Giáo viên dạy Lịch sử cả nước trao gửi yêu thương đến vùng lũ Quảng Bình

GD&TĐ - Những giảng viên, giáo viên học sinh yêu môn Lịch sử trong cả nước chung tay chia sẻ cùng thầy cô và học sinh sau mùa mưa lũ lịch sử với những món quà ý nghĩa, thiết thực trong những ngày Tết Nguyên đán cận kề…

PGS TS Trịnh Đình Tùng, giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐHSP I Hà Nội
trao quà cho các em trường THCS số 2 Hưng Trạch (Bố Trạch).
PGS TS Trịnh Đình Tùng, giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐHSP I Hà Nội trao quà cho các em trường THCS số 2 Hưng Trạch (Bố Trạch).

Nơi mùa lũ đi qua

Trận đại hồng thuỷ lịch sử năm 2020 đã nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà, làm cho hàng trăm ngàn người ở Quảng Bình phải sống giữa mênh mông nước trong nhiều ngày liên tiếp. Bão lũ đã để lại hậu quả rất lớn cho người dân, nhiều nhà bị sập, đồ đạc hư hỏng, gia súc gia cầm chết la liệt, tổn thất kinh tế vô cùng to lớn. Nhiều người phải bắt đầu lại cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng.

Năm 2020 đã qua với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do đại dịch Covid 19 và bão lũ tại miền Trung. Với mong muốn góp phần khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra đối với đồng bào miền Trung nói chung, học sinh nói riêng, Cộng đồng giáo viên Lịch sử trong toàn quốc đã quyên góp ủng hộ các em bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng cùng những phần quà ý nghĩa cho học sinh vùng lũ của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Trở lại Hưng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) những ngày cuối tháng 1 năm 2020, chúng tôi vẫn nhận thấy dấu tích của đợt lũ lịch sử đó. Dù các trường học đã được dọn sạch, hoạt động dạy và học trở lại bình thường nhưng những vết bùn vẫn còn in hằn vàng ố trên các bức tường cho thấy mức nước lũ dâng cao như thế nào ở cơn lũ lịch sử.

Thầy giáo Trần Đình Nam, Hiệu trưởng Trường THCS số 2 Hưng Trạch chia sẻ: Dù khi nước bắt đầu lên, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã không ngại mưa gió để di chuyển đồ đạc, tài liệu, thiết bị… lên cao nhưng do nhà trường ở vị trí thấp, lại gần với triền sông Son nên trong trận lũ lịch sử vừa qua, nước ngập quá cao đã làm hư hại rất lớn đến cơ sở vật chất của nhà trường. Bàn ghế, máy móc, thiết bị của trường, tài sản trong khu nội trú của giáo viên đều bị hư hỏng nặng.

Hình ảnh Trường THCS số 2 Hưng Trạch chìm ngập trong nước lũ.
Hình ảnh Trường THCS số 2 Hưng Trạch chìm ngập trong nước lũ.

Mặc dù chúng tôi đã sống chung với lũ rất nhiều mùa nhưng hình ảnh thầy cô lội bì bõm giữa mưa nặng hạt khi nước đang lên để di chuyển đồ đạc cho học sinh, trở về bằng thuyền hay “cố thủ” trên tầng 2 của nhà trường để chờ thuyền ứng cứu… chắc chắn không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của chúng tôi.

Vất vả là thế, sau lũ với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, các thầy cô giáo phải vật lộn với dòng nước bạc để làm vệ sinh phòng học cho sạch sẽ. Nước lũ rút để lại những phòng học ngổn ngang bùn non, có nơi bùn ngập hơn nửa mét nên công tác khắc phục, vệ sinh trường lớp sau lũ của nhà trường phải mất nhiều mồ hôi và công sức.

Giáo viên nhà trường cùng các đoàn thể mặt trận và người dân chung tay dọn dẹp bùn đất khi nước lũ rút đi.
Giáo viên nhà trường cùng các đoàn thể mặt trận và người dân chung tay dọn dẹp bùn đất khi nước lũ rút đi.

