Xây dựng trường học thông minh: Cần gắn với chương trình mới

GD&TĐ - Trường học thông minh (THTM) là nơi vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Học sinh hào hứng với không gian thực hành STEM tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Học sinh hào hứng với không gian thực hành STEM tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Trong bối cảnh giáo dục nước ta hiện nay, xây dựng THTM cần gắn với đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).

Trường học thông minh trên thế giới

Nhằm đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhiều nước đã và đang chuyển đổi trường học, từ mô hình truyền thống sang THTM, gọi là “SMART School”.

Ở Hoa Kỳ, từ  những năm 1990, chương trình dạy học thông minh nhấn mạnh vai trò tích hợp công nghệ số trong lớp học.

Năm 2014, Ủy ban giáo dục tại New York đã đưa ra 7 tiêu chí cho THTM, gồm: Cung cấp và mở rộng học tập trực tuyến; Sử dụng công nghệ để cá nhân hóa học tập; Kết nối trường học băng thông rộng, tốc độ cao và ứng dụng công nghệ; Kết nối lớp học với các nguồn mở ngoài nhà trường.

Giáo viên (GV) ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và phát triển nghề nghiệp liên tục; Tập trung vào phát triển các kĩ năng STEM cho người học; Lãnh đạo và quản lý thông minh dựa trên nền tảng công nghệ và năng lực công nghệ.

Tại Malaysia, từ năm 1997 bắt đầu thực hiện dự  án Giáo dục thông minh (GDTM).

GDTM ở Malaysia có 4 nền tảng chính: Chương trình học linh hoạt, giúp HS có thể phát triển toàn diện; Phương pháp giảng dạy linh hoạt, kết hợp nhiều cách tiếp cận trong dạy và học, giúp HS khám phá kiến thức và phát triển bền vững; Các tài liệu học phát huy được khả năng tri nhận, tạo động lực học thông qua kết hợp giữa công nghệ, GV và học liệu mở.

Hình thức và cách thức đánh giá HS linh hoạt, toàn diện về kĩ năng, kiến thức, năng lực và năng khiếu thông qua hoạt động và kiểm tra thường xuyên. GDTM ở Malaysia trải qua 4 giai đoạn: Thử nghiệm; Sau thử nghiệm;  Áp dụng đại trà; Củng cố và ổn định.

Mặc dù thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng GDTM ở Malaysia cũng bộc lộ các hạn chế như: Phần mềm học tập chưa đáp ứng được nhu cầu học của HS (do thiếu tham vấn với GV trước đó); Năng lực sử dụng công nghệ của GV viên còn hạn chế, mặc dù đã được tập huấn; Thiếu kinh phí, thiếu thời gian để chuẩn bị bài giảng trên máy tính hay có một số GV không muốn sử dụng công nghệ vào dạy học.

Singapore, với quan điểm công nghệ thông tin (CNTT) sẽ hỗ trợ người học cơ hội tự học ở bất kỳ địa điểm, thời gian nào. Quốc gia này đã tiến hành bốn cuộc quy hoạch tổng thể cho THTM: Đợt quy hoạch lần một với tên gọi “Xây dựng nền tảng” (1997 – 2002). Đợt thứ hai “Gieo hạt đổi mới” (2003 – 2008). Đợt thứ ba “Tăng cường và nhân rộng” (2009 – 2014), và đợt thứ 4 là “Tăng cường học tập, thực hành sắc nét” (2015 đến nay).

Từ năm 2007, Singapore triển khai chương trình “Các trường học tương  lai” (Future schools) cho 8 trường. Các trường này được cấp kinh phí để hợp tác với trường đại học, công ty để thúc đẩy nghiên cứu CNTT và truyền thông trong dạy và học.

Lần quy hoạch tổng thể sau năm 2015, tập trung vào chất lượng học tập, nuôi dưỡng và phát triển “người học kĩ thuật số có trách nhiệm và sẵn sàng cho tương lai”. Singapore xác định GDTM là phần quan trọng của quốc gia thông minh.

Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm
Tiết học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lâm

Trường học thông minh ở Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 117/QĐ –TTg, ngày 25/1/2017 về việc phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, với mục tiêu hình thành cơ sở dữ liệu giáo dục.

Các chỉ tiêu được đưa ra: 100% cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở GD-ĐT thực hiện quản lý, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho GV và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo phương thức kết hợp (trực tiếp và trực tuyến)...

Quyết định số 950/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. 3 đơn vị là thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) được hỗ trợ để xây dựng ĐTTM.

Hiện, không chỉ 3 đơn vị trên mà nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu... cũng có lộ trình triển khai ĐTTM và GDTM.

Ở Hà Nội, quận Long Biên thí điểm triển khai “mô hình trường học điện tử” cho 7 trường (2 trường MN, 3 trường tiểu học và 2 trường THCS).

Mô hình trường học này được xây dựng trên 3 căn cứ: Cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT, môi trường chính sách và các điều kiện để bảo đảm 5 mục tiêu: Bổ sung cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, đầu tư và nâng cao chất lượng khai thác trang thông tin điện tử nhà trường; áp dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, giảng dạy và học tập; kiện toàn công tác chỉ đạo điều hành, môi trường chính sách ứng dụng CNTT trong nhà trường.

Dự án GDTM do VNPT và Tập đoàn NTT (Nhật Bản) hợp tác xây dựng hướng đến đối tượng HS các trường tiểu học và THCS tại Việt Nam.

