65 năm Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế): Hành trình của “Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập”

GD&TĐ - Tròn 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã có những bước tiến vững chắc, trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm của quốc gia.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã và đang hiện thực hóa các giá trị: Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã và đang hiện thực hóa các giá trị: Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập

Trên hành trình hơn 6 thập kỷ, nhà trường đã hiện thực hóa các giá trị “Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập”. Để hiểu rõ hơn về chặng đường phát triển của nhà trường, PGS.TS Lê Anh Phương đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Những bước tiến vững chắc

- PV: Hơn 6 thập kỷ xây dựng và phát triển, chắc hẳn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có nhiều mốc son đang nhớ - thưa PGS?

- PGS.TS Lê Anh Phương: Ra đời trong quá trình hình thành và phát triển của hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học ở miền Nam Việt Nam sau năm 1954 (1957-2022); đến tháng 3/2022, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tròn 65 năm. Trên hành trình đó, nhà trường trải qua nhiều mốc son mang tính lịch sử.

PGS.TS. Lê Anh Phương
 PGS.TS. Lê Anh Phương

Giai đoạn 1957-1975, Trường Đại học Sư phạm thuộc Viện Đại học Huế - là trường đại học sư phạm duy nhất ở miền Trung, góp phần đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp  và giáo sư đệ nhị cấp (tức giáo viên THCS và THPT ngày nay). Trong điều kiện đất nước bị chia cắt, việc dạy học, nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy - trò đã nỗ lực hoàn thành chương trình đào tạo theo hướng tinh hoa, kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho giáo dục phổ thông ở miền Nam trên cơ sở cập nhật chương trình Âu - Mỹ. Trong giai đoạn này, thầy - trò Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã gắn hoạt động của Nhà trường với đời sống cộng đồng xã hội, trở thành một trong những trung tâm đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn của phong trào học sinh, sinh viên Huế.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (4/1975), nhà trường từng bước thay đổi cơ cấu tổ chức và hoạt động theo định hướng của một trường đại học Sư phạm xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục (giai đoạn 1977-1994). Trong khó khăn chung của đất nước thời hậu chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, thầy - trò Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) luôn đồng tâm, đoàn kết vượt mọi thử thách, dựng nhà trường trở thành một học hiệu sư phạm có tiếng ở Việt Nam.

Từ năm 1994 đến nay, Trường là một thành viên của Đại học Huế. Trong quá trình hiện thực hóa các giá trị Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập, Nhà trường đã phát triển toàn diện, với nhiều thành tựu nổi bật như: phát triển đội ngũ có trình độ cao; mở rộng quy mô, loại hình và chất lượng đào tạo; hợp tác vùng và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế ngày càng được đẩy mạnh; Đặc biệt, nhà trường đã tiên phong chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý và đào tạo hướng đến xây dựng đại học thông minh; cán bộ, giảng viên tham gia nhiều hơn vào việc hoạch định chính sách cho ngành Giáo dục, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các địa phương…

Trong tổng thể ấy, hệ giá trị được tạo dựng bởi biết bao thế hệ thầy - trò của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã lan tỏa ngày càng rộng khắp trong xã hội để đưa thương hiệu của nhà trường ngày càng bay xa và vươn tầm thế giới.

Với những thành tựu đáng tự hào, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đang tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng và phát triển, trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm của cả nước, đóng góp quan trọng đối với sự lớn mạnh của Đại học Huế trên hành trình phát triển thành Đại học Quốc gia.

Nơi tri thức trở thành giá trị

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tham gia bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên cốt cán 10 tỉnh duyên Hải miền Trung
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tham gia bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên cốt cán 10 tỉnh duyên Hải miền Trung

- PV: Vậy 65 năm qua, triết lý mà nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục hướng đến là gì?