"Ngoài khắc phục hậu quả ở trường, giáo viên còn phải tìm mọi cách để hỗ trợ học sinh đến trường sớm nhất có thể do gia đình nhiều em cũng bị thiệt hại nặng nề, nhà cửa hư hỏng, tài sản trôi hết, nỗi lo về cuộc sống hiện rõ trong những đôi mắt con trẻ vốn ngây thơ. Có những lúc, giáo viên của trường chạy xe máy hàng chục km, trên những con đường đầy bùn non trơn trượt để đón nhận những quyển sách, quyển vở, quần áo, hay những gói mì tôm về cho học sinh của mình. Tình cảm đó đã làm cho nhiều người không cầm được nước mắt…" - thầy Nam tâm sự.

Mưa lũ qua đi, cuộc sống dần dần ổn định trở lại nhưng học sinh của trường THCS số 2 Hưng Trạch vẫn cần rất nhiều sự chia sẻ từ cộng đồng và những nhà hảo tâm vì xã Hưng Trạch là một trong những xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của huyện Bố Trạch, nhiều gia đình còn bữa đói, bữa no nên việc mua sắm lại áo quần, đồ dùng cho các em đến trường là rất khó.

Những phần quà ý nghĩa, thiết thực cho các em học sinh Trường TH số 4 Hưng Trạch khi Tết Nguyên đán cận kề.
Những phần quà ý nghĩa, thiết thực cho các em học sinh Trường TH số 4 Hưng Trạch khi Tết Nguyên đán cận kề.

Em Nguyễn Thị Hồng, học sinh lớp 9 tâm sự: “Gia đình em thuộc diện khó khăn nên gặp phải mưa lũ càng khó hơn nữa. Sau đợt lũ, áo quần, sách vở, và những dụng cụ học tập của em đều được các thầy cô giáo, các nhà hảo tâm giúp đỡ em mới có thể đến trường tiếp tục học tập”…

Trao gửi những yêu thương

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh, giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm I Hà Nội cùng đoàn thiện nguyện đã không khỏi xúc động trước những gì mà giáo viên và học sinh của Trường TH số 4 Hưng Trạch và Trường THCS số 2 Hưng Trạch phải gánh chịu trong đợt lũ lịch sử vừa qua. 

Tặng quà cho các em học sinh Trường THCS số 2 Hưng Trạch
Tặng quà cho các em học sinh Trường THCS số 2 Hưng Trạch

“Chúng tôi đi trên những con đường thấy làng quê còn nhiều vất vả, những căn nhà cũ kĩ, tạm bợ, sự khắc khổ in hằn trên gương mặt của những người dân, thật xót xa. Ước gì chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa để góp phần giúp đỡ các thầy cô và các em học sinh vùng lũ nơi đây vượt qua khó khăn”… Tiến sĩ Nguyễn Văn Ninh chia sẻ.

Trao gửi những phần quà đầy ý nghĩa từ tình cảm của các thầy cô đã và đang giảng dạy môn Lịch sử cùng những học sinh yêu môn Lịch sử trong cả nước, đoàn thiện nguyện “Hướng về miền Trung thân yêu” mong muốn các thầy cô tiếp tục vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình nơi vùng đất đầy gian khổ này. Mong muốn các em học sinh không nản chí, vượt qua khó khăn đến trường học lấy con chữ sau này giúp ích cho quê hương đất nước…

Đoàn thiện nguyện đã trao tặng ti vi và 11 triệu đồng cho quỹ khuyến học Trường THCS số 2 Hưng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình).
Đoàn thiện nguyện đã trao tặng ti vi và 11 triệu đồng cho quỹ khuyến học Trường THCS số 2 Hưng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình).

Ông Võ Hồng Quân, Phó phòng GD&ĐT huyện Bố Trạch đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tình cảm của các thầy cô giảng dạy môn Lịch sử trong cả nước và mong muốn các thầy cô tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ các em học sinh vùng khó khăn của xã Hưng Trạch nói riêng và những vùng khác ở Quảng Bình để các em có thêm động lực đến trường sau những mùa thiên tai bão lũ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.