Chương trình có các khách mời:
- TS Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT)
- Bác sĩ Nguyễn Nam Hà, Trưởng đơn vị Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ-Phòng Khám đa khoa (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch).
- Nhà giáo Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4, TP.HCM.
Trước những diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản gửi tới các Sở GD-ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn trường học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.
Bộ GD-ĐT lưu ý các Sở, các trường tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong trường học. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết. Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Các đơn vị cần đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học như: thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng... và các phương án bảo đảm sức khỏe cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên trong trường học. Duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; rà soát, bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
Tại TP.HCM, nhiều trường học đã cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ để phòng dịch và chuyển qua dạy học trực tuyến. Đồng thời các trường nhanh chóng kích hoạt chế độ phòng dịch ở mức cao nhấtđể đảm bảo an toàn cho người học, giáo viên, giảng viên, nhân viên của nhà trường.
Vấn đề trường học ứng phòng, chống dịch Covid-19 sao cho kịp thời, hiệu quả… sẽ được các chuyên gia, khách mời giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời tại đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook: www.fb.com/giaoducthoidai.
TS Nguyễn Anh Tuấn
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT)
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4, TP.HCM
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Trưởng đơn vị Truyền thông Giáo dục Sức khoẻ-Phòng Khám đa khoa (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Trong mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường nói chung cũng như công tác triển khai hiệu quả các biện pháp phòng dịch Covid-19 rất cần sự phối hợp, đồng hành, quan tâm của phụ huynh. Nếu không có sự quan tâm, phối hợp, nhắc nhở con em mình của phụ huynh thực hiện các biện pháp phòng dịch, thì việc triển khai trong nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử những việc nhỏ nhất như khi phụ huynh đưa con đến trường mà không nhắc nhở các em đeo khẩu trang, bản thân phụ huynh không đeo khẩu trang, không nhắc nhở các em rửa tay thường xuyên... Trong giai đoạn này, phụ huynh cần hạn chế tối đa các em đi đến những nơi đông người hay những việc khác như khai báo y tế là vô cùng quan trọng để nắm rõ thông tin, lịch trình của học sinh, người thân.
Bạn hanhgv9x@...:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Nhà trường đã tổ chức những chuyên đề tập huấn sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, phần mềm soạn giảng, giáo án điện tử... cho giáo viên để họ nắm bắt, làm quen và ứng dụng vào dạy học.
Ngoài ra, các giáo viên còn rất chủ động tự tìm hiểu, nghiên cứu về việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Một số giáo viên trẻ, giỏi về công nghệ, sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp để cùng ứng dụng các phần mềm vào soạn giảng. Ví dụ như Zoom, MS TEAMS, Google Form, Google Class....
Việc vận dụng CNTT vào dạy học trực tuyến luôn được ban giám hiệu nhà trường đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ nền tảng này, khi triển khai dạy học trực tuyến của giáo viên nhà trường cũng không có sự bỡ ngỡ, lúng túng hay gặp khó khăn nhiều.
Bạn Quynhanh@...:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Dịch Covid-19 không chỉ nặng mà sẽ còn kéo dài. Vì trên thế giới ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đang rất nghiêm trọng và đã kéo dài đến nay.
Khi nào dịch chấm dứt thì chúng ta rất khó khẳng định. Tuy nhiên, theo diễn tiến tự nhiên của một đợt dịch bệnh thì mức độ và tần suất đợt cấp sẽ giảm dần. Có khả năng chúng ta sẽ phải sống cùng "với lũ" như bệnh cúm mùa, các bệnh nhiễm siêu vi hô hấp khác...
