Xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Thủ đô: Vừa làm, vừa gỡ khó

GD&TĐ - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, các địa phương của Hà Nội vẫn nỗ lực gỡ khó, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Học sinh Trường TH Đông Thái  (quận Tây Hồ).
Học sinh Trường TH Đông Thái (quận Tây Hồ).

Bứt phá xây chuẩn

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2020, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng 104 trường công đạt chuẩn quốc gia (CQG). Tuy nhiên, Hà Nội đã hoàn thiện 122 trường, đạt 117,3% kế hoạch.

Đạt kết quả ấn tượng nhất trong công tác xây dựng trường CQG năm 2020 là quận Ba Đình. Từ đơn vị có 54% số trường đạt chuẩn, xếp thứ 29/30 quận, huyện, thị xã vào năm 2019, đến hết năm 2020, tỷ lệ trường chuẩn của quận Ba Đình ở mức 73,5%. Ngành Giáo dục quận đã tham mưu UBND quận nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng; hướng dẫn, chỉ đạo các trường học thuộc quận hoàn thiện hồ sơ kiểm định chất lượng giáo dục, đón đoàn đánh giá ngoài; đề xuất nâng cao chất lượng giáo dục, bổ sung nhân sự, cơ sở vật chất… để công nhận 17 trường đạt CQG.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết: Quận đã xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác đầu tư xây dựng trường CQG từ nay tới năm 2025 với lộ trình cụ thể từng năm. Kế hoạch đưa ra mục tiêu có 100% trường học đạt chuẩn vào năm 2025, trong đó, xác định tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác này.

Huyện Đan Phượng hiện dẫn đầu thành phố về tỷ lệ trường đạt CQG với 98,1%. Để thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn, đặc biệt là trường đạt CQG mức độ 2, UBND huyện đã giao phòng GD&ĐT làm việc với từng nhà trường và các xã, thị trấn để xác định điều kiện đủ và chưa đủ, từ đó có kế hoạch đầu tư.

Trên cơ sở rà soát, phòng GD&ĐT báo cáo UBND huyện để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường với kinh phí bình quân 2 - 3 tỷ đồng/trường. Cũng như vậy, một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn về quỹ đất và kinh phí cũng có giải pháp hiệu quả để nâng số lượng trường đạt chuẩn. Ví dụ, UBND quận Đống Đa đã bố trí nhiều khu đất để xây mới các trường học kiên cố, hiện đại hóa và đạt tiêu chí CQG. Đến thời điểm này, toàn quận có gần 70% trường chuẩn do huy động được tối đa nguồn lực, đồng thời bảo đảm rõ kế hoạch, lộ trình...

Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa - Tạ Ngọc Thắng cho hay: Tính đến hết năm 2020, toàn quận có 44 trường học được công nhận CQG, trong đó có 43 trường công lập, đạt 69,35%. Trong đó, bậc học mầm non đạt 55,56%; cấp tiểu học đạt 73,68%; cấp THCS là 87,5%. Công tác xây dựng trường CQG cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao năm 2020: Công nhận lại 9 trường, công nhận mới 5 trường.

Huyện Ba Vì nỗ lực nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia.
Huyện Ba Vì nỗ lực nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia.

Ưu tiên các nguồn lực

Năm 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 85 trường chuẩn, gồm 30 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 24 trường THCS và 5 trường THPT. Ngoài ra, còn có 410 trường đã quá thời hạn cần được đầu tư, thẩm định để công nhận lại. Muốn đạt được mục tiêu, đòi hỏi thành phố và các địa phương phải giải được bài toán thiếu kinh phí và quỹ đất.

Ông Lê Văn Hiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức chia sẻ: Toàn huyện mới có 50/79 trường đạt CQG (chiếm tỷ lệ 63%). Khó khăn lớn nhất là tiêu chuẩn cơ sở vật chất và kinh phí xây dựng, đầu tư, cải tạo trường. Năm 2021, huyện phấn đấu có thêm 6 trường được công nhận mới, 7 trường công nhận lại. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sự nỗ lực của ngành trong bảo đảm chỉ tiêu trường CQG theo nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố.

Là địa bàn gặp nhiều khó khăn nhất về xây dựng trường CQG, theo ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, năm 2021, huyện phấn đấu xây dựng thêm 16 trường đạt CQG (chỉ tiêu đặt ra là 11 trường) và công nhận lại 4 trường trong tổng số 14 trường cần công nhận lại.

Tuy dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công, song ngành Giáo dục huyện quyết tâm phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, nâng tỷ lệ trường đạt CQG trên địa bàn huyện từ 52,8% lên gần 68%.

“Được thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, các trường cần tham mưu với chính quyền địa phương và phát huy nội lực để hoàn thiện tiêu chí về số lượng, chất lượng đội ngũ, bố trí phòng chức năng, thiết bị dạy học, thiết bị ngoài trời…” - ông Phùng Ngọc Oanh cho biết thêm.

Năm 2021, huyện Ứng Hòa phấn đấu có thêm 9 trường CQG và 23 trường đến thời hạn phải đầu tư để công nhận lại. Khó khăn cơ bản trong công tác xây dựng trường chuẩn của huyện là nguồn lực tài chính hạn chế, trong khi số trường học của huyện nhiều (90 trường). Nhiều trường cơ sở vật chất xuống cấp phải cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư cải tạo, xây dựng lại.

UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT rà soát thực tế tại từng trường, xác định từng hạng mục cần đầu tư, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể. Căn cứ kế hoạch này, UBND huyện ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, phòng GD&ĐT ưu tiên nguồn lực ở mức cao nhất để đầu tư xây dựng trường CQG. Ngành phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra: Có từ 80 - 85% trường công lập đạt CQG.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