Trường sư phạm “vào guồng” tuyển sinh

GD&TĐ - Các trường ĐH bắt đầu mùa tuyển sinh với nhiều hoạt động. Chia sẻ với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) dự đoán: Có lẽ mùa tuyển sinh năm nay cũng chỉ được như năm 2018 - chỉ tiêu là 900 SV, tuyển được 500 SV. Nhà trường xác định cố gắng giữ “phong độ”, còn hơn được bao nhiêu phấn khởi bấy nhiêu!

Nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là phù hợp.   Ảnh: Lê Đăng
Nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là phù hợp. Ảnh: Lê Đăng

* Xin bà cho biết chiến lược tuyển sinh năm 2019 của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên?

- Tuyển sinh sư phạm (SP) khác biệt so với các trường khác khi phải thực hiện ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định. Trường đã lên kế hoạch tuyển sinh: Xây dựng phương thức tuyển sinh, truyền thông theo nhiều con đường khác nhau: Qua cựu SV, qua các nhóm giảng viên đến các trường phổ thông để phát triển cộng đồng học tập trong các trường phổ thông, qua các nhóm SV hiện đang thực tập ở các trường phổ thông, qua website của nhà trường…

Kế hoạch tuyển sinh này thực hiện theo quy định về năng lực đào tạo của nhà trường, không xác định tuyển sinh nhiều mà theo đúng điều kiện đảm bảo chất lượng với chỉ tiêu đặt ra là 900 SV (như năm 2018). Theo khảo sát nhu cầu GV của các tỉnh, nhà trường xác định nhu cầu đào tạo. Hai ngành mầm non và tiểu học vẫn tuyển sinh số lượng lớn. Các ngành còn lại tuyển sinh ít hơn.

Chương trình GDPT mới được triển khai, giáo viên càng có vị trí, vai trò quan trọng. Ảnh: Thiên Thanh
 Chương trình GDPT mới được triển khai, giáo viên càng có vị trí, vai trò quan trọng.   Ảnh: Thiên Thanh

* Nhà trường đã có những đổi mới gì cho ra sản phẩm đào tạo có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới?

- Vừa qua, chúng tôi đã rà soát lại chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo, đồng thời, xây dựng bộ công cụ để khảo sát và đánh giá năng lực SV trước khi tốt nghiệp. Hiện hầu hết các chuyên ngành đều đã hoàn thiện chuẩn đầu ra và bộ công cụ để khảo sát đánh giá SV.

Khác với những lần trước, lần này trường hoàn thiện chuẩn đầu ra rất bài bản. Căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp GV mới, khung năng lực trình độ quốc gia, Chương trình phổ thông tổng thể và Chương trình môn học cùng sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường. Bản sơ thảo ban đầu bộ chuẩn đầu ra đã được xin ý kiến các bên liên quan. Trong tháng này, để thống nhất tiếng nói chung, trường tổ chức một hội thảo lắng nghe ý kiến phản biện.

Rất may mắn, trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ ETEP (Chương trình Phát triển các trường SP để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở GDPT, xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên SP). Dựa trên bộ chuẩn này và mô tả vị trí việc làm của các chuyên viên trong trường, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, chúng tôi đang hoàn thiện bộ khung năng lực của cán bộ, giảng viên và viên chức của nhà trường.

Thời gian tới, nhà trường sẽ sử dụng bộ công cụ đánh giá năng lực giảng viên để phân loại. Giảng viên phải đạt được mức xuất sắc, tốt mới đi tham gia bồi dưỡng GV được.

* Còn việc chuẩn bị cho các SV để khi ra trường các em thích ứng ngay với chương trình, SGK mới thì sao, thưa bà?

- Với chương trình, SGK mới, đặc biệt là các Chương trình môn học vừa được công bố, nhà trường đã phân tích, đánh giá chương trình mới, so sánh với chương trình hiện hành, chỉ rõ những nội dung khác biệt, từ đó xác định những nội dung bồi dưỡng và nội dung cần bổ sung vào chương trình đào tạo GV.

Trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở GD&ĐT Thái Nguyên để triển khai hội thảo về Chương trình phổ thông mới và bồi dưỡng GV ngay trong tháng này.

* Khi đặt ra những barem đánh giá năng lực cho giảng viên trong trường, làm thế nào để tìm được sự đồng thuận của mọi người?

- Khi bắt đầu xây dựng chuẩn nghề nghiệp và xây dựng bộ công cụ, chúng tôi tổ chức xin ý kiến giảng viên trong trường. Lúc đầu cũng gặp phản ứng. Sau với chiến thuật mưa dầm thấm lâu, dần dần giảng viên thấy hiểu, thấy thấm. Họ xác định phải làm gì để đạt chuẩn và để khi đánh giá sẽ không bị rơi vào ô “không đạt”.

Theo dõi thì thấy có một số nội dung từ trước tới nay trường phải hô hào rất nhiều giảng viên mới chịu làm, như đi thực tế phổ thông - trước họ không làm cũng không thể phê bình. Hay như giảng viên sẵn sàng dùng giờ dạy thừa để bù cho giờ nghiên cứu khoa học (NCKH). Giờ với chuẩn và thang đánh giá thì không thể làm thế được, có quy định rõ ràng. Giảng viên phải có năng lực giảng dạy, năng lực NCKH, năng lực xây dựng môi trường dân chủ, năng lực phát triển các mối quan hệ xã hội với cộng đồng và các bên liên quan…

* Thời gian gần đây có nhiều bàn luận về việc làm sao để SV SP tốt nghiệp phải có việc làm như ngành công an, quân đội. Bà đánh giá gì về điều này?

- Tôi cho rằng, thực tế triển khai rất khó. Ở các nước, SV SP tốt nghiệp chỉ có chứng chỉ SP, còn hành nghề được hay không lại tùy thuộc vào thực tế và Hiệp hội nghề nghiệp cấp bằng hành nghề SP. Nếu giờ kỳ vọng 100% SV tốt nghiệp có việc làm ngay thì rất khó thực hiện, hơn nữa lại không tạo ra sự cạnh tranh.

Theo tôi, cái cần nhất chính là thay đổi chế độ chính sách cho GV nhằm tạo động lực để HS chọn học SP và GV phấn đấu làm việc. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho GV với trang thiết bị trường học giúp cho họ thực thi các ý tưởng SP, tổ chức các hoạt động cho HS một cách hiệu quả… Đặc biệt, cần tuyển dụng theo năng lực, không tuyển dụng theo bằng cấp. Điều này các địa phương quyết định chứ không phải do ngành GD quyết định.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