Do vậy người dân cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình, lớp học bằng các biện pháp phòng chống dịch. Các biện pháp này đã được y văn thế giới chứng minh có hiệu quả trong việc phòng ngừa dịch bệnh, kể cả đại dịch. Trường hợp của em không nên quá lo lắng mà hãy thực hiện tốt việc phòng ngừa cá nhân và tập trung vào việc học để không ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Khi vacxin được phép sử dụng cho cộng đồng thì dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
Bạn Thái Ninh – Bình Thuận:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Từ những năm học qua, thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, Phòng GD-ĐT Quận 4, nhà trường đã có nhiều chuyên đề lồng ghép nội dung về ứng phó với các tình huống như dịch bệnh, thiên tai, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, PCCC… cho học sinh.
Qua từng chuyên đề các em sẽ học được những kiến thức cơ bản, kỹ năng cần thiết trong các tình huống cụ thể.
Ví dụ, tất cả học sinh khối lớp 3 đều tham gia phổ cập bơi, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu...; tham gia phương án diễn tập PCCC tại trường, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra đám cháy tại nhà... Ngoài ra, trường còn giáo dục cho học sinh nhiều kỹ năng xã hội cần thiết khác.
Bạn Hương Anh – TP. HCM:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Khi có một lượng lớn người truy cập internet cùng một thời điểm thì tốc độ đường truyền sẽ bị ảnh hưởng là điều chắc chắn. Tuy nhiên nhà trường sử dụng hệ thống giảng dạy online của Microsoft, Google có sức tải lớn, đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Đồng thời, các nhà mạng ISP (internet service provider) cũng hỗ trợ băng thông tối đa cho việc học trực tuyến. Chúng tôi cũng rất cám ơn Microsoft, Google và các nhà mạng đã cùng chung tay hỗ trợ hệ thống GD vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại.
Bạn Vanha123@...:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Ngay khi có thông tin về các nhiễm Covid-19 mới trên địa bàn TP.HCM, nhà trường đã ngay lập tức yêu cầu toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường khai báo y tế. Trong đó lưu ý đến việc khai báo về việc đã từng tới các địa điểm mà các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã tới theo thông báo của Bộ Y tế.
Nắm bắt thông tin, lịch trình của học sinh và người thân đã đi đến các địa điểm trên địa bàn TP.HCM mà các ca nhiễm đã tới theo công bố của Bộ Y tế, để kịp thời báo cáo.
Trường đã thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, lớp học và các phòng chức năng, phòng bộ môn. Tận dụng CNTT để tuyên truyền cho phụ huynh về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP một cách kịp thời, chính xác.
Từ trước tới nay, trường duy trì việc kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu học sinh rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang... trước khi vào trường. Khi có thông tin về các ca nhiễm mới, trường tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, ngành Y tế.
Đặc biệt, tuyên truyền cho giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh của trường thực hiện yêu cầu 5K – “Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế” trong phòng chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế.
Nhà trường đã tiếp tục tập huấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho toàn bộ giáo viên, nhân viên của trường vào ngày 3/12.
Bạn Linh Nga – Hà Nội:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Để đảm bảo sự an toàn cho thầy cô và học sinh thì việc giảng dạy Online là giải pháp thay thế thực tiễn. Khi được phép học tập trung lại, việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho cá nhân và tập thể nhỏ là quan trọng nhất. Như đã nói, các biện này bao gồm đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay đúng cách, và chăm sóc tai, mũi, họng (xịt mũi, súc họng) trước khi đến lớp.
Ngoài ra, trong mùa dịch, giảng viên và học sinh cần uống đủ nước, tăng cường ăn uống đủ chất ( vitamin và khoáng chất), tập luyện thể dục nhằm tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.
Việc quản lý lớp học giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở học sinh đo thân nhiệt, nhận biết các dấu hiệu bệnh lý để thực hiện việc chăm sóc y tế tại trường, cũng như khai báo y tế theo quy định.
Trường hợp phát hiện học sinh có thân nhiệt cao và các dấu hiệu hô hấp cấp thì cần chủ động cho học sinh xuống phòng chăm sóc y tế để được thực hiện quản lý y tế theo quy định.
