Bìa sách |
Với 500 trang sách, cuốn Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn đã đề cập một cách có hệ thống và đủ mọi ngóc ngách của phương pháp dạy văn và học làm văn. Dạy cho thầy và học là để cho trò. Có nghĩa đây là một cuốn giáo trình cho cả người dạy lẫn người học. Nó là cả một quá trình tích lũy từ nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang của tác giả.
Cuốn sách gồm hai phần.
Phần 1: Những vấn đề chung về phương pháp dạy và học làm văn. Phần này là những kiến thức mang tính đại cương của bộ môn, nhằm khái quát về những khái niệm cơ bản của việc dạy và học môn làm văn ở trường trung học cơ sở. Trong đó tác giả đã chú trọng đến sự cần thiết và nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy và học môn văn; sau đó là đổi mới chương trình và sách giáo khoa ở môn ngữ văn nói chung và phân môn làm văn nói riêng.
Phần 2: Phân loại các phương pháp dạy và học làm văn. Phần này đã đi sâu vào các phương pháp từ truyền thống đến hiện đại, từ lý thuyết đến các kinh nghiệm, mẹo luật của người dạy và học môn làm văn. Trên tất cả những điều đó, tác giả đã đề xuất một phương pháp dạy và học làm văn theo định hướng của sự đổi mới. Theo tôi, đây quả là một hướng nghiên cứu và tiếp cận vấn đề rất khoa học của tác giả. Bởi cái gì cũng vậy, và lúc nào cũng vậy, một công trình khoa học phải được bắt đầu từ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Trên cơ sở đó tác giả công trình mới đề ra những luận thuyết của mình. Riêng ở chỗ này, cuốn sách của TS. Mai Thị Kiều Phượng đã thuyết phục được người đọc bởi những luận điểm, luận cứ và luận chứng được đưa ra một cách có hệ thống cả từ hai hướng tiếp cận là thực tiễn và lý luận.
Là một cuốn giáo trình bộ môn đồng thời là một công trình nghiên cứu khoa học, Giáo trìnhphương pháp dạy và học làm văn đã đem đến cho người dạy và học môn làm văn ở cấp THCS những kiến thứ mới mà bản thân tác giả đã rút ra được từ quá trình nghiên cứu và giảng dạy văn học của mình.
Đọc Giáo trình phương pháp dạy và học làm văn, tôi tâm đắc nhất với tác giả ở nội dung của Chương II trong Phần 2. Chương nói về các phương pháp đặc thù trong dạy và học làm văn. Ở chương này, ngoài phương pháp dạy và học bằng cách nêu vấn đề, vấn đáp mà theo tôi là đã được nhiều người nói đến; thì tác giả đã nêu thêm các phương pháp dạy và học mới như phương pháp hợp tác, phương pháp thông báo - giải thích, phương pháp sử dụng lời nói nghệ thuật. Ngoài ra còn có các phương pháp khác nữa như phương pháp giao tiếp, phương pháp ra đề. Rồi còn có cả phương pháp chấm và trả bài; phương pháp trò chơi, trực quan. Tất cả đã làm nên một tổng thể mới về phương pháp dạy và học làm văn.
Và đó chính là đóng góp lớn nhất trên cả hai ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Mai Thị Kiều Phượng từ cuốn giáo trình này. Vì thế mà có thể nói, với cuốn giáo trình này trên tay, những giáo viên văn học và học sinh sẽ có được một cuốn sách công cụ mang tính hướng dẫn rất thiết thực khi dạy và học môn làm văn ở trường THCS.
Theo sachhay