Giáo sư Harvard: Đừng trở thành người vừa kiêu căng vừa thiếu hiểu biết

Mỗi người cần luôn tìm cách vượt qua bản thân, lắng nghe sự khác biệt để tồn tại trong thời đại kỹ thuật số, GS Michael Puett (ĐH Harvard, Mỹ) chia sẻ.

Giáo sư Harvard: Đừng trở thành người vừa kiêu căng vừa thiếu hiểu biết

Năm 2008, Adam Mitchell trúng tuyển vào ĐH Harvard. Đặc biệt xuất sắc toán và khoa học, Mitchell cho rằng con đường của mình ở Harvard dường như đã được “lập trình” sẵn: Theo học kinh tế, làm thật tốt những gì mình giỏi, và dựa trên những tiêu chí đó, quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Mitchell nhớ lại đó là một lựa chọn hợp lý, tỉnh táo, ít rủi ro nhưng cũng đầy tính khuôn mẫu và do vậy, sẽ khó mà trông mong những giá trị đột biến sau này.

Thế nhưng, mọi hoạch định bỗng thay đổi khi Mitchell bước vào năm 2 rồi theo học lớp Các lý thuyết chính trị và đạo đức của Trung Hoa cổ điển của GS Michael Puett.

“Khoá học thay đổi cuộc đời”

Trả lời Zing.vn qua Skype, Mitchell nói: “GS Puett dạy chúng tôi cách không sống một cuộc đời thụ động: Mỗi người phải luôn tự nhắc nhở bản thân, rèn luyện cho mình cách vượt qua vùng an toàn để dấn thân, đối diện với thử thách mới”.

Chuyển hoá bản thân mỗi ngày, luôn lắng nghe sự khác biệt - đó là cách Mitchell và bạn bè được dạy để thích nghi và tồn tại trong bối cảnh thế giới đang không ngừng đổi thay.

Anh nói: “Nghe có vẻ trừu tượng và cao siêu, nhưng quá trình tự rèn luyện của bản thân chỉ cần bắt đầu bằng việc tự nhận thức rõ hơn những gì đang diễn xung quanh mình và thay đổi những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất: Cách chúng ta bước qua đường, chọn chỗ ngồi trong lớp học, hay cách chúng ta chào người quen, bạn bè”.

GS Harvard: Dung tro thanh nguoi vua kieu cang, vua thieu hieu biet hinh anh 3

Từ sinh viên chuyên ngành kinh tế, Mitchell hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử và ngôn ngữ Đông Á. Động lực cho ngã rẽ này chính là từ thôi thúc vượt qua bản thân và vùng an toàn của chính mình để dấn thân, đối diện những thử thách mới mà Mitchell đã lĩnh hội được từ khoá học và con người GS Puett.

Anh kết luận: “Tôi và những bạn cùng khoá luôn cảm nhận được một năng lượng tích cực, mới mẻ toát ra từ GS Puett. Ông khuyến khích tôi lao vào học ngôn ngữ hoàn toàn mới, học triết học Trung Hoa… để tiếp tục khám phá bản thân. Có thể nói không ngoa rằng khóa học của ông đã thay đổi cuộc đời tôi”.

Đó cũng là lời hứa của GS Puett với sinh viên mình về những gì khoá học có thể mang lại.

Sau hơn 10 năm được đưa vào vận hành, lớp Các lý thuyết chính trị và đạo đức của Trung Hoa cổ điển của GS Puett hiện đứng thứ ba trong số các lớp học nổi tiếng nhất tại ĐH Harvard (chỉ xếp sau Các nguyên lý kinh tế học và Nhập môn Khoa học Máy tính). Lượng sinh viên đăng ký trong một khoá có lúc vượt qua con số 700, ngồi kín giảng đường và tràn ra cả lối đi.

Lý giải cho sức hút có vẻ khác thường của một khoá học như thế trong môi trường Harvard, GS Puett nói với Zing.vn trong cuộc phỏng vấn riêng: “Tôi chỉ có một triết lý xuyên suốt: Thay vì lựa chọn cách chấp nhận bản thân, hãy chọn cách tu dưỡng, tự đào luyện và chuyển hoá mình.

Thay vì chấp nhận chính mình và cho rằng đó là những tính cách định hình nên mỗi con người, hãy luôn tìm cách vượt qua bản thân. Chuyển hoá bản thân mỗi ngày, luôn lắng nghe sự khác biệt không chỉ là cách để mỗi người trở thành một người trưởng thành vững vàng. Đó còn là cách tốt nhất để tạo ra một thế giới thịnh vượng”.