Bạn Myanh89…@gmail.com:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Trước tiên tôi rất hoan nghênh những quy định đổi mới mang tính cách mạng, bởi trong thế kỷ 21 này kỹ năng học tập và làm việc online rất quan trọng. Trước khi có dịch Covid-19, rất nhều công ty, tập đoàn đa quốc gia đã sử dụng hình thức hội họp, tập huấn trực tuyến qua internet.
Trong thế giới hội nhập hiện nay, các trường ĐH là những đơn vị đi đầu trong việc sử dụng hình thức trực tuyến này. Đặc biệt là sự liên kết trong đào tạo và NCKH giữa các trường ĐH khác nhau trên thế giới không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại rất lớn.
Một điểm đáng chú ý, các GS nổi tiếng, đang giữ trọng trách ở nước ngoài, không thể rời vị trí để giảng dạy tại Việt Nam, thì hình thức online là phù hợp nhất.
Từ đầu năm đến nay, tôi đã họp online với nhiều trường ĐH trên thế giới và cũng đạt nhiều kết quả như gặp gỡ trực tiếp. Tất nhiên là chúng thiếu một số vấn đề xã giao như bắt tay, chụp hình lưu niệm...
Bạn Hồng Tươi – Bắc Ninh:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Đối với trường học, vai trò của nhân viên y tế là rất quan trọng trong các công tác chăm sóc sức khoẻ y tế trường học, phòng chống dịch bệnh, xử lý các tình huống sơ cấp cứu đối với các tai nạn trường học.
Chính vì vậy, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường, họ cũng có vai trò rất quan trọng.
Đối với các nhân viên y tế trường học, họ là người cần nắm rõ các quy định, yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể như các tài liệu tuyên truyền, các thông tin chính thống, thậm chí là cách pha các dung dịch khử khuẩn, quy trình vệ sinh khử khuẩn.... Đồng thời, phải cập nhật thường xuyên, đầy đủ, kịp thời để tham mưu cho ban lãnh đạo nhà trường để tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.... hiểu đúng về dịch bệnh, các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Họ cũng là người trực tiếp hướng dẫn tập huấn lại cho giáo viên, nhân viên về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, nhất là dịch Covid-19. Nhân viên y tế trường học cũng chính là "cầu nối" quan trọng nhất giữa nhà trường với trung tâm y tế địa phương và cha mẹ học sinh để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Mỗi ngày, nhân viên y tế cùng với giáo viên trực tiếp đi kiểm tra thân nhiệt, nắm bắt tình hình sức khoẻ của học sinh, giáo viên, nhân viên. Và khi phát hiện có vấn đề gì, họ là người trực tiếp xử lý ban đầu.
Chính vì vậy, người đứng đầu nhà trường cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để họ tham gia các lớp bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ, chuyên môn trong việc chăm sóc sức khoẻ, y tế trường học.
Bạn Huyenanh@...:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Ban giám hiệu Nhà trường rất quan tâm đến việc phòng chống dịch Covid-19 trong trường nên thường có các chỉ đạo kịp thời về các biện pháp phòng ngừa cho sinh viên, giảng viên và CB-CNV. Trường trang bị các máy đo thân nhiệt, các máy rửa tay sát khuẩn từ ngay cổng trường đến trước cửa từng giảng đường.
Nhà trường cũng sử dụng nhiều phương tiện truyền thông đa phương tiện để nhắc nhở mọi người thực hiện phòng chống dịch đúng quy định. Các buổi tập huấn giúp cho sinh viên và giảng viên trở thành những nhà tuyên truyền viên, giám sát viên khi đến các cơ sở thực hành lâm sàng trong địa bàn TP.HCM.
Về mặt chuyên môn, tôi thấy để việc phòng chống dịch hiệu qủa thì cần sự tự giác của từng giảng viên, sinh viên và người dân trong việc thực hiện quy định về các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, xịt mũi, súc họng hằng ngày cũng như khai báo y tế, tự giác thực hiện tự giãn cách....
