Như vậy, vai trò của hiệu trưởng nhà trường đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ GV.
Thế nào là GV giỏi?
Ở góc độ chuyên môn, GV tốt là người hiểu rõ khoa học bộ môn mà mình phụ trách giảng dạy, say mê trong khoa học đó và quan tâm đến xu thế phát triển của nó. Ngoài ra GV còn biết quan tâm đến những vấn đề mà bộ môn khoa học mình đang cố gắng giải quyết, có năng lực độc lập nghiên cứu; Có hiểu biết sâu rộng nhiều lần so với "khung" quy định trong nhà trường.
Nhìn ở góc độ khoa học giáo dục, GV là người có hiểu biết về tâm lý học, giáo dục học. Họ hiểu và ý thức được, nếu không có những tri thức khoa học về giáo dục thì sẽ không thể cộng tác được với HS. GV tốt là người nắm vững các kỹ năng đến mức hoàn thiện trong một lĩnh vực hoạt động nào đó; Tinh tường trong công việc của mình mà nhà trường giao cho.
Những GV tốt như vậy, ngoài hiệu quả đào tạo của trường sư phạm và sự tu dưỡng rèn luyện học tập của bản thân còn phụ thuộc không ít vào vai trò của hiệu trưởng trong việc bồi dưỡng đội ngũ.
Tìm đâu ra những con người phát triển toàn diện như thế? Tất nhiên, nếu hiệu trưởng nhiệt tâm, nhiệt tình, luôn tìm cách bồi dưỡng tích cực cho đội ngũ nhà giáo thì không lý do gì nhà trường không có được GV tốt như mong muốn.
Lâu nay, các trường thực hiện việc bồi dưỡng GV nhưng kết quả chưa được tốt. Bởi việc bồi dưỡng GV là một quá trình tổng hợp nhiều hình thức, nhiều cách thức và thường xuyên mới có kết quả.
Ở bài viết này, chúng tôi chỉ nêu vài suy nghĩ về bồi dưỡng GV theo cách thức, tinh thần phát huy nội lực (Năng lực, trí tuệ, công sức của chính những GV và tập thể sư phạm dưới sự tổ chức hoạt động thường xuyên có khoa học của hiệu trưởng) nhằm góp phần từng bước có đội ngũ tốt để thực hiện có kết quả chương trình, SKG mới mà Quốc hội đã thông qua.
Vai trò của người đứng đầu
Để phát huy được yếu tố nội lực trong bồi dưỡng GV, hiệu trưởng phải có nhận thức đúng về mối quan hệ giữa GV với học sinh, tập thể sư phạm trong quá trình giảng dạy, giáo dục từ đó tiến hành tổ chức hoạt động bồi dưỡng thích hợp.
Sự phong phú của tập thể sư phạm được tạo nên từ sự phong phú của GV - Nền móng xây dựng nên nhà trường và tất cả những gì đang làm trong nhà trường. Đó là những tri thức nhiều mặt, cuộc sống trí tuệ phong phú, nhãn quan rộng rãi, sự trưởng thành thường xuyên về mặt tinh thần của mỗi GV. Sau khi tốt nghiệp về trường giảng dạy từ 3- 5 năm, GV phải biết nhiều hơn ba lần, năm lần, mười lần so với những cái đã biết trong năm công tác đầu tiên. Nếu chỉ thuộc lòng bài giảng, họ sẽ chỉ là "thợ dạy". Bởi bài giảng của họ thiếu "lửa", thiếu sức sống, không thổi hồn vào HS, tiết học trở thành thời gian hành hạ học trò. Sự trưởng thành về trí tuệ, thường xuyên đổi mới, tự học, tự rèn để ngày càng hoàn thiện vốn hiểu biết của mình đó chính là vấn đề sống còn đối với GV, đặc biệt đối với những người đã công tác trong nhà trường nhiều năm. Nguy cơ nguội lạnh về mặt tâm hồn đang đe dọa GV, nhất là đối với người trẻ. Ngăn chặn nguy cơ đó là nhiệm vụ và trách nhiệm trực tiếp của hiệu trưởng và tập thể sư phạm.
