Theo cô Nguyễn Thị Hương - giáo viên Trường THPT Cầm Bá Thước (Thanh Hóa), giáo viên chủ nhiệm thường là người đứng ra giải quyết mọi chuyện do học sinh gây ra, nhưng chỉ ở mức độ khuyên bảo, dạy kèm ngoài giờ cho học sinh quá yếu kém.
Đối với học sinh cá biệt về đạo đức thì răn đe, xử phạt, thậm chí còn hù dọa, nhưng hầu hết đều chỉ có hiệu quả tức thời thôi rồi đâu lại vào đó, học sinh vẫn trở lại như cũ vì giáo viên không hiểu được nguyên nhân sâu xa, xuất phát từ tâm lý của học sinh.
Cũng có giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh đến để thông báo về tình trạng của trẻ với mong muốn gia đình cùng kết hợp để giáo dục. Tuy nhiên, thực tế có phụ huynh tiếp thu, nhưng cũng có người bực tức, đánh con trước mặt giáo viên rồi dẫn con về cho... nghỉ học luôn vì cảm thấy xấu hổ.
Không phải tự nhiên trẻ trở thành "cá biệt”
Cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ: Lâu nay, chỉ thường nghe cụm từ “học sinh cá biệt” ám chỉ những đứa trẻ có vẻ khác thường, khó dạy, thậm chí hư hỏng. Trong trường, học sinh dạng cá biệt về đạo đức thường quậy phá, đánh lộn, trộm cắp, nổi bật vai trò thủ lĩnh, lập băng nhóm...
Nhẹ hơn một chút là học sinh không học bài, làm bài, chậm hiểu và rất mau quên...
Đa số chúng ta khi thấy hành động khác thường, không ngoan của học sinh thì cho là cá biệt và xử lý trên hành động do học sinh gây ra mà quên là cần phải tìm cho ra nguyên nhân.
Đôi khi sự cá biệt ấy lại do từ chính những người làm cha mẹ, cuộc sống vợ chồng không hoà thuận...
Cô Nguyễn Thị Hương khẳng định: Không phải tự nhiên mà trẻ trở thành "cá biệt", đó là hậu quả của các vết thương tâm lý mà vô tình người lớn gieo vào đầu óc non nớt của trẻ lúc sống trong môi trường gia đình cũng như ở trường học. Bên cạnh đó, cũng có thể do gia đình khó khăn, một số học sinh bị bệnh. Và điều đáng lưu tâm là một số học sinh ham chơi, học kém, chán học, bỏ học...
Giáo viên chủ nhiệm như người chỉ huy luôn bám sát trận địa
Giải pháp đối với những học sinh cá biệt, cô Nguyễn Thị Hương cho rằng, giáo viên chủ nhiệm phải như người chỉ huy luôn bám sát trận địa của mình.
Hơn nữa ngoài trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm, các thầy các cô cần gắn bó với các em bằng tình cảm, bằng tình thương yêu.
Do đó, về giải pháp, trước hết vẫn phải là tình cảm yêu thương học sinh thực sự, cố gắng giúp các em vượt qua những biến cố, vấn đề xảy trong quá trình sống, trở thành vết thương tâm lý. Thuyết phục học sinh bằng lời lẽ có lý, có tình, bằng tình cảm và phép tắc, khen, chê đúng lúc; tìm cách tác động lên nhận thức và tình cảm của học sinh thông qua trò chuyện, nêu gương tốt, thưởng việc tốt.
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần có nề nếp kỷ cương để học sinh tự nhận thức, tự khép mình trong những nội quy, quy chế chặt chẽ nhưng luôn được dân chủ bàn bạc, trao đổi, thỏa sức đóng góp.
Bên cạnh đó, tuân theo tập thể và cống hiến cho tập thể; luôn gắn lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, chính là một trong những chuẩn mực, điều kiện để giáo dục học sinh.
Giáo viên cần tạo không khí thực sự dân chủ, thầy và trò cùng thảo luận, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ, nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò.
Một giải pháp cũng rất hiệu quả là đưa những học sinh đó tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi, thăm quan du lịch… qua đó hiểu thêm học sinh, gắn bó các em với tập thể.
Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm không nên chỉ mời cha mẹ học sinh khi thấy cần thiết hay xảy ra sự cố trong trường học, lớp học mà nên xem việc gặp gỡ, trao đổi này là chuyện bình thường. Từ sợi dây gắn kết đó, giáo viên sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức vận động gia đình, sau đó là các đoàn thể xã hội cùng phối hợp, thống nhất nội dung, mục đích, biện pháp giáo dục học sinh...
Tận dụng hiệu quả các tiết sinh hoạt chủ nhiệm
Theo qui định, tiết chủ nhiệm chỉ dành khoảng 15 phút để giáo viên tổng kết tình hình học tập, vệ sinh, chuyên cần... của lớp; 30 phút còn lại tổ chức cho học sinh sinh hoạt... Mỗi tiết sinh hoạt chủ nhiệm đều phải có biên bản.
Cô Nguyễn Thị Hương cho biết, giờ sinh hoạt của lớp mình phụ trách thường bắt đầu bằng tóm tắt kết quả học tập và rèn luyện cả lớp trong tuần của ban cán sự lớp. Thông qua sổ đầu bài, sổ cờ đỏ của đoàn trường, các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm nhận xét, đánh giá từng học sinh; nhắc nhở, động viên tinh thần các em cố gắng hơn.
Riêng với học sinh lớp cuối cấp, việc học như thế nào, học khối gì là rất quan trọng, quyết định ngành nghề tương lai từng học sinh, nên giáo viên chủ nhiệm phải thật sự gắn bó, quan tâm tới lớp. Từ kết quả học tập, năng khiếu, tính cách của mỗi học sinh, giáo viên chủ nhiệm góp với từng em về việc chọn nghề phù hợp.
Cô Hương chia sẻ: Tôi luôn dạy các em cách học làm người, cách sống, cách ứng xử với mọi người xung quanh. Có những hôm tôi không nói gì cả mà chỉ kể cho các em nghe một câu chuyện trong sách, báo, unternet mình sưu tầm được để các em tự rút ra bài học cho mình.