Bạn Thianh78….gmail.com:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Năm học 2020-2021 là năm thực hiện chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ lớp 1, các em học theo sách giáo khoa mới. Nếu đặt giả thiết phải tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, chuyển sang học trực tuyến, theo tôi cũng sẽ có những khó khăn nhất định.
Bởi ngay từ đầu năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh từ mầm non lên vào học lớp 1, bắt đầu năm học ngay (nhập học và bước vào học theo chương trình từ tháng 9/2020), không có thời gian 2 tuần để làm quen với lớp 1 như mọi năm, nên cũng đã có những ảnh hướng nhất định đối với việc dạy, học.
Trong quá trình dạy học thời điểm ban đầu, một bộ phận giáo viên lớp 1 cũng gặp khó khăn khi thực hiện giảng dạy theo SGK mới. Tuy nhiên, khi học sinh đã đi vào nền nếp, tính đến thời điểm này, giáo viên đã bắt nhịp và chủ động với nội dung giảng dạy theo bộ SGK mới. Đây là một thuận lợi nếu đặt trong giả thiết phải học trực tuyến, giáo viên lớp 1 cũng đã có kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt cô đọng, ngắn gọn các nội dung theo yêu cầu của từng bài học qua việc dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1.
Với một số em học chậm, giáo viên cần tăng cường trao đổi trực tiếp với phụ huynh mỗi ngày, để nắm bắt tình hình học tập và hướng dẫn cụ thể để đảm bảo các em tiếp thu được bài học theo yêu cầu.
Bạn Vân Anh – Cần Thơ:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Bạn có thể tìm hiểu nhiều phần mềm khác nhau, như: Microsoft Teams, Google Classroom+Hangouts, Zoom...
Đối với Microsoft Teams, Google Classroom+Hangouts thì miễn phí đối với các cơ sở GD. Hai ứng dụng này, có hỗ trợ rất tốt về tổ chức và quản lý lớp học, cho phép giảng viên chia sẻ các học liệu và người học nộp bài tập.
Zoom cũng miễn phí nhưng bị giới hạn về thời gian. Ứng dụng này có thế mạnh về tổ chức các cuộc hội họp online. Zoom được đánh gia cao bởi tốc độ tương tác tốt, độ trễ thấp.
Đây là những ứng dụng lớn, nhiều tính năng. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại website của họ.
Bạn Linhcute2k…:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Thời tiết chuyển mùa sang Đông là điều kiện thuận lợi cho các đợt bệnh viêm hô hấp cấp, Covid-19 cũng có nguy cơ lan rộng hơn trong điều kiện thời tiết bình thường. Khó phân biệt được triệu chứng của bệnh Covid-19 với cảm lạnh thông thường.
Vì vậy việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa cá nhân là rất quan trọng như: đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người... Khi một người có triệu chứng hô hấp cấp thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và thực hiện khai báo y tế đúng quy định để chủ động hơn trong việc phòng ngừa bệnh Covid-19. Thời tiết chuyển sang mùa Đông thì việc một học sinh có các triệu chứng sổ mũi, hắt hơi là bình thường nên em không nên quá lo lắng mà phải bảo đảm các biện pháp phòng ngừa cá nhân. Nếu cẩn thận thì em nên theo dõi diễn tiến bệnh của người bạn để có khai báo y tế đúng quy định.
Bạn Lanhuong@...:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Tôi thấy có 2 luồng suy nghĩ về vấn đề này.
Về mặt tích cực: trong tình huống khó khăn, giãn cách xã hội là bắt buộc thì đây là 1 hình thức tuyệt vời để việc học tập và giảng dạy không bị đình trệ. Thời gian trôi qua không bị lãng phí, vô ích. Thay vì than vãn, chờ đợi thì hãy mạnh dạn trải nghiệm và tiến lên. Đặc biệt, đây là cơ hội mà tất cả chúng ta có dịp trải nghiệm món quà công nghệ của sự phát triển khoa học kỹ thuật và Internet mang lại.