Mô hình lớp học thông minh gồm có: Nền tảng điện toán đám mây kết nối bảng tương tác, máy tính và thiết bị thông minh; nội dung giảng dạy được số hóa và lưu trữ trên đám mây; các thiết bị phục vụ lớp học (bảng tương tác, máy tính cho GV, máy tính bảng cho HS, các phụ kiện); hạ tầng truyền dẫn (đường truyền Internet trực tiếp, wifi access point, switch...); nhân viên CNTT trực tiếp hỗ trợ GV và HS trong lớp học.

Dự án được triển khai thử nghiệm tại Trường Tiểu học Archimedes và dự kiến trong thời gian tới, hai bên sẽ xem xét phương án nhân rộng nhiều trường.

TPHCM phê duyệt Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Trong đó, ngành Giáo dục triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành GDTM tại sở và xây dựng thí điểm THTM tại 5 trường THPT, gồm: Chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du.

THTM được xây dựng với 5 tiêu chí: Thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa CNTT trong giảng dạy; GV được trang bị tin học văn phòng quốc tế; Phủ sóng Internet tốc độ; Triển khai thư viện thông minh, học bạ điện tử; HS được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh trong giờ học và trong kiểm tra, đánh giá.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai Đề án “Xây dựng triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý giáo dục thông minh đáp ứng yêu cầu giáo dục 4.0”, với trọng tâm là: Hoàn thiện các hệ thống phần mềm văn bản điều hành, thủ tục hành chính trực tuyến, số hóa thông tin quản lý giáo dục; Xây dựng trung tâm điều hành GDTM ở sở; Đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ dạy và học cho 5 trường (1 trường  Mầm non, 1 trường Tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường THPT); bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT và truyền thông cho đội ngũ nhà giáo...

Phòng học thông minh giúp giáo viên tiếp cận công nghệ hiện đại.
 Phòng học thông minh giúp giáo viên tiếp cận công nghệ hiện đại.

Thuận lợi và thách thức

Việc xây dựng THTM trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản. Trước hết, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung chuyển đổi số 8 lĩnh vực chủ yếu, trong đó nhiệm vụ của GD-ĐT là:

Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép HS, SV học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình.

Toàn ngành đã và đang triển khai số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ Bộ đến 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT và khoảng 53.000 cơ sở giáo dục. Hiện số hóa và định danh dữ liệu của khoảng 53.000 trường học, 1,4 triệu GV và 23 triệu HS. Có 82%  trường phổ thông sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, hệ thống quản lý hành chính điện tử kết nối 63 sở GD&ĐT và hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Về dạy - học, giáo viên toàn ngành được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số toàn ngành; đóng góp lên Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng, ngân hàng đề thi với trên 31.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018, thực hiện đồng bộ về phương pháp, hình thức giảng dạy trực tiếp và trực tuyến; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS một cách toàn diện, đa dạng hình thức; kiểm tra, đánh giá, có thể thực hiện qua máy tính và mạng...

Tuy vậy, việc xây dựng THTM đối diện với nhiều thách thức. THTM nhấn mạnh phát triển các năng lực STEM (năng lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán), và năng lực thế kỷ 21, nhưng Chương trình GDPT mới đòi hỏi phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực.

Làm thế nào để THTM vẫn phát triển được các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm, năng lực thẩm mỹ và thể chất là thách thức không nhỏ.

Cơ sở hạ tầng CNTT còn hạn chế, nhiều trường miền núi vẫn thiếu công nghệ và Internet dẫn đến nguy cơ mất công bằng trong giáo dục. Trình độ ứng dụng CNTT của GV cũng không đồng đều và còn hạn chế, trong khi họ phải tập huấn Chương trình GDPT mới, chức danh nghề nghiệp và chuẩn hóa trình độ.

Giải pháp xây dựng trường học thông minh

Trước hết, Bộ GD&ĐT cần xây dựng thống nhất các tiêu chí THTM, có thể tập trung vào 4 tiêu chí sau: Mục tiêu THTM nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu CMCN.4.0.  

Người học là trung tâm được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại, có chất lượng, phù hợp với từng cá nhân; Tính chất thông minh của nhà trường hướng tới tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục - cân bằng động với sự phát triển của thế giới công nghệ. Công nghệ thông minh (gồm phần cứng và phần mềm) đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường GDTM.

Kế đến, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, chương trình, tài liệu (nguồn học liệu số), tập huấn đào tạo GV và cán bộ quản lý giáo dục. Tuyển chọn phần mềm dạy học và phần mềm hướng nghiệp thông minh trực tuyến để áp dụng cho các trường, xây dựng và triển khai phần mềm “Thời khóa biểu thông minh”, vì kế hoạch giảng dạy không còn theo bài, tiết như trước đây.

Đẩy mạnh giảng dạy và kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến, triển khai mô hình “lớp học đảo ngược”, tạo ra sự thay đổi có tính cách mạng về cách thức học tập của HS: tự học, tự khám phá, học nhóm, học qua mạng Internet. HS có thể học bằng thảo luận, tranh luận với nhóm, với thầy cô... Ngoài ra, cần có hệ thống giám sát, đánh giá THTM thường xuyên để có các điều chỉnh kịp thời và xây dựng THTM phải gắn với quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