Những thay đổi lớn lao luôn được bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất, GS Puett khẳng định. Đó có thể chỉ là hành động thay đổi vị trí chỗ ngồi quen thuộc trong buổi họp công ty, giữ cửa cho người đi sau trong một toà nhà văn phòng, mỉm cười với người lạ trên xe buýt, hay mua món quà nhỏ về nhà sau giờ làm việc.

“Hãy thực hiện đều đặn những thay đổi này trong vòng từ một tới ba tuần thôi, bạn sẽ thấy ngay kết quả”, ông nói.

Tinh thần đó đã được GS Puett chuyển tải tới người nghe trong hai buổi nói chuyện ở ĐH Fulbright Việt Nam, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) vào giữa tháng 1/2019. Điều thú vị ông Puett nhận ra từ khán giả của mình là cho dù ở nền văn hoá nào - phương Tây hay Á Đông - những mối lo của họ về một thế giới đang đổi thay chóng mặt là không hề khác nhau.

“Chính vì vậy, cách mỗi người thay đổi chính mình để thích nghi, tránh bị thao túng trong thời đại công nghệ và vì một thế giới khoan dung hơn, bớt chia rẽ hơn, cũng sẽ hoàn toàn giống nhau”, GS Puett nói.

Kiêu căng và thiếu hiểu biết

Được nuôi dưỡng và lớn lên với mặc định rằng nước Mỹ luôn đúng tuyệt đối, thế hệ của GS Puett bước vào giai đoạn trưởng thành về nhận thức khi Chiến tranh lạnh kết thúc và nước Mỹ là bên thắng cuộc.

Ông Puett nhớ lại: “Vì lẽ đó, chúng tôi nghĩ rằng mình luôn đúng. Chúng tôi nghĩ mình đã đặt dấu hỏi về mọi thứ. Thế nhưng, chúng tôi chẳng hề hỏi đúng và trúng những vấn đề cần phải hỏi”.

Ông kết luận: “Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất của thế hệ chúng tôi chính là việc không biết đặt dấu hỏi cho những điều được cho là chân lý”.

Sau tất cả, yếu tố quan trọng nhất để sinh viên tìm đến môi trường giáo dục không phải vì cái tên danh giá như Harvard, GS Puett khẳng định.

“Điều cốt lõi mỗi người học cần kiếm tìm chính là môi trường đó có luôn khuyến khích, hỗ trợ tối đa bản thân mình luôn không ngừng vượt qua những mô thức, khuôn mẫu đã định sẵn từ rất lâu hay không”, ông nói.

Theo GS Puett, cái sai rõ ràng nhất của thế hệ ông chính là góc nhìn một chiều về cách thế giới và nền kinh tế vận hành. Theo đó, bản thân mỗi cá nhân cũng phải theo một mô thức, khuôn mẫu nhất định.

Do vậy, nhiều người không muốn lắng nghe, tìm hiểu những nền văn hoá khác, những ý thức hệ khác, và trên hết là phương thức khác để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tuý đang xuất hiện ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, ông Puett cảnh báo: “Nếu cứ tiếp tục chỉ tin những gì muốn tin khi thế giới đang đổi thay từng ngày, chúng ta sẽ tự biến mình thành những con người ngạo mạn, kiêu căng nhưng lại vô cùng thiếu hiểu biết. Sẽ cực kỳ nguy hiểm cho thế giới này nếu ngày càng nhiều con người ngạo mạn nhưng thiếu hiểu biết như thế”.

Vấn đề trên càng trở nên đáng quan tâm hơn trong ngữ cảnh Trung Quốc, vốn luôn sẵn sàng chi bạo tay để cho lứa trẻ ra nước ngoài du học nhằm tận dụng tối đa vốn tri thức phương Tây, nhất là từ nước Mỹ.

GS Harvard: Dung tro thanh nguoi vua kieu cang, vua thieu hieu biet hinh anh 4

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, lượng sinh viên của nước này hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất ở các điểm đến du học nổi tiếng trên thế giới, bao gồm Mỹ và Anh. Tỷ lệ sinh viên trở về nước sau khi học xong cũng gia tăng đáng kể: Đầu những năm 2000, cứ 10 sinh viên du học, chỉ một người quay lại. Con số mới nhất vào năm 2017 là 8/10 sinh viên.

Thế nhưng, ông Puett đặt vấn đề: “Hãy thử hình dung, điều gì sẽ xảy ra khi lứa trẻ này quay lại, với những tri thức tinh hoa lĩnh hội từ bên ngoài, lại phải đối mặt thực tế ở đất nước mình? Đó là đất nước quá tự tin phát triển trong hệ sinh thái của riêng mình, đặc biệt là cách kiểm soát Internet. Đó là đất nước không cần thích nghi để thay đổi, mà buộc phần còn lại của thế giới phải biến chuyển theo”.