Đặc biệt kỹ năng giao tiếp, làm việc và học tập online là kỹ năng tối cần thiết trong thế kỷ 21; nó cũng giống như việc biết đọc biết viết. Có những SV chia sẻ họ tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại và chủ động hơn trong sắp xếp công việc cá nhân. SV có thêm nhiều thời gian để đọc sách, sống chậm, định hình lại tương lai...
Về mặt tiêu cực, một mô hình học tập mới luôn khiến một số người không thật sự hài lòng do phải thay đổi nhiều thứ. Các bạn có thể tìm thấy một số lời than vãn hay thậm chí phản đối rất nhiều trên Internet.
Bạn Ngọc Anh – TP. HCM:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Ban giám hiệu đã phân công Đơn vị Truyền thông Giáo dục Sức khỏe của Phòng khám đa khoa Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia phòng chống dịch Covid-19 cùng TP. Các giảng viên trẻ và sinh viên đã xung kích cùng với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trong đợt phòng chống dịch đợt một vào tháng 3 và 4 năm 2020.
Khi các đợt dịch lắng xuống, đội ngũ xung kích của trường vẫn tiếp tục các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và thống kê dịch tễ học cho ngành Y tế TP.HCM.
Đơn vị Truyền thông Giáo dục Sức khỏe của Phòng khám đa khoa Trường đã thực hiện được nhiều cuộc tập huấn, truyền thông cho khối trường ĐH-CĐ tại TP.HCM và đã nhận được các phản hồi tích cực. Khi có yêu cầu của Sở Y tế và HCDC, đội ngũ xung kích của trường luôn sẵn sàng tham gia vào công tác phòng chống dịch theo phân công.
Bạn Lehaianh@...:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Không chỉ để việc dạy học trực tuyến mà trong dạy học trực tiếp, đối với học sinh tiểu học, ngoài sự nỗ lực của giáo viên, vai trò trong phối hợp, sự quan tâm của cha mẹ học sinh là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là việc học trực tuyến. Bởi đối với học sinh tiểu học, thói quen tự học của các em chưa cao, nhất là với các em lớp nhỏ như lớp 1, lớp 2. Do đó, khi học trực tuyến phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ và quản lý của phụ huynh học sinh.
Bạn Minh Hằng – Bắc Ninh:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Thực ra việc cho nghỉ học là do tình hình cụ thể của từng trường. HUFLIT có campus gần ngay vị trí mà ca F0 hay lui tới. Một vài sinh viên nghi ngờ là F1 đã được đưa đi cách ly nên việc nghỉ học để giãn cách sự tiếp xúc là cần thiết. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp để giải tỏa tâm lý lo lắng, căng thẳng cho mọi người.
Bạn Lienlocha66@...:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Người mang mầm bệnh không có triệu chứng có nghĩa là người đang mang mầm bệnh trong cơ thể nhưng vẫn khỏe mạnh hoặc đã bị nhiễm mầm bệnh, nhưng không có dấu hiệu cũng như triệu chứng nào. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi chính mầm bệnh nhưng người mang mầm bệnh vẫn có thể truyền bệnh cho người khác hoặc phát triển các triệu chứng ở giai đoạn sau của bệnh.
Những người mang mầm bệnh không triệu chứng này sẽ gieo rắc mầm bệnh ra môi trường, làm cho nhiều người bị lây nhiễm và lâm bệnh bùng phát thành dịch, thậm chí đại dịch (dịch tả, dịch lỵ, dịch bạch hầu, dịch cúm...).
Đây là những người mang mầm bệnh không có triệu chứng lâm sàng, nên bản thân người mang mầm bệnh cũng như những người xung quanh (gia đình, bạn bè, hàng xóm, trường học, công sở...) không thể biết được và cán bộ y tế cũng không biết được, chỉ trong trường hợp nghi ngờ mới tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết mới hy vọng phát hiện được.
