Giáo viên đi học… hè

GD&TĐ - Bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 được triển khai chung cho tất cả nhà giáo các bậc học.

Cán bộ, giáo viên mầm non tỉnh Tiền Giang tham gia bồi dưỡng chuyên môn năm 2024. Ảnh: X. Uyên
Cán bộ, giáo viên mầm non tỉnh Tiền Giang tham gia bồi dưỡng chuyên môn năm 2024. Ảnh: X. Uyên

Nhiều trường đã chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng chuyên môn dựa trên thực tế dạy học của đơn vị.

Ưu tiên giáo viên dạy môn tích hợp

Với môn Lịch sử và Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức dạy học theo hai phương án. Đối với khối lớp 6 và 7, môn Khoa học tự nhiên vẫn duy trì phương án một giáo viên đảm nhận dạy cả 3 phân môn. Riêng lớp 8 và 9, nhà trường tổ chức dạy học theo hình thức tuyến tính.

Giáo viên sẽ đảm nhận dạy các phân môn theo chuyên môn được đào tạo. Những chủ đề mang tính tích hợp thì nội dung kiến thức môn học nào nhiều hơn, sẽ do giáo viên môn đó đảm nhận.

Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: “Ngoài bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch chung của Phòng GD&ĐT Hải Châu, nhà trường chủ động xây dựng một số chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng thực tế yêu cầu dạy học.

Trong đó có nội dung hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên được đào tạo đơn môn đảm bảo dạy học 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở khối lớp 6, 7. Giáo viên trong tổ cũng tập trung thảo luận những tình huống dạy học, kiểm tra đánh giá từ thực tế năm học vừa qua, đề xuất giải pháp tháo gỡ để có thể áp dụng trong năm học mới”.

Một trong những nhiệm vụ trong tâm của ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang là khẩn trương bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới; đặc biệt giáo viên dạy môn tích hợp. Trước tình hình thiếu giáo viên và thực hiện Chương trình GDPT mới ở lớp cuối cấp, Sở GD&ĐT Tiền Giang kết hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM đào tạo, bồi dưỡng 900 giáo viên dạy môn học này.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Tiền Giang, thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT kết hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cấp THCS và môn Tin học - Công nghệ cấp tiểu học. Theo đó, giáo viên được bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Với hình thức trực tuyến, học viên tự bồi dưỡng trên hệ thống học tập của Trường ĐH Sư phạm TPHCM trước, trong và sau khi tham gia bồi dưỡng trực tiếp các học phần trong chương trình. Học viên bồi dưỡng trực tiếp với sự hướng dẫn của giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Theo kế hoạch, có 356 giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử và Địa lý; 744 giáo viên bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên; 90 giáo viên tiểu học bồi dưỡng môn Tin học - Công nghệ.

Giáo viên tham gia các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn do Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: TG

Giáo viên tham gia các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn do Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) tổ chức. Ảnh: TG

Chủ động tự bồi dưỡng

Cô Nguyễn Thị Vy - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) đảm nhận phụ đạo miễn phí cho học sinh lớp 3 trong hè 2024. Cô Vy là giáo viên hợp đồng của nhà trường, được đào tạo để dạy môn Thể dục. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên cô Vy được phân công làm công tác chủ nhiệm và dạy các môn văn hóa của lớp 3.

Dạy trái ngành nên cô Vy được nhà trường bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng sư phạm qua dự giờ, thăm lớp nhưng đồng thời phải tự học nghiệp vụ. “Dạy phụ đạo hè cho học sinh cũng là cách để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm.

Dù dạy hè nhưng các giáo viên phải soạn giảng, xây dựng chi tiết kế hoạch lên lớp, có dự giờ thăm lớp…”, cô Vy cho biết. Từ đây, giáo viên sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm để dạy - học theo hướng phân hóa, bám sát mức độ tiếp nhận học sinh, đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

Với giáo viên hợp đồng như cô Vy, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Nam vẫn trả lương trong thời gian nghỉ hè. Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trả lương giáo viên hợp đồng trong 3 tháng hè là cách để giữ chân đội ngũ trong điều kiện khan hiếm nguồn tuyển. Đồng thời, nhà trường tranh thủ dịp hè để bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy – học cho những giáo viên trái ngành nhằm nâng cao chất lượng dạy học”.

Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên các cấp theo mô-đun của Chương trình GDPT 2018. Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho biết: “Giáo viên đã tham gia bồi dưỡng được 9 mô-đun để thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, chúng tôi nhận thấy cần hệ thống lại.

