(GD&TĐ) - Kỳ nghỉ hè, khi các em HS nghỉ học là lúc các thầy cô giáo, kể cả đội ngũ cán bộ quản lý đã tranh thủ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ hoặc của Sở GD&ĐT tổ chức. Thông qua các hình thức học tập này đã góp phần giúp cho chính đội ngũ GV củng cố kiến thức chuyên môn, biết cách vận dụng đổi mới phương pháp trong dạy học với các kỹ năng nghề nghiệp nhuần nhuyễn, đáp ứng đúng trọng tâm nhiệm vụ năm học mới.
Nâng cao trình độ, chuyên môn cho GV
Một lớp tập huấn giáo viên |
Việc bồi dưỡng, thường xuyên, liên tục cho đội ngũ GV thông qua các lớp tập huấn hè đã trở thành hoạt động không thể thiếu của ngành GD từ cơ sở đến cấp Bộ. Không thể phủ nhận rằng, chính từ lớp học này, tuy thời gian nhiều cũng chỉ vài tháng, hoặc vài tuần nhưng hiệu quả đem lại cho thầy cô khi trở lại thực hiện nhiệm vụ dạy học cho năm học mới.
Bởi dẫu sao, không phải bất kỳ GV nào cũng có điều kiện tiếp cận dễ dàng các phương tiện dạy học hiện đại, hoặc tham gia các lớp học nâng cao trình độ trong thời gian đi dạy. Nhất là thầy cô vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh đi lại khó khăn, chỉ có dịp nghỉ hè mới có điều kiện dời xa trường lớp, “bồi bổ” thêm kiến thức cơ bản, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học vào giảng dạy cho HS, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Khoa - Điện Biên, cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Đặc biệt, trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam trong thời gian tới, việc bồi dưỡng GV về đổi mới phương pháp dạy học đang được quan tâm đặc biệt. Mục tiêu cấp bách mà ngành GD&ĐT đặt ra là đội ngũ GV phải đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng, đảm bảo cho việc thay đổi nội dung, chương trình, nhất là thay sách giáo khoa sau năm 2015.
Chính vì thế, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn hè cho GV bao giờ cũng được ngành, các Sở GD&ĐT quan tâm đặc biệt, có sự chuẩn bị chu đáo từ trong năm học cũ. Các chủ đề bồi dưỡng, tập huấn cho GV cũng rất thiết thực, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu người học, người dạy trong bối cảnh hiện nay như: Bồi dưỡng việc đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả giờ học qua tích cực sử dụng thiết bị dạy học, bồi dưỡng GV đổi mới ứng dụng CNTT và truyền thông; bồi dưỡng đổi mới phương pháp từ cải tiến phương thức đánh giá HS; bồi dưỡng GV qua nâng cao hiệu suất giờ giảng từ việc trình bày bảng, tập huấn cho CB, GV thư viện, cán bộ quản lý, tập huấn GV bộ môn Toán...
Thầy cô giáo quyết định chất lượng GD vì lẽ nhiều chuyên gia đầu ngành khẳng định không có thầy giỏi thì sẽ không có trò giỏi. Do đó, việc bồi dưỡng cho đội ngũ GV, CB đương nhiệm không thể thiếu trong hoạt động của ngành GD. Chỉ tính ở hai Đề án lớn đó là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi thôi đã thấy rõ vai trò bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tập huấn cho GV quan trọng như thế nào.
Với khoảng 98% đội ngũ GV tiếng Anh chưa đạt chuẩn, chủ yếu là dưới chuẩn và cận chuẩn nếu không được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tự học chắc chắn sẽ không đáp ứng yêu cầu của Đề án đặt ra. Hoặc GV mầm non, không đi tập huấn sẽ khó có được phương pháp dạy học hiệu quả trong khâu đổi mới dạy học như GD lấy trẻ làm trung tâm; Hướng dẫn thực hiện giáo dục phát triển tình cảm – xã hội cho trẻ mầm non...
Còn chút băn khoăn
Khi đề cập đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho GV tiếng Anh trong năm học vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cũng như một số đại diện trong vùng thi đua số 1 đều mong muốn, nếu tổ chức lớp thì nên tổ chức trong dịp GV nghỉ hè chứ khi năm học bắt đầu sẽ gây khó cho cơ sở. Bởi khi vào năm học GV hiện chỉ đáp ứng được nhu cầu dạy học cho HS các trường, nếu rút đi bồi dưỡng, HS phải nghỉ học.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay đã hỗ trợ rất nhiều cho quá trình dạy và học. Phương pháp dạy học truyền thống đã bị thay thế, chú trọng ứng dụng CNTT, nếu GV không biết áp dụng sẽ làm giảm đi giá trị cũng như hiệu quả nhiều tiết học, bài học, môn học. PGS.TS Nguyễn Lân Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Nếu chỉ bồi dưỡng GV theo kiểu truyền thống nghe - nhìn thôi sẽ là chưa đủ mà phải bồi dưỡng, giúp GV làm chủ CNTT, biết ứng dụng CNTT trong tiết dạy của mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, một số nơi, số lớp còn chưa coi trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn hè cho GV. Có khi chính học viên tham gia lớp muốn rút ngắn thời gian, bớt giờ, bớt tiết tập huấn. Hậu quả là khi trở về cơ sở, chính đội ngũ này không làm tròn vai trò nhân rộng điển hình. GV được cử đi bồi dưỡng cốt cán không có đủ trình độ chuyên môn truyền đạt lại cho GV không đi bồi dưỡng.
Hoàng LinhBồi dưỡng giúp GV nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, biết sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại, tiên tiến, lấy học trò làm trung tâm…vv để từ đó góp phần nâng cao chất lượng GD, đáp ứng nhu cầu xã hội.
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt
(Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)