Ðối với COVID-19 cũng không nằm ngoài quy luật “người mang mầm bệnh không triệu chứng”. Nhưng mức độ của người mang SARS-CoV-2 không triệu chứng này nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi vì, dịch bệnh đã diễn ra khắp toàn cầu, đã có hàng trăm ngàn người tử vong và nguy cơ hàng triệu người nhiễm SARS-CoV-2 là rất lớn.
Bạn Tố Loan – Đà Nẵng:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Tôi nghĩ cái ảnh hưởng lớn nhất của các cơ sở GD là tiến độ giảng dạy và học tập. Đặc biệt là đang trong thời điểm cuối học kỳ 1 của năm học 2020-2021. Mặc dù nhà trường có hệ thống dạy trực tuyến rất mạnh và SV năm 2,3,4 đã quen với đợt học giãn cách vừa rồi. Nhưng SV năm 1 chưa quen với hình thức học này nên cũng có những bỡ ngỡ. Cho đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên mọi người đừng quá lo lắng. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ sớm trở lại bình thường.
Bạn Tuấn Đức – Đà Nẵng:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Theo tôi, việc dạy học trực tuyến để phòng dịch Covid-19 trong đợt nghỉ hồi học kỳ 2 năm học 2019-2020 là hình thức dạy học tối ưu và đạt hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay khi có dịch bệnh, buộc học sinh phải tạm dừng đến trường.
Kể cả sau này khi không có dịch, chúng ta vẫn có thể vận dụng cả hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến song song.
Với Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, về thuận lợi, nhìn chung đội ngũ giáo viên đa số là giáo viên trẻ, dễ dàng tiếp cận với các phần mềm dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, họ cũng đã thường xuyên ứng dụng CNTT vào trong các tiết giảng trên lớp nên không gặp nhiều khó khăn khi áp dụng hình thức dạy học trực tuyến.
Ngoài ra, nhà trường cũng đã chủ động có kế hoạch tập huấn cho giáo viên sử dụng các phần mềm phục vụ cho giảng dạy trực tuyến trước khi có những chỉ đạo cụ thể về việc dạy học trực tuyến.
Nhà trường có cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học, hệ thống mạng thuận lợi để đáp ứng phù hợp cho việc dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, trước những thay đổi, các giáo viên dù có vất vả một chút về mặt thời gian, sự chuẩn bị.... nhưng nhìn chung giáo viên đều rất hào hứng, hứng thú với hình thức dạy học mới.
Về khó khăn, đối với giáo viên, việc dạy học trực tuyến sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dạy học trực tiếp.
Về phía người học, do một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa có đủ các phương tiện phục vụ cho việc học trực tuyến nên các em phải học qua điện thoại, hoặc in bài qua giấy.... Tuy vậy, các em vẫn đảm bảo nắm bắt được những kiến thức theo yêu cầu.
Một bộ phận phụ huynh do bận công việc nên chưa dành thời gian đồng hành cùng nhà trường trong việc theo dõi, hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến tại nhà.
Một khó khăn nữa, đối với những học sinh tiếp thu hơi chậm, việc học trực tuyến này cũng có những ảnh hưởng ít nhiều đối với sự tiếp thu của các em do các em ít được tương tác trực tiếp với giáo viên so với khi học ở trên lớp. Do vậy, giáo viên sẽ tăng cường phối hợp với phụ huynh để kịp thời nắm bắt, hướng dẫn thêm cho những em này.
Bạn Anhthi76@...:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Khi có trường hợp được xác dịnh nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 thì phải xác định chắc chắn qua ý kiến của cơ quan chức trách y tế là các trung tâm y tế quận, huyện. Do đó, phụ huynh không nên quá hoang mang nếu không có ý kiến xác định đối tượng nhiễm bệnh của nhà chức trách y tế.