Để mỗi GV là ngọn nến
Để ngăn chặn nguy cơ nguội lạnh về tâm hồn, nhiệt huyết thì hiệu trưởng phải là người truyền lửa cho đội ngũ của mình bằng nhiều biện pháp. Trong đó có việc tổ chức hoạt động khoa học cho GV, khơi dậy phong trào tự học, tự bồi dưỡng. Phải làm cho GV hứng thú đọc sách, bởi sách là nguồn tri thức của nhân loại. Qua đó, GV sẽ nâng cao sức sống nội tâm, tâm hồn phong phú, tri thức khoa học bộ môn được mở rộng, phương pháp giảng dạy, kỹ năng giáo dục HS ngày càng thêm tinh thông.
Hiệu trưởng phải tạo động lực cho GV hiểu rằng: Một nhà giáo chân chính là một người yêu sách. Coi đọc sách là hoạt động thường xuyên của mỗi thầy cô giáo. Nếu nhà trường chưa có sách hay hoặc GV chưa đọc những cuốn sách cần thiết cho sự phát triển toàn diện của họ thì đó là thiếu sót lớn của hiệu trưởng. Vì vậy, hiệu trưởng phải luôn quan tâm xây dựng thư viện nhà trường và động viên GV xây dựng tủ sách gia đình. Đối với thư viện nhà trường ngoài sách giáo khoa, cần có những cuốn sách hay về bộ môn, tạp chí khoa học giáo dục, tạp chí chuyên ngành khác. Nơi có điều kiện, hiệu trưởng nên xây dựng thư viên điện tử.
Hiệu trưởng cần tổ chức xây dựng chương trình đọc, thảo luận, trao đổi sách hằng tháng ở các tổ chuyên môn và hội đồng sư phạm về những cuốn sách hay… Trong cuộc họp hội đồng hằng tháng, hiệu trưởng biểu dương các cá nhân, tập thể thực hiện tốt, cuối năm học tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho các quý thầy cô tổ chuyên môn thực hiện tốt phong trào này.
Hiệu trưởng tổ chức cho GV trình bày bài nghiên cứu, sưu tầm có liên quan đến bộ môn đang giảng dạy cho đồng nghiệp nghe. Bởi việc thường xuyên tìm hiểu những kiến thức mới có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển toàn diện và sự đào sâu thường xuyên vốn hiểu biết. GV càng hiểu biết nhiều thì quá trình truyền tải kiến thức cho HS sẽ dễ hơn và HS càng dễ lĩnh hội tri thức mới.
Hiệu trưởng tổ chức cho GV nghiên cứu khoa học và thực nghiệm khoa học ngay trên các bộ môn của mình. Bởi kỹ năng nghiên cứu của thầy giáo chính là tia lửa làm bừng sáng trái tim yêu khoa học của HS. Nếu GV chỉ giới hạn ở sách giáo khoa mà không chỉ ra cho HS thấy vẫn còn nhiều vấn đề chưa được khám phá thì khó có chất lượng cao trong dạy học và giáo dục. Muốn làm được tất cả điều đó, GV cần phải biết nhiều rất nhiều so với nội dung chương trình sách giáo khoa. HS dễ nảy ra nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc thông minh hơn, khó hơn, thú vị hơn. Chính những câu hỏi của HS sẽ kích thích GV suy nghĩ, đọc sách, tài liệu nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm phải được GV viết thành báo cáo khoa học để trình bày trước tổ chuyên môn, trước hội đồng sư phạm.
Hiệu trưởng phải có kế hoạch luân phiên cho GV đi bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn và trình độ nghiệp vụ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc bồi dưỡng GV tại chỗ và quá trình tự bồi dưỡng của mỗi thầy cô giáo với phương châm "năng nhặt chặt bị", "kiến tha lâu thì đầy tổ". Tin rằng, chỉ sau một số năm thực hiện những điều trên, chất lượng đội ngũ sẽ được nâng cao và sẽ có nhiều người trở thành GV giỏi như chúng ta mong đợi.