Giáo viên Hưng Yên nâng cao năng lực số, dẫn dắt học sinh trong kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, ngành giáo dục Hưng Yên cũng không nằm ngoài guồng quay ấy.

Giáo viên Hưng Yên nâng cao năng lực số, dẫn dắt học sinh trong kỷ nguyên mới

Thầy cô không chỉ dạy mà còn định hướng tri thức số

Trong bối cảnh hiện nay, học sinh không còn phụ thuộc hoàn toàn vào bảng đen, phấn trắng hay chỉ nghe giảng đơn thuần từ thầy cô. Thầy cô không còn là “kênh duy nhất” trao tri thức, mà là người định hướng, dẫn dắt học trò tìm tòi, khám phá trong không gian số với vô vàn nguồn thông tin đa chiều.

Cô Vũ Thị Hồng Nhung, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phụ Dực (xã An Bài, Hưng Yên) cho rằng, học sinh ngày nay tiếp cận mạng xã hội từ rất sớm, các em nhạy cảm với thời sự và có nhu cầu tìm hiểu thông tin.

Theo cô Nhung, là giáo viên, cô luôn thấy mình cần bản lĩnh để trả lời các em. Đặc biệt, với những vấn đề phức tạp, chưa phù hợp với độ tuổi, cô sẽ định hướng để các em tạm gác lại, đợi thêm trải nghiệm, thêm vốn sống. Còn nếu là điều có thể giúp ích cho nhận thức, phát triển kỹ năng, cô luôn khuyến khích các em đào sâu tìm hiểu.

Sự thấu hiểu và tinh tế là điều không thể thiếu ở một người thầy thời đại mới. Giáo viên thời đại số đồng hành cùng học sinh cả trên lớp học lẫn không gian mạng, nơi các em chia sẻ tâm tư, sở thích.

Theo cô Nguyễn Thị Hồng, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (phường Trần Lãm, Hưng Yên) cho rằng, mạng xã hội, nếu sử dụng đúng cách, sẽ trở thành kênh kết nối hữu hiệu giữa giáo viên và học sinh. Nhiều nhóm học tập, trao đổi bài vở được thành lập, trong đó cô và trò cùng tham gia thảo luận.

“Tôi theo dõi kín đáo, chỉ góp ý nhẹ nhàng khi cần. Việc “gỡ rối” cho học sinh, nhất là chuyện tâm lý tuổi mới lớn, cũng cần khéo léo nói như một người bạn để các em thấy được chia sẻ chứ không phải bị giám sát”, cô Hồng chia sẻ.

Chủ động nâng cao năng lực số

Để phục vụ cho công tác giảng dạy, nhiều thầy cô chủ động nâng cao trình độ tin học, tìm tòi và ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ dạy học hiện đại. Một số thầy cô còn tự mày mò xây dựng các bài giảng điện tử sinh động, tích hợp các video, hình ảnh và bài tập tương tác, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Tại Trường Tiểu học và THCS Phúc Khánh (xã Phúc Khánh, Hưng Yên), Cô Nguyễn Thị Quyên, đã tự học đồ họa cơ bản để thiết kế các trò chơi, bài giảng sinh động.

Cô Quyên cho rằng, các hiệu ứng trong phần mềm PowerPoint giờ đây không còn hấp dẫn học sinh như trước nữa. Vì vậy, thầy cô giáo cần chủ động học thêm các kỹ năng thiết kế để học sinh vừa học vừa tương tác với giáo viên, chủ động ghi nhớ, vận dụng kiến thức.

anh-2.jpg
Học sinh Hưng Yên tham dự cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE) năm 2025.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hường, Trường Tiểu học, THCS và THPT Quách Đình Bảo (phường Trần Hưng Đạo, Hưng Yên), hàng ngày, học sinh không chỉ học thông qua bài giảng trên lớp. Nhiều em sẽ tự học kiến thức từ những website chuyên về giáo dục ở trên mạng.

Vì vậy, một số học sinh có tư chất, sẽ tự học trước, học vượt, thậm chí mở rộng kiến thức. Điều đó, đòi hỏi thầy cô giáo phụ trách bất cứ bộ môn nào cũng cần trau dồi kiến thức hàng ngày.

“Tôi đã từng dạy những học trò vô cùng nỗ lực. Các em liên tục mở rộng kiến thức bằng cách đọc các cuốn sách văn học, tâm lý, khoa học miễn phí ở trên mạng. Ngoài ra, các em còn thích đọc các bài báo hay, bài bình luận của những chuyên gia, để làm nguồn tư liệu cho bài học trên lớp. Một số vấn đề khó, thuật ngữ chuyên ngành chưa hiểu rõ, các em sẽ đến lớp trao đổi với giáo viên. Cho nên, chính chúng tôi phải tự học rất nhiều để giải đáp thắc mắc, định hướng các em trong hành trình học tập”, cô Hường chia sẻ.

Học sinh hiện nay không còn xa lạ với các công cụ tin học. Nhiều em từ 12 - 13 tuổi đã sử dụng thành thạo Word, PowerPoint, biết cách tạo ra các bài thuyết trình hấp dẫn. Trước sự phát triển đó, giáo viên buộc phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức để bài giảng không bị nhàm chán, lạc hậu.

Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho rằng, người thầy trong thời đại mới không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải khai thác hiệu quả các kho tài liệu, học liệu số trong quá trình xây dựng giáo án, bài giảng điện tử. Phương pháp và hình thức dạy học cần được đổi mới linh hoạt, kết hợp giữa lớp học trực tiếp và trực tuyến, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

Vì vậy, giáo viên cần tận dụng không gian mạng để hỗ trợ học sinh từ xa, nhất là trong các hoạt động như tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trong trường học. Khuyến khích học sinh chủ động ứng dụng thành tựu chuyển đổi số trong học tập cả trong và ngoài nhà trường là xu hướng tất yếu.

Cùng với đó, giáo viên phải hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả tài nguyên giáo dục mở, thư viện điện tử, thư viện xanh... qua đó góp phần xây dựng môi trường học tập hiện đại, thân thiện, kết nối liên tục giữa học sinh, thầy cô và tri thức số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