Trong trường hợp đã xác định là ca F1 thì cơ quan chức trách đã thực hiện cách ly tập trung theo quy định, các trường hợp học sinh, sinh viên cùng trường thuộc F2 sẽ tự cách ly tại nhà. Con anh chị học ở trường khác nếu không có tiếp xúc gần với ca F1 ở trường bạn thì nguy cơ sẽ thấp nên vẫn đi học bình thường.
Bạn Luonghaphuong@...:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Khi đợt dịch tái phát, nhằm đảm bảo an toàn cho SV, GV, NV, nhà trường đã nhanh chóng họp bàn và ra quyết định cho SV nghỉ học tập trung từ ngày 3 đến ngày 6/12 và tiến hành học online.
Chúng tôi thực hiện nghiêm theo quy định của Sở Y tế TPHCM. Các trường hợp F1 thì đã được Sở Y tế TPHCM cho đi cách ly tập trung, đối với F2 thì các bạn tự cách ly, theo dõi.
Một điều đáng mừng là hiện các ca F1 đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Nên các bạn an tâm. đừng quá lo lắng.
Bạn Vietcuong…@gmail.com:
TS.Bác sĩ Nguyễn Nam Hà
Dịch Covid-19 được xem là đại dịch do mức độ lan rộng của bệnh và độ nặng xảy ra trong cộng đồng. Mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 trong trường học cũng nằm trong tình hình chung của đại dịch. Dịch hô hấp cấp tần suất xuất hiện rất nhiều trong các lớp học, đặc biệt là nhà trẻ mẫu giáo. Do vậy nếu xảy ra ở môi trường trường học, khả năng lây lan là khá nguy hiểm.
Ngoài ra, việc nhiễm Covid-19 ở người trẻ không nặng như người lớn, do đó nếu những người trẻ không có biểu hiện triệu chứng là nguồn mang mầm bệnh có thể gây lây lan bệnh. Vì vậy, cần phải chủ động tầm soát và áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh thật nghiêm túc, Đặc biệt là cần sự tự giác, ý thức tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong học sinh, sinh viên.
Bạn thuydung88@...:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Nếu đặt trong giả thuyết, học sinh phải tạm dừng đến trường để phòng dịch Covid-19, Trường TH Nguyễn Thái Bình luôn sẵn sàng cho việc dạy học trực tuyến. Theo đó, trường sẽ họp các tổ chuyên môn để thống nhất nội dung, kế hoạch dạy học, thời khoá biểu cụ của việc học trực tuyến để cho cha mẹ học sinh theo dõi, hỗ trợ việc học tập của con em.
Cụ thể, nhà trường thực hiện phân công giáo viên tiến hành việc ghi hình các bài học theo kế hoạch và sau đó up lên Youtube, dẫn link vào trang web của trường. Trong từng bài dạy đã có hướng dẫn kèm theo phần ôn tập, bài tập cho học sinh.
Ngoài hình thức này, nếu phụ huynh không có điều kiện để kết nối mạng trực tuyến, giáo viên từng lớp sẽ hỗ trợ việc photo bản giấy các bài tập cho học sinh bài tập, học tập tại nhà.
Trong quá trình học tập tại nhà, làm bài tập.... nếu có vấn đề thắc mắc, chưa rõ, giáo viên có thể trao đổi qua các hình thức như điện thoại trực tiếp, zalo, viber của phụ huynh để giải đáp.
Những bài tập học sinh đã hoàn thành tại nhà, phụ huynh có thể chụp gửi trực tiếp cho giáo viên qua zalo, viber để kiểm tra...
Những công việc này, giáo viên nhà trường đã thực hiện khá hiệu quả trong đợt nghỉ phòng dịch Covid-19 kéo dài hồi học kỳ 2 năm học 2019-2020. Có thể nói giáo viên đã thực hiện nhuần nhuyễn, nên không gặp trở ngại gì.
