Thay đổi hẳn tư duy ‘học gì, thi nấy”
Trao đổi trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu đã có những chia sẻ về việc triển khai Chương trình GDPT2018.
20 năm dạy môn Ngữ văn, cô Tô Lan Hương đánh giá Chương trình GDPT 2018 là một sự ‘lột xác’ - ‘lột xác’ tư duy của từng môn học - theo cách nói của Nguyễn Tuân là “xưa nay chưa từng có”. Chương trình làm thay đổi hẳn lối học vẹt, tư duy học gì thi nấy, cô dạy “Truyện Kiều” thì thi “Truyện Kiều”, cô dạy “Người lái đò sông Đà” thì thi “Người lái đò sông Đà”. Khi ra các trung tâm ôn thi cũng vậy, ôn theo đề hay theo bài thôi để đi thi. Điều này thành lối mòn với thầy cô.
Ở Chương trình 2018, cô Tô Lan Hương cho rằng, môn Ngữ Văn có thay đổi rất lớn, đó là “dạy cách” chứ không "dạy cái", với 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây.
“Trước đây chỉ chú ý vào những bài đọc hiểu, sau đó thi thi, kiểm tra, phân tích mấy dạng đề có sẵn. Thầy trò cứ kỳ cạch học như thế từ lớp 6 đến lớp 12 và cứ chăm chú viết bài đó ra như thế nào. Còn bây giờ, học sinh được học và phát triển 4 kỹ năng nghe - nói - đọc viết. Đó là điều rất mới và đó là điều chúng tôi rất phấn khởi”, cô Tô Lan Hương chia sẻ.
Nhưng mới thì cũng khó. Thẳng thắn chia sẻ điều này, cô Tô Lan Hương cho biết: Đầu tiên thầy cô có hoang mang, bản thân phụ huynh cũng thấy hoang mang - điều này thể hiện rất rõ khi đánh giá kiểm tra đối với lớp 10 năm nay. Trường Nguyễn Siêu trước đây đã triển khai chương trình VNEN nên dù sao sự tiếp cận với học môn Ngữ Văn ở lớp 10 có thuận lợi hơn, nhưng các trường công lập chắc sẽ khó khăn.
Làm rõ nhận định này, theo cô Tô Lan Hương đưa ví dụ: Trước đây, học sinh được học 5 tác phẩm, giáo viên ôn tập theo 5 tác phẩm ấy. Khi kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, thi cũng 5 tác phẩm đó - rõ ràng kết quả trả ra sẽ khác.
Bây giờ giáo viên sẽ dạy cho học sinh cách đọc, cách nghe, cách nói, cách viết và khi đánh giá, ngữ liệu không trong sách giáo khoa. Như vậy, ngữ liệu giáo viên dạy chỉ như một tham khảo, làm sáng tỏ cho kỹ năng đọc thể loại thôi, còn học sinh sẽ phải “chiến đấu” với một tác phẩm mới tinh. Vì thế, học sinh thấy khó và hoang mang ở lớp 10, nhưng sang lớp 11 sẽ không còn sự hoang mang đó nữa. Đó là sự thay đổi rất lớn. Đương nhiên điểm số của học sinh sẽ không ở mức an toàn nhiều như năm trước (học sinh học Chương trình GDPT 2016).
‘Cái khó của giáo viên khi triển khai chương trình 2018 là tổ chức phương pháp. Đối với các môn khoa học tự nhiên còn có thực hành hỗ trợ, còn môn Văn để tổ chức các hoạt động cho học sinh, làm thế nào cho mới, cho cuốn hút là không dễ… Tôi đã học thầy Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - PV) với triết lý “dạy học thật như cuộc sống”, không màu mè, bày vẽ gì cả. Tôi muốn văn chương cũng dạy như thế, gần gũi như thế’, cô Tô Lan Hương bày tỏ.
Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên Trường Nguyễn Siêu chia sẻ trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với Trường Nguyễn Siêu. Ảnh: Thế Đại. |
Giáo viên cần đầu tư nhiều hơn
Chia sẻ về việc soạn giáo án, cô Tô Lan Hương cho biết, yêu cầu mới đòi hỏi thời gian đầu tư nhiều hơn. Cách làm của trường Nguyễn Siêu là huy động trí tuệ tập thể. Các thầy cô trong tổ bộ môn sẽ cùng soạn chung để làm tài nguyên cho tổ. Trên nền đó khi vào dạy sẽ “vỡ ra” để phù hợp với từng đối tượng học sinh mà giáo viên đang dạy ở từng lớp. Việc sinh hoạt chuyên môn sẽ hỗ trợ được cho giáo viên trong tháo gỡ khó khăn khi tổ chức các hoạt động dạy học với học sinh.
“Về việc xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chuyên môn đã giao đều cho tất cả giáo viên cùng làm. Khối 10 xây dựng khối 10, khối 11 xây dựng khối 11… Khi xây dựng kế hoạch dạy học, chúng tôi cũng dựa trên gợi ý của Bộ GDĐT để chủ động thay đổi.
Tôi nói với các giáo viên trong tổ là mình có quyền được chọn sao cho phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, có thể cắt bớt. Ví dụ, 3 tác phẩm hay 5 tác phẩm trong sách có thế chọn lấy 2 tác phẩm để dạy kỹ các kỹ năng cho học sinh hơn là chạy theo dạy đủ 5 tác phẩm. Chúng tôi đã mạnh dạn làm như thế, thay đổi kế hoạch dạy học như thế và đã làm rồi.
Còn về kiểm tra, đánh giá, mong muốn của tôi và của tất cả giáo viên là Bộ GD&ĐT sớm nhất có dự thảo hoặc định hướng về đánh giá đầu ra của môn học, như vậy giáo viên đứng lớp sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn về những cách mình đang làm”, cô Tô Lan Hương chia sẻ.
Cũng trao đổi về chuẩn bị giáo án, thầy Tuấn, giáo viên Vật lí - Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên Trường Nguyễn Siêu - nhận định: Giáo án chương trình mới ít chữ, ít trang hơn, nhưng giáo viên vất vả hơn. Chương trình mới có một đặc trưng là cần rất nhiều thực hành. Việc chuẩn bị của giáo viên phải nhiều hơn, không chỉ dừng ở những gì viết ra ở phiếu bài tập.
“Chương trình mới giao quyền chủ động cho giáo viên nhiều hơn. Tổ Vật lí và tổ Khoa học Tự nhiên xây dựng giáo án không phải bám theo sách nữa, mà các thành viên tổ phải họp thảo luận về từng nội dung. Tổ cũng giao cho từng giáo viên soạn khung kế hoạch dạy học, sau đó họp để từng giáo viên nêu quan điểm của mình, cuối cùng chọn phương án hợp lý nhất với tất cả giáo viên.
Có thể khẳng định chương trình mới là giao hoàn toàn quyền tự chủ cho giáo viên và trường Nguyễn Siêu đã làm rất tốt việc này. Để triển khai tốt chương trình cần phải cho giáo viên hiểu về chương trình trước. Hiện nay các cuộc tập huấn tập trung vào sách này sách kia nhưng chương trình nhiều giáo viên lại đang không hiểu.
Mong muốn sớm có định hướng về kỳ thi đánh giá ở các cấp để giáo viên khi dạy sẽ dễ dàng hơn nhiều, từ xây dựng lý thuyết đến triển khai các kế hoạch và sẽ đỡ khó khăn rất nhiều cho giáo viên”, thầy Tuấn cho hay.