Xây dựng trường chuẩn: Giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

GD&TĐ - Xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc gia.

Xây dựng trường chuẩn:  Giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có tổng số 456 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 57,7%), trở thành địa phương dẫn đầu 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Huy động nhiều nguồn lực xây dựng trường chuẩn

Là đơn vị dẫn đầu trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã có 61/61 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 100%.

Nói về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở địa phương mình, ông Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Lộc - cho hay:

Xác định công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia làm “bệ đỡ” cho nâng cao chất lượng dạy học, ngành GD&ĐT huyện Đại Lộc đã tranh thủ huy động nguồn kinh phí từ các nguồn lực khác nhau để thực hiện và đến nay đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.

Quy mô mạng lưới trường, lớp ở các bậc học, cấp học phát triển đồng bộ, ổn định, phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân. Số lượng trường học được tầng hóa, trường đạt chuẩn quốc gia các mức độ không ngừng tăng, đến nay 100% trường học đã đạt chuẩn quốc gia, làm cho diện mạo trường lớp từ MN đến THCS ngày càng khang trang, hiện đại.

Thị xã Điện Bàn là địa phương có số lượng trường học nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, quy mô trường lớp lại lớn nhưng công tác xây dựng trường chuẩn diễn ra hết sức mạnh mẽ, số lượng trường chuẩn liên tục tăng mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn - cho biết, xuất phát từ các yêu cầu đổi mới GD&ĐT của cả nước và mục tiêu phấn đấu của huyện Điện Bàn trở thành thị xã và đạt thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2015; UBND huyện Điện Bàn ban hành đề án “Phát triển GD-ĐT huyện Điện Bàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” với nhiệm vụ thống nhất qui mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng CSVC và các trang thiết bị dạy học, nhằm đảm bảo phát triển hợp lý qui mô mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Chính nhờ sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, sự đầu tư của chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, mà công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh Quảng Nam đạt kết quả rất ấn tượng.

Điều đó được minh chứng từ năm 1997, khi được tái thành lập, cả tỉnh Quảng Nam không có một ngôi trường nào đạt chuẩn quốc gia. Mãi đến 3 năm sau - năm 2000, Quảng Nam mới có ngôi trường đầu tiên được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Từ dấu ấn khởi đầu đầy khó khăn đó, đến nay toàn tỉnh Quảng Nam đã có 128 trường mầm non, 195 trường tiểu học, 118 trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ lớn như: Thị xã Điện Bàn 68/70 trường (đạt hơn 97%), huyện Đại Lộc 61 trường (đạt tỷ lệ 100%), Phú Ninh 33/34 trường (97%).

Ở cấp THPT, toàn tỉnh Quảng Nam đã có 15 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, trong kế hoạch xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Nam tập trung đầu tư cho 15 trường THPT để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn quốc gia, với lộ trình mỗi năm có thêm 3 trường đạt chuẩn.

Khẳng định chất lượng giáo dục

Theo kế hoạch của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 cả tỉnh có 60% số trường mầm non, 90% trường tiểu học, 60% trường THCS và 40% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, sẽ có thêm 120 trường mầm non, 156 trường tiểu học, 60 trường THCS và 10 trường THPT được kiểm tra công nhận đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, 350 trường sẽ phải kiểm tra công nhận lại (vì sau 5 năm đạt chuẩn phải kiểm tra công nhận lại). Dự kiến nguồn kinh phí đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 1.800 tỷ đồng.

Nhìn nhận về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết, xây dựng trường chuẩn là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nên đã được toàn ngành và các địa phương quan tâm.

Thông qua xây dựng trường chuẩn, các điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công tác quản lý trường học được nâng cao rõ rệt.

Để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, chỉ tính trong 5 năm qua, cả tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 1.187 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, địa phương và người dân đóng góp xây dựng phòng học, phòng bộ môn, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Theo ông Hà Thanh Quốc, mặc dù công tác xây dựng trường chuẩn đạt nhiều kết quả đáng mừng, tuy nhiên công tác này trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn.

Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác xây dựng trường chuẩn nên đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế. Ngành GD&ĐT cũng chưa có sự chỉ đạo mạnh mẽ đối với các trường học; vai trò tham mưu đối với chính quyền địa phương về xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ.

Bởi vậy, trong thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền các cấp, toàn ngành GD&ĐT cần phải nỗ lực, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ, đóng góp từ xã hội đối với sự nghiệp GD&ĐT nói chung, công tác xây dựng trường chuẩn nói riêng.

Bằng sự năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả sau 5 năm, Điện Bàn đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GD.                                                                                                                                                                               Mạng lưới trường, lớp phát triển mạnh, với 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia (không tính 2 trường học vừa mới thành lập), trong đó có 22 trường đạt chuẩn mức II, nằm trong tốp dẫn đầu tỉnh Quảng Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