Bạn Vũ Vân Anh – Tp. HCM:
TS Nguyễn Anh Tuấn
Giảng viên, sinh viên của trường đã có kinh nghiệm từ đợt giãn cách xã hội trong tháng 4 vừa rồi nên đã chủ động được trong kế hoạch ứng phó. Về y tế, trường thực hiện theo đúng chỉ dẫn của Sở Y tế TPHCM, khuyến cáo của Bộ Y tế và của Bộ GD&ĐT.
Về giảng dạy, trường luôn duy trì hệ thống hỗ trợ học tập Online. Hiện tại, toàn thể sinh viên và giảng viên trường có tài khoản MS Teams để có thể học tập online bất cứ thời điểm nào. Trong chương trình học của toàn trường, bất kể ngành nào, chúng tôi cũng trang bị cho sinh viên kỹ năng học tập và làm việc online. Về kế hoạch học tập, chúng tôi luôn có 1-2 tuần dự trữ cho các học kỳ để đảm bảo tiến độ học tập, tốt nghiệp cho sinh viên. Nhìn chung, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát.
Bạn Mỹ Hà – Ninh Thuận:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Đặt trong một tình huống giả định, nếu thời điểm này bất ngờ có một em học sinh biểu hiện ho, sốt cao.... trong giờ học, trường sẽ ngay lập tức đưa em vào phòng cách ly đã được trường bố trí sẵn từ đầu năm học tới nay.
Ngay sau đó, nhà trường sẽ thông báo gấp cho Y tế phường và Quận 4, đồng thời báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ thông tin. Tùy vào trường hợp cụ thể và xử lý theo hướng dẫn của ngành y tế. Phụ huynh có thể đưa bé đi thăm khám tại cơ quan y tế và tạm thời cho bé nghỉ học để điều trị.
Nếu có kết quả của bé có dấu hiệu liên quan đến Covid-19, Trường phải thực hiện theo sự chỉ đạo của ngành y tế, ngành GD theo từng bước hướng dẫn, ví dụ như khử khuẩn toàn bộ trường, tạm thời cho học sinh toàn trường tạm nghỉ, điều tra lịch sử di chuyển, tiếp xúc...
Nếu bé chỉ cảm sốt thông thường, trường sẽ khuyến cáo phụ huynh cho bé tạm nghỉ học để điều trị bệnh, khi trẻ khỏe hẳn mới trở lại lớp. Thầy cô sẽ hướng dẫn ôn tập cho bé tự học ở nhà.
Bạn Quỳnh Anh – TP. HCM:
Nhà giáo Lê Ngọc Phong
Từ khi có dịch Covid-19 vào hồi 2/2020 cho đến khi kết thúc năm học 2019-2020 và giai đoạn tiếp theo bắt đầu năm học 2020-2021 tới nay, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4 đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của ngành Y tế và GD-ĐT.
Cụ thể, kể từ đầu năm học này, trường tiếp tục thực hiện đo nhiệt độ học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường; rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Khách đến liên hệ công tác cũng phải thực hiện việc đo nhiệt độ và đeo khẩu trang và khai báo y tế theo hướng dẫn.
Đồng thời nhà trường tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn trường thường xuyên. Nhà trường liên tục tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đến cha mẹ học sinh, học sinh bằng nhiều hình thức thông qua tin nhắn điện thoại của phụ huynh, tin nhắn zalo của lớp, bảng tin của trường, trang web của trường...
Nhà trường đã chuẩn bị một phòng cách ly để xử lý khi phát hiện có học sinh có dấu hiệu như bị sốt, ho...
Nhà trường cũng thực hiện việc khai báo y tế đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và rà soát, nắm bắt để kịp thời khai báo y tế đối với các trường hợp đi đến những nơi có các nhiễm Covid-19 trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tuyên truyền đến phụ huynh không nên cho học sinh đến các điểm đông người như khu vui chơi, siêu thị... Khi phụ huynh có chở các con ra ngoài có việc cần, phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn thường xuyên.
Bạn Thuỳ Dung – Cần Thơ: