Giáo viên hợp đồng – đòn bẩy trong giáo dục của một số quốc gia

GD&TĐ - Việc sử dụng giáo viên hợp đồng không phải là điều mới mẻ ở nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới trong 10 năm qua. Thậm chí một số nước, lượng giáo viên hợp đồng chiếm tới gần một nửa tổng số giáo viên trong ngành.

Một lớp học ở vùng nông thôn Trung Quốc
Một lớp học ở vùng nông thôn Trung Quốc

Giáo viên hợp đồng còn được coi là chiến lược đặc biệt của một số quốc gia châu Á, châu Phi, Mỹ La Tinh nhằm giảm chi phí, tăng quyền tự trị cho các trường.

Giáo viên hợp đồng đóng vai trò lớn trong các mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục như: tăng sự tiếp cận của trẻ em vùng sâu vùng xa với giáo dục, mang giáo dục đến các vùng chiến tranh nơi không có giáo viên giảng dạy, phục vụ cộng đồng dân tộc thiểu số khi những giáo viên hợp đồng là người địa phương và có thể nói tiếng bản địa, tăng tỷ lệ giáo viên và học sinh, hỗ trợ thêm cho các giáo viên thông thường, tạo việc làm cho thanh niên có trình độ và mở ra cách tiết kiệm tài chính khi muốn tăng tỷ lệ học sinh vào các trường tiểu học, phổ thông.

Tại các quốc gia Tây và Trung Phi, để thấy rõ tầm quan trọng của giáo viên hợp đồng trong lực lượng giáo viên nói chung, chúng ta cần biết rằng tỷ lệ học sinh học tiểu học trung bình rất thấp, chỉ là 37%, lớp học quá tải, chi phí lương cho giáo viên tốn kém. Nhằm đạt được mục tiêu giáo dục cho tất cả mọi người vào năm 2015, các nước này cần tăng số giáo viên và các nguồn lực khác.

So với mức GDP trên đầu người, giáo viên ở Tây Phi và Trung Phi, đặc biệt là ở vùng Sahel, nằm trong số những giáo viên có mức lương cao nhất thế giới. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Senegal cần 2.000 giáo viên mỗi năm nhưng chỉ có thể đáp ứng được 250 người. Quốc gia này đã dành 4,2% GDP và 30% ngân sách cho giáo dục. Lương dành cho giáo viên khi đó cao gấp 6 lần GDP và chiếm tới 90% ngân sách giáo dục. Trước tình hình này chính phủ đã quyết định tìm chiến lược tiết kiệm hơn.

Từ năm 1995, Senegal đã thử nghiệm chương trình tuyển “các tình nguyện viên” ở bậc tiểu học. Mục đích là để tuyển chọn, đào tạo và phân công công việc cho 1.200 người trẻ tuổi tuổi từ 18-35 có bằng tú tài hoặc đại học. Chính phủ hy vọng sẽ mở lại được 500 lớp học đã bị đóng cửa vì thiếu giáo viên, ngăn chặn tình trạng tuyển sinh ngày càng ít (20% trong số 41 quận có mức tuyển sinh thấp hơn mức trung bình cả nước). Với mức lương trả cho giáo viên hợp đồng chỉ bằng khoảng một nửa giáo viên biên chế, chính phủ đã có thể tuyển thêm được nhiều giáo viên mà không quá tốn kém.

Tại Trung Quốc, trong vòng mấy thập kỷ qua, số lượng trẻ em đến trường tăng mạnh nhất thế giới. Đồng thời, quốc gia này cũng đạt phổ cập giáo dục tiểu học mặc dù có số trẻ em đi học rất lớn và 80% là trẻ em vùng nông thôn. Năm 1986, Trung Quốc phê chuẩn Luật Giáo dục tiểu học, mở rộng giáo dục cơ bản lên 9 năm, hạn chế sự tập trung trong giáo dục về quản lý và tài chính.

Đặc biệt, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục với mức chi phí thấp hơn hầu hết các nước đang phát triển khác, họ chỉ dành 2% GNP cho giáo dục.

Giáo viên hợp đồng là một phần quan trọng trong chiến lược mở rộng tiếp cận với giáo dục ở Trung Quốc, đặc biệt là vùng nông thôn và vùng xa xôi. Tính đến năm 1980, giáo viên hợp đồng do chính quyền địa phương trực tiếp tuyển về chiếm khoảng một nửa số giáo viên tiểu học và trung học.

Theo Tổng hợp từ ILO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