- PGS.TS Lê Anh Phương: “Nơi tri thức trở thành giá trị” đã trở thành Slogan hành động phát triển Nhà trường. Chính những thành quả trên tiến trình 65 năm qua đã khẳng định triết lý đó của Nhà trường.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã đào tạo hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cao cho đất nước; trong số đó có nhiều người đã thành công trên các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, ngoài công tác trong ngành Giáo dục, nhiều cựu sinh viên của trường đã làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế; nhiều người giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan của Đảng, Nhà nước như: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh, Chủ tịch Thành phố, Giám đốc các Sở Ban ngành…

Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, nhà trường xác định tầm quan trọng và vai trò của giáo dục trong “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế” cũng như trách nhiệm của một trường đại học đào tạo giáo viên. Theo đó, chúng tôi liên tục đổi mới, xây dựng những chiến lược, chương trình hành động phù hợp với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục khu vực duyên hải Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội; trong đó có giáo dục. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, đi trước đón đầu, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) nhanh chóng chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến trên hệ thống E-learning. Đây là hệ thống dạy trực tuyến đầu tiên do chính cán bộ, giảng viên của nhà trường xây dựng từ năm 2018. Đặc biệt, nhà trường đã đồng hành với giáo viên cả nước trong dạy học trực tuyến thông qua chuỗi “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến”. Trường cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân bằng hình thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, bằng nhiều chủ trương và hình thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp, đội ngũ viên chức và người lao động của trường ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên 65%, tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học đạt gần 100%. Trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục năm 2018 và đạt chuẩn chất lượng 4 sao theo bộ chỉ số UPM.  Đặc biệt, Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) là đơn vị đầu tiên xây dựng Chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực người học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, nhà trường luôn quan tâm phát triển nghiên cứu khoa học. Theo đó, trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) thuộc tốp 1 trong các trường sư phạm về số bài báo quốc tế. Cụ thể: nếu như năm 2020 có 116 bài thì đến năm 2021 có 138 bài WOS, SCOPUS. Nhà trường hỗ trợ chuyển giao công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng Sâm cau tại tỉnh Thừa Thiên Huế” cho Công ty TNHH Một thành viên Nông lâm nghiệp Hương Cát.

Hợp tác quốc tế liên tục mở rộng khi Trung tâm INSA Val de Loire - Pháp mở chi nhánh chính thức tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế; ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế và thực hiện chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Aix Marseile - Pháp, ký kết biên bản ghi nhớ với Trường ĐH Jeju – Hàn Quốc; hỗ trợ phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Toán học cho ĐH Quốc gia Lào; phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội Singapore tổ chức chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh trong giảng dạy STEM.

Trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ thông tin, chúng tôi nhận thấy, đào tạo giáo viên không đơn thuần là phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mà cần phát triển theo định hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất người học, tạo ra giá trị “sản phẩm” đáp ứng thay đổi từ yêu cầu thực tiễn của xã hội. Trên tinh thần ấy, nhà trường xây dựng nhiều giải pháp phù hợp, với phương châm hành động “Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế - Nơi tri thức trở thành giá trị”. Đây cũng là triết lý mà nhà trường hướng đến và kiên định thực hiện.

Bắt nhịp cùng đổi mới giáo dục

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) luôn lấy uy tín, chất lượng lên hàng đầu
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) luôn lấy uy tín, chất lượng lên hàng đầu

- PV: Bước vào giai đoạn mới, PGS có thể cho biết, chiến lược phát triển của nhà trường là gì?

- PGS.TS Lê Anh Phương: Một trong những mục tiêu quan trọng mà chúng tôi đề ra đến 2025 là, phát huy mọi nguồn lực, chủ động đào tạo và tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, đưa nhà trường trở thành một trong ba trường sư phạm trọng điểm của quốc gia.

Để thực hiện hóa, nhà trường xác định tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên, đáp ứng các chuẩn giảng viên đại học sư phạm và đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, chúng tô tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các lĩnh vực công tác, nhằm hướng đến người học và viên chức lao động Nhà trường. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tăng cường quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu của nhà trường.

