Ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục

GD&TĐ - Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần xem xét bổ sung nguồn lực tài chính để đầu tư cho giáo dục. Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực giáo dục còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT cho biết: Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho phát triển và là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội và Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 cũng quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục. Trong đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy, học tập là 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục. Tỷ lệ này được điều chỉnh tăng so với quy định tại Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017 chỉ là 18%.

Trường hợp tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập nhỏ hơn 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục, sẽ được bổ sung để bảo đảm tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, học bổng cho học sinh dân tộc nội trú) tối đa 81% (chưa kể chi từ nguồn thu học phí). Đối với địa phương có tỷ lệ dân số thuộc vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20%.

Các quy định trên đã phản ánh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT của nước nhà dưới góc độ bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, trong thực tế tỷ lệ chi ngân sách cho GD-ĐT cũng như tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy, học tập trong tổng chi thường xuyên sự nghiệp GD-ĐT tại các địa phương rất khác nhau. Theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, việc bố trí ngân sách cho GD-ĐT tại các địa phương thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố. Ngân sách chi thường xuyên toàn ngành Giáo dục những năm gần đây cũng như giai đoạn 2016 - 2020 chủ yếu là chi cho con người.

Qua số liệu báo cáo của các địa phương, nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ tối thiểu chi cho chuyên môn 18% trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, tỷ lệ chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập chiếm tỷ lệ thấp. Một số tỉnh phải dùng nguồn kinh phí chi cho giảng dạy học tập để chi lương cho nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68. Thực trạng này đã gây khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục, nhất là tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, hiện nay để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, nguồn lực cho kiên cố hóa trường lớp học, đặc biệt là mầm non, cho bồi dưỡng giáo viên, cho giáo dục đại học… đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải được trang bị thêm phương tiện, thiết bị, công nghệ dạy học mới, do đó phát sinh nhiều khoản chi mới. Cá biệt có những tỉnh tỷ lệ chi chuyên môn trong tổng chi thường xuyên thấp dưới 10%. Một số địa phương có tỷ lệ chi chuyên môn trong tổng chi thường xuyên cao (trên dưới 30%) là các tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM.

Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước; đồng thời đề nghị đại biểu kiến nghị HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng một số giải pháp chính như sau:

Rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục. Xây dựng định mức tiêu chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị trường lớp để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông.

Rà soát, đánh giá thực trạng những vấn đề cần giải quyết của ngành Giáo dục địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030 để xác định, đề xuất nhu cầu của ngành tích hợp vào các nội dung phù hợp của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý… để bảo đảm triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đối ứng đủ tỷ lệ theo quy định nhằm thực hiện. Ưu tiên bố trí sắp xếp các chương trình đề án, dự án của ngành Giáo dục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương và hàng năm cần ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên để đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình GD phổ thông 2018.

Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ, góp vốn xây dựng, hiến đất, cho vay vốn đầu tư cho GD-ĐT.

Rà soát, tuyển dụng, sắp xếp bố trí giáo viên thực hiện Chương trình GDPT mới bảo đảm đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Quan tâm bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở GD-ĐT thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm tối thiểu 19% - 20% chi chuyên môn giảng dạy trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