Vì trước đây, khi bồi dưỡng, giáo viên vừa tiếp nhận lý thuyết vừa áp dụng vào thực tiễn dạy học. Các thầy cô sẽ chia sẻ những gì đã áp dụng được, còn vướng mắc, kể cả những sáng tạo trong quá trình dạy học cũng cần được phổ biến để các nhà trường có thể học hỏi, áp dụng”.

Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sẽ tập huấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên đề Văn hóa công sở. Ngoài ra, với hội đồng sư phạm, sẽ có thêm chuyên đề Công tác giáo viên chủ nhiệm, trong đó nhấn mạnh đến nội dung giao tiếp với phụ huynh.

Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hồ Ngọc Hưng: “Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Chúng tôi hy vọng, với chuyên đề này, thầy cô nắm được các kỹ năng cần thiết để quản lý mối quan hệ với cha mẹ học sinh, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục liên quan đến công tác chủ nhiệm phù hợp với thực tiễn. Khóa học cũng nhằm bổ trợ thêm kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, hành vi, thái độ lời nói để trở thành giáo viên chuẩn mực”.

Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Ảnh: NTCC

Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Ảnh: NTCC

Chạy đà thay sách giáo khoa

Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên đặc biệt là chương trình lớp 5. Theo đó, trong tháng 7 nhà trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.

Theo cô Hiệu trưởng Đinh Thị Thảo, nhà trường xây dựng các chuyên đề từ lớp 1 đến lớp 4 để bồi dưỡng, lắng nghe giáo viên chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình giảng dạy, từ đó phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế còn tồn tại. Cùng đó, Trường Tiểu học Võ Trường Toản dự kiến mời các chuyên gia trực tiếp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên trong quá trình dạy học và giáo dục kỹ năng sống.

Từ ngày 3 đến 7/6, Sở GD&ĐT Ninh Bình tổ chức tập huấn thay sách giáo khoa lớp 5, Chương trình GDPT 2018 cho tất cả giáo viên dạy lớp 5 trên địa bàn tỉnh.

Trường Tiểu học Ninh Giang (huyện Hoa Lư) đã yêu cầu 100% giáo viên dạy lớp 5 tham gia tập huấn, lắng nghe chuyên gia trao đổi, chia sẻ. “Sau một tuần tham gia tập huấn do sở GD&ĐT tổ chức, Trường Tiểu học Ninh Giang tiến hành bồi dưỡng tại trường cho các thầy cô, từ đó có thể xây dựng kế hoạch giảng dạy hiệu quả”, cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Mỹ thông tin.

Năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn thành lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, triển khai dạy sách giáo khoa mới đối với lớp 5. Ngoài các chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT, Nghệ An cũng có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên. Dự kiến dịp hè năm nay, phòng chuyên môn của sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan bồi dưỡng cho hơn 2.000 giáo viên dạy lớp 5 Chương trình GDPT 2018.

Theo kế hoạch, công tác bồi dưỡng được chia thành 41 lớp, thời lượng 3 ngày/lớp (tương đương 24 tiết). Hình thức bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến với các nội dung hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 và phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch; hướng dẫn tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Đối với cấp THCS, theo kế hoạch sẽ tiếp tục bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới gồm 500 người dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Bên cạnh đó, bồi dưỡng cho 870 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS, THPT dạy Hoạt động trải nghiệm.

Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin: Trong nội dung kế hoạch bồi dưỡng năm 2024 của Sở GD&ĐT Nghệ An có điểm mới là bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên làm nhiệm vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông. Bởi học sinh phổ thông hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng lớn tới việc học tập và quyền của các em.

Trong khi đó, nhiều trường học lúng túng trong việc bố trí nhân sự, thiếu kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra với học trò. Chưa có giải pháp phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khi cần thiết; chưa đủ trình độ chuyên môn để tư vấn cho cha mẹ học sinh và phối hợp với các lực lượng liên quan để hỗ trợ, giúp đỡ người học.

Do đó, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý là cần thiết. Ngành Giáo dục Nghệ An dự kiến tổ chức 63 lớp bồi dưỡng với hơn 3.200 giáo viên tham gia, thời lượng là 3 ngày/lớp.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: Ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông. Tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy.

Đồng thời thực hiện lộ trình nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định. Chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT năm 2018…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