Luật hóa bố trí ngân sách giáo dục

GD&TĐ - Lần đầu tiên, quy định “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho GD&ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước” được luật hóa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước khi Luật Giáo dục ban hành năm 2019 được công bố, cụm từ “20% ngân sách chi cho giáo dục” đã rất quen thuộc. Nhưng có lẽ nhiều người không hiểu rõ, đây mới chỉ là nội dung trong một Nghị quyết của Quốc hội mà chưa được thể chế hóa thống nhất bởi một văn bản quy phạm pháp luật ở cấp độ luật và văn bản dưới luật. Đó cũng là lý do khiến việc xác định chính xác tỷ lệ chi cho GD-ĐT hàng năm chỉ mang tính tương đối, chưa có sự thống nhất.

Có một nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2016, quyết toán chi ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT (nếu loại trừ học phí là phần đóng góp của người học), chưa khi nào đáp ứng được 20% tổng chi ngân sách Nhà nước như quy định trong Nghị quyết.

Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới và thống kê của UNESCO năm 2018: Mức chi ngân sách Nhà nước của Việt Nam năm 2013 cho 1 học sinh tiểu học tính theo USD sức mua tương đương chỉ là 1.108 USD (PPP), trong khi con số tương tự của Malaysia là 4.074 USD và Thái Lan là 3.800 USD.

Mức chi ngân sách Nhà nước của Việt Nam năm 2013 cho 1 học sinh tiểu học tính theo USD sức mua tương đương chỉ là 1.108 USD. Ảnh minh họa
Mức chi ngân sách Nhà nước của Việt Nam năm 2013 cho 1 học sinh tiểu học tính theo USD sức mua tương đương chỉ là 1.108 USD. Ảnh minh họa

Tương tự, nếu so sánh về mức chi của ngân sách Nhà nước cho mỗi sinh viên ĐH thì Việt Nam (năm 2013) chỉ đạt 1.749 USD (giá cố định). Trong khi đó, số liệu của một số nước năm 2014 là: Indonexia đạt 2.058 USD/sinh viên, Malaysia là 7.293 USD/sinh viên, Hàn Quốc là 5.128 USD/sinh viên. Riêng Pháp, quốc gia bao cấp cho GD-ĐT, mức chi còn lớn hơn rất nhiều: Chi ngân sách nhà nước trung bình mỗi sinh viên năm 2015 là 13.373 USD (giá cố định)

Có lẽ bởi vậy mà đầu tư và tài chính cho giáo dục, trong đó có quy định về bố trí ngân sách giáo dục là một trong những nội dung được bàn thảo rất nhiều khi Luật Giáo dục mới ban hành còn là dự thảo. Một số phương án được đưa ra với đầy đủ phân tích ưu nhược. Cuối cùng, Quốc hội quyết định quy định rõ trong luật tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Việc này rõ ràng sẽ giúp duy trì được tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước phù hợp, không tạo gánh nặng quá lớn sang phía gia đình học sinh và sinh viên; giúp bảo đảm nhất quán trong thực hiện chính sách huy động nguồn lực cho các mục tiêu phát triển GD-ĐT. Cùng với đó, góp phần tiếp tục duy trì các kết quả tốt của GD-ĐT, nhất là ở các địa phương nghèo có ngân sách hạn chế.

Với việc quy định tỷ lệ cố định, Quốc hội sẽ có cơ sở để kiểm tra, giám sát việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT; các cơ quan có căn cứ trong việc giám sát, kiểm tra, thanh tra chi tiêu ngân sách Nhà nước cho GD-ĐT. Đặc biệt, giúp ngành Giáo dục có thêm nguồn lực phục vụ cho tiếp tục cung cấp GD-ĐT cơ bản nhất là giáo dục mầm non, tiểu học…

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng, chi tiêu ngân sách nhà nước chỉ là một trong những yếu tố quyết định kết quả giáo dục. Hơn nữa, quy định tỷ lệ mà không kèm theo cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước và cơ chế giám sát sẽ khó bảo đảm tuân thủ nghiêm quy định. Quyết toán ngân sách Nhà nước những năm qua không đạt 20% nhưng không chỉ ra được lỗi thuộc về ngành hay địa phương nào là ví dụ rõ rệt. Bên cạnh đó, cần lường trước việc quy định tỷ lệ 20% cũng sẽ không đơn giản trong chấp hành khi mà công tác quản lý, chấp hành ngân sách Nhà nước được phân cấp mạnh mẽ, nhất là với dự toán chi đầu tư cho GD-ĐT...

Dù đã được luật hóa, nhưng để quy định của luật thực sự đi vào thực tế cuộc sống cần sự vào cuộc của cả hệ thống, để bảo đảm chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục mang tính ổn định, bền vững và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra; từ đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng, giải pháp về đổi mới toàn diện GD-ĐT ở nước ta giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