Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn quận có gần 70% trường chuẩn do huy động được tối đa các nguồn lực, có kế hoạch, lộ trình... rõ ràng.
Đống Đa có 90 trường và 110 điểm lớp tư thục, trong đó có 62 trường công lập. Trưởng phòng GD&ĐT quận Tạ Ngọc Thắng cho biết: Tính đến hết năm 2020, toàn quận có 44 trường học đạt CQG, trong đó có 43 trường công lập đạt 69,35%. Công tác xây dựng trường CQG cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thành phố giao năm 2020: Công nhận lại 9 trường, công nhận mới 5 trường.
Cô Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường MN Vĩnh Hồ nhìn nhận: Việc xây dựng trường mầm non đạt CQG là mục tiêu đặc biệt quan trọng, nằm trong quy hoạch mạng lưới trường, lớp của quận Đống Đa.
Thực hiện kế hoạch năm 2020 có thêm 2 trường MN công nhận mới, 3 trường công nhận lại, đạt tỷ lệ 55% trường MN đạt CQG, ngành GD-ĐT quận đã tham mưu UBND đẩy nhanh tiến độ với nhiều giải pháp, đưa ra lộ trình cụ thể, có định hướng rõ ràng với từng đơn vị trường học.
Theo cô Huế, trong học kì I vừa qua, bậc học MN đưa ra kế hoạch có 5 trường được công nhận mới, công nhận lại. Theo đó, quận đã đầu tư lớn cho 3 trường công nhận lại: MN Trung Tự, MN Ngã Tư Sở, MN Tuổi Hoa. Hai trường công nhận mới: MN Vĩnh Hồ, MN Sơn Ca.
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục quận, để được công nhận đạt CQG với trường MN có nhiều khó khăn như MN Vĩnh Hồ, MN Sơn Ca khi quỹ đất còn hạn chế là sự nỗ lực lớn. Trong đó, khó khăn nhất là Trường MN Vĩnh Hồ có cơ sở vật chất nằm ở tầng 1 của khu tập thể Vĩnh Hồ đã trên 40 năm.
Thấy được những bất cập của 2 trường, cuối năm 2019, quận Đống Đa quyết định đầu tư xây mới 2 trường này tại hai khu đất thuộc phường Thịnh Quang và Hàng Bột.
Tuy nhiên, năm học 2019 - 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hai trường bị chậm tiến độ xây dựng so với dự kiến ban đầu. Song, với những nỗ lực hoàn thành 5 tiêu chí xây dựng trường chuẩn, đến tháng 1/2021, năm trường MN đã nhận Quyết định cấp chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt CQG của Sở GD&ĐT Hà Nội.
“Với 2 trường xây mới là cả một sự bứt phá. Còn với 3 trường công nhận lại là “cuộc cách mạng” từ quá trình xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất đến nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên; đẩy mạnh công tác chăm sóc nuôi dạy trẻ… Nhờ vậy, cho đến thời điểm này, các nhà trường đều khang trang, sạch đẹp, có nhiều phòng học ứng dụng các phương pháp đổi mới Montessori, STEAM và xây dựng trường học hạnh phúc” - cô Nguyễn Thị Huế cho hay.