Giao lưu văn hóa, giáo dục Việt – Nhật - Pháp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do vận mệnh lịch sử riêng, Việt Nam có quá trình tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa, giáo dục Nhật Bản và Pháp từ rất lâu đời.

Hội thảo khoa học quốc tế văn hoá, giáo dục lần thứ 3 - ICCE 2022: “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp - Việt - Nhật: Lịch sử và phát triển” tại TP Huế.
Hội thảo khoa học quốc tế văn hoá, giáo dục lần thứ 3 - ICCE 2022: “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp - Việt - Nhật: Lịch sử và phát triển” tại TP Huế.

Ngày 3/11, tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, TP Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế văn hoá, giáo dục lần thứ 3 - ICCE 2022: “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp - Việt - Nhật: Lịch sử và phát triển”.
Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Sư phạm Huế cùng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Viện Pháp tại Việt Nam, Đại Sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Aix Marseille, Pháp và Tổ chức The HEAD Foundation, Singapore. Hội thảo được tài trợ bởi Quỹ Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Vingroup và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế; Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, các quốc gia - dân tộc trên con đường hình thành, phát triển đều có nhu cầu thiết yếu về giao lưu, hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực văn hóa - giáo dục.

PGS.TS. Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế; Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế.

PGS.TS. Lê Anh Phương – Giám đốc Đại học Huế; Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế.

"Pháp - Việt Nam - Nhật Bản là 3 quốc gia ở 2 không gian văn hóa khác nhau. Trong đó, Pháp đại diện cho văn hóa phương Tây, Nhật Bản và Việt Nam thuộc về cơ tầng văn hóa phương Đông. Mặc dù giữa Đông và Tây luôn có khoảng cách và những điểm khác biệt về lịch sử, văn hóa và giáo dục nhưng do vận mệnh lịch sử riêng, Việt Nam đã có quá trình tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng và tiếp biến văn hóa Nhật Bản và Pháp từ rất lâu đời.

Với mục tiêu điểm lại những chặng đường đã qua, đánh giá lại những hiện tượng giao lưu, tiếp biến văn hóa, giáo dục đã định hình trong quá khứ, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tìm kiếm những cơ hội, triển vọng cho sự hợp tác về văn hóa, giáo dục trong tương lai… Hội thảo khoa học quốc tế văn hoá giáo dục lần thứ 3 - ICCE 2022: “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp - Việt - Nhật: Lịch sử và phát triển” được tổ chức với nhiều kì vọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu" - PGS.TS. Lê Anh Phương bày tỏ.

Các đại biểu từ Pháp và Nhật tham dự Hội thảo quốc tế tại TP Huế.

Các đại biểu từ Pháp và Nhật tham dự Hội thảo quốc tế tại TP Huế.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đánh giá lại một cách khái quát, chân thực về những thành tựu văn hóa, giáo dục Pháp - Việt - Nhật trong tiến trình lịch sử cũng như những triển vọng mới trong khung cảnh toàn cầu hóa hiện nay; rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào công cuộc đổi mới giáo dục và hợp tác văn hóa của 3 quốc gia Pháp - Việt - Nhật. Mặt khác, Hội thảo cũng là cơ hội thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới, tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học ba nước Việt Nam – Pháp – Nhật.

PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á - Đại học Aix Marseille, Pháp phát biểu.

PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á - Đại học Aix Marseille, Pháp phát biểu.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo khoa học của các tác giả, nhóm tác giả đến từ Pháp, Nhật Bản và Việt Nam. Trên cơ sở các báo cáo khoa học được các học giả, nhà nghiên cứu gửi đến Hội thảo, Ban tổ chức nhận thấy các nhà nghiên cứu tập trung vào 6 chủ điểm. Đó là các chủ điểm “Quan hệ giữa Văn học Việt Nam với Văn học Pháp”; “Văn học Việt Nam với Văn học Nhật Bản”; “Dấu ấn văn hóa Pháp - Việt Nam - Nhật trong lĩnh vực Ngôn ngữ - Truyền thông, nghệ thuật và du lịch ở Việt Nam”; “Giao lưu văn hóa Pháp - Việt Nam - Nhật Bản”; “Giao lưu văn hóa, giáo dục Pháp - Việt Nam”; “Giao lưu văn hóa, giáo dục Nhật Bản - Việt Nam”. Nội dung của các chủ điểm cũng chính là cơ sở để hình thành các phiên làm việc tại Hội thảo.

Phiên chính đã có phần trình bày của các diễn giả đến từ các tổ chức, đơn vị giáo dục uy tín của Việt Nam, Pháp và Nhật Bản như: GS. Muranushi Michimi từ Đại học Gakushuin; PGS. Frédéric Roustan từ Đại học Lyon; PGS. Junko Nimura từ Đại học Shirayur; PGS. Ikeda Reiko từ Đại học Tottori; PSG Nguyễn Phương Ngọc và PGS Brigitte Sabattini từ Đại học Aix-Marseille,… Cùng với phiên chính, hội thảo có 7 phiên với những chuyên đề hẹp khác nhau.

Nhiều diễn giả, nhà khoa học đến từ các tổ chức, đơn vị giáo dục uy tín của Việt Nam, Pháp và Nhật Bản trình bày phiên khai mạc và 7 phiên với 6 chủ điểm về giao lưu văn hóa, giáo dục 3 quốc gia.

Nhiều diễn giả, nhà khoa học đến từ các tổ chức, đơn vị giáo dục uy tín của Việt Nam, Pháp và Nhật Bản trình bày phiên khai mạc và 7 phiên với 6 chủ điểm về giao lưu văn hóa, giáo dục 3 quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.