Đừng để công nghệ "bắt bài"

Chiếc đồng hồ GS Puett đặt mua trên mạng luôn được ông trích dẫn như một ví dụ sống động về nguy cơ con người có thể bị thao túng dễ dàng trong thời đại công nghệ số.

Vài tuần trước khi GS Puett đặt mua, Google đã biết rõ ông muốn có một chiếc đồng hồ. Dựa trên thời gian ông lên mạng để tìm kiểu đồng hồ và giá phù hợp, Google đã tổng hợp và lưu lại hành vi này, vị GS kể lại.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.

“Google còn biết rõ vào 4 giờ chiều thứ tư, tôi xong giờ lên lớp và có thời gian rảnh. Đây cũng là lúc tôi có thể lên mạng mua hàng. Đúng thời điểm đó, khi tôi online, Google cho hiện ngay mẫu quảng cáo đồng hồ mình cần. Và đúng là tôi đã mua nó”, GS Puett kể.

Đó cũng chính là thông điệp xuyên suốt, cốt lõi của GS Puett: Trong tương lai một ngày không xa, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) sẽ định vị được tất cả thói quen, hành vi, sở thích của người dùng. Nếu mỗi người không biết cách thay đổi chính bản thân, vượt qua khỏi những khuôn mẫu, thói quen hàng ngày, việc bị công nghệ "bắt bài", thao túng là điều không thể tránh khỏi.

Ông nhận định: “Chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình có thể tự quyết cho những vấn đề liên quan bản thân. Thế nhưng, những gì chúng ta làm từ trước tới nay đều là thói quen theo một khuôn mẫu, mô thức đã được định hình từ rất lâu.

Vì theo khuôn mẫu định sẵn, hành vi trở nên rất dễ đoán với các công ty công nghệ lớn như Google. Từ đó, họ tận dụng tính dễ đoán này của mỗi người để bán hàng cho chúng ta mà thậm chí bản thân mỗi người còn không biết đã bị Google định vị, dự báo hành vi”.

Trong cuốn sách Siêu cường AI: Trung Quốc, Thung lung Silicon và Trật tự thế giới mới (tựa gốc: AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the New World Order), tác giả Kai-Fu Lee, chuyên gia hàng đầu thế giới về AI, chỉ rõ những tiện ích không thể chối cãi của công nghệ này đối với cuộc sống thường nhật của con người. Công nghệ này còn được dự báo sẽ đem lại những bước ngoặt rất quan trọng trong lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống con người, từ y tế, giáo dục cho đến ngân hàng, tư pháp.

Tuy nhiên, trong cuốn sách 21 bài học cho thế kỷ 21 (tựa gốc: 21 Lessons for the 21st Century), triết gia nổi tiếng người Israel Yuval Noah Harari đã đặt dấu hỏi lớn về việc con người sẽ bị AI thao túng như thế nào khi giao nộp quá nhiều dữ liệu cá nhân cho công nghệ.

GS Harvard: Dung tro thanh nguoi vua kieu cang, vua thieu hieu biet hinh anh 5

Ngoài mối nguy về thất nghiệp khi AI có thể thay thế con người, một viễn cảnh “đáng sợ” khác ông Harari chỉ ra chính là việc quá nhiều dữ liệu cá nhân tập trung vào tay chỉ một nhóm người. Đó là lúc mối nguy “độc tài kỹ thuật số” (digital dictatorship) sẽ thực sự đe doạ trật tự dân chủ của thế giới.

Khi đó, những tai tiếng như vụ công ty phân tích Cambridge Analytica thu thập thông tin của hàng chục triệu người dùng Facebook mà họ không hề hay biết chỉ là bước đầu của việc các ông lớn công nghệ thao túng hành vi người dùng, ông Harari cảnh báo trong cuốn sách của mình.

Lời cảnh báo này được GS Puett chia sẻ và đồng tình sâu sắc. Vì lẽ đó, ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất mỗi người cần ý thức việc phải thường xuyên điều chỉnh hành vi, thói quen để tránh bị công nghệ "bắt bài".

Theo GS Puett, mỗi người có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất: Thay đổi trang web truy cập mỗi ngày, cách đọc tin tức online - tránh vào cùng một trang tin ngày này qua ngày khác, hay cách tương tác trên mạng xã hội - tránh theo dõi, tương tác các diễn đàn có cùng một chủ đề…

Ông kết luận: “Cuối cùng thì con người vẫn phải làm chủ công nghệ, chứ không thể ngược lại. Chúng ta không nên và cũng không thể ngăn chặn sự phát triển của AI. Vì vậy, để tồn tại trong thời đại này, chúng ta cần phải thay đổi những thói quen đã ăn sâu mà có thể khiến mỗi người có thể bị công nghệ bắt bài và thao túng”.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