Nhà Trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; đổi mới quản trị đại học, chuẩn hóa chương trình và các hoạt động đào tạo đại học, sau đại học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế theo định hướng đại học nghiên cứu và ứng dụng. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tái cấu trúc ngành nghề đào tạo và đa dạng các hình thức, phương pháp giảng dạy. Xây dựng mô hình kết nối doanh nghiệp và nhà trường trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tìm kiếm, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ký biên bản thành lập Cơ sở INSA Centre Val de Loire tại Trường ĐH Sư phạm (Đại học Huế).
Ký biên bản thành lập Cơ sở INSA Centre Val de Loire tại Trường ĐH Sư phạm (Đại học Huế).

- PV: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được triển khai vào thực tiễn. Vậu Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) sẽ bắt nhịp như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới lần này – thưa PGS?

- PGS.TS Lê Anh Phương: Trước sự phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học trên thế giới, khi giáo dục đại học truyền thống đang chuyển sang môi trường giáo dục số, đặt ra thách thức không nhỏ đối với các trường đại học trong nước nói chung và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) nói riêng. Chính những thách thức này đã thúc đẩy các nhà giáo dục của Trường phải vận động, phát triển và tìm hướng đi mới phù hợp nhất, hiệu quả nhất nhằm tiếp tục khẳng định thương hiệu của trường sư phạm trọng điểm, địa chỉ uy tín về đào tạo giáo viên trong cả nước và khu vực.

Mô hình đào tạo mới được ban hành ngày 31/7/2020 kèm theo quyết định số 576/QQĐ-ĐHSP một lần nữa khẳng định mục tiêu, chiến lược giáo dục, sứ mạng, tầm nhìn mà nhà trường đang hướng đến. Nhà trường luôn xác định: Giáo dục đại học là chìa khóa mở cửa vào tương lai, một mô hình giáo dục hiện đại, phát huy được tối đa khả năng học tập, năng lực nghề nghiệp và sáng tạo của người học là yếu tố then chốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, góp phần phát triển nền giáo dục quốc gia; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra cho các cấp học, bậc học.

Dựa trên quan điểm tiếp cận năng lực, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng mô hình đào tạo theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học với quan điểm kết hợp nối tiếp và song song, giúp người học có đủ kiến thức nền tảng, phát triển phẩm chất và năng lực nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.

Theo đó, mô hình đào tạo mới là căn cứ định hướng phát triển các chương trình đào tạo (CTĐT) dưới dạng mô-đun và được tổ chức theo học chế tín chỉ, cho phép người học tự tổ chức kế hoạch học tập cho riêng mình tuỳ thuộc vào điều kiện của bản thân, miễn sao người học tích luỹ đủ số tín chỉ cần thiết cho một văn bằng; coi trọng gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành trong trường đại học sư phạm với thực hành nghề nghiệp trong môi trường thực tiễn của các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non và các doanh nghiệp; đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.

Đặc biệt, mô hình đào tạo mới được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 mở ra cơ hội cùng nhiều “cánh cửa” mới cho người học, bởi người học có thể học song ngành để cấp bằng đại học thứ hai, hoặc sau một giai đoạn học tập có thể chuyển sang ngành học cùng khối ngành nếu đáp ứng điều kiện của khối ngành đó; liên thông dọc giữa bậc đại học và sau đại học (cho phép người học rút ngắn được thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ). Đây cũng là điểm mới mà các mô hình đào tạo trước đó chưa đáp ứng được.

Đào tạo theo chương trình mới, người học được phát triển phẩm chất năng lực về giao tiếp và hợp tác, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự học và thích ứng với sự thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp, khởi nghiệp và tạo việc làm cho mình và người khác… Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề nghiệp tương lai. Chuẩn bị hành trang vững chắc nhất cho người học sau khi tốt nghiệp.

Xin cảm ơn PGS.TS!

“Chúng tôi tự hào, những thành tựu mà nhà trường đạt được đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Đại học Huế trên mọi phương diện hoạt động; tiếp tục khẳng định uy tín, chất lượng đối với người học và toàn xã hội” - PGS.TS. Lê Anh Phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.