng phòng dịch an toàn.

Việc trao đổi hằng ngày với từng phụ huynh chiếm mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải thực sự tỉ mỉ, kiên trì, nhưng nhờ đó đã giúp giáo viên nắm bắt thông tin sức khỏe học sinh, đưa ra tư vấn và điều chỉnh cần thiết, kịp thời. 

“Từ phòng học cho đến phòng ăn, phòng ngủ, thầy cô phải có mặt trong mọi tình huống để hỗ trợ các em. Bận rộn, vất vả nhưng mọi người đều chỉ nghĩ đến sự an toàn sức khỏe cho học sinh” - cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

Trong những ngày dịch phức tạp, nhằm hướng tới sự thích ứng để duy trì dạy học, giáo viên sẵn sàng kiêm nhiều "vai". Trong bối cảnh đó, rất cần sự thấu hiểu, đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình học sinh, để các em được an toàn, yên tâm học tập. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.