Quá tuổi vẫn được bổ nhiệm
Theo thông tin bạn đọc phản ánh, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh (SN 1960), khi được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam (gọi tắt là Học viện) đã 56 tuổi, không đủ tuổi để bổ nhiệm một nhiệm kỳ. Hơn nữa, tại thời điểm bổ nhiệm, ông Cảnh chưa được biên chế làm giảng viên ĐH, không bảo đảm quy định về tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm theo quy định.
Việc sắp xếp, bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng tại Học viện cũng chưa đúng với Luật Giáo dục và Điều lệ trường đại học. Bởi, Học viện với chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, nghiên cứu khoa học về chuyên ngành y dược nên người đề xuất về tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm và phải phù hợp với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định. Tuy nhiên, lãnh đạo Học viện lại bố trí ông Đoàn Hữu Xuyến - tốt nghiệp ngành Công đoàn và bà Trịnh Thị Mai - tốt nghiệp ngành Luật lên làm Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Học viện.
Ngoài ra, ông Cảnh đã bổ nhiệm bà Trần Thị Minh Tâm có chuyên ngành Y tế công cộng, làm việc tại Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương (một trường không đào tạo bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ đa khoa, dược sỹ 5 năm) làm Trưởng phòng Đào tạo của Học viện từ ngày 8/11/2017.
Việc ông Cảnh sắp xếp, bổ nhiệm những ông bà nêu trên vào vị trí lãnh đạo cấp phòng của Học viện đã khiến nhiều giảng viên trong nhà trường bức xúc vì ban Giám đốc Học viện đã bỏ qua các tiêu chuẩn được quy định. Nghiêm trọng hơn, những năm trở lại đây nhiều sinh viên đã không mặn mà với Học viện nên dù đã thi đỗ vào trường với điểm chuẩn đầu vào cao, nhưng chỉ sau năm học thứ nhất hoặc thứ hai có nhiều sinh viên phải bỏ học không phải do bị kỉ luật mà do bộ máy quản lý không đảm bảo chuyên môn…
Lãnh đạo Học viện nói gì?
Liên quan đến sự việc nêu trên, ngày 8/3, trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Phạm Quốc Bình - Phó Giám đốc Học viện cho biết: “Về vấn đề bổ nhiệm ông Đậu Xuân Cảnh giữ chức vụ Giám đốc Học viện chưa đủ tuổi nhiệm kì là thẩm quyền của Bộ Y tế, ở Học viện không có thẩm quyền”. Về trường hợp ông Đoàn Hữu Xuyến và bà Trịnh Thị Mai, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, ông Bình khẳng định: “Theo quy chế của Bộ GD&ĐT, Luật Giáo dục và Điều lệ trường Đại học, không có quy định là phó phòng phải là bác sỹ, không nhất thiết phải là người chuyên ngành”.
Trả lời câu hỏi về trường hợp của bà Trần Thị Minh Tâm được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Đào tạo có đúng với với các quy định, ông Bình nói: “PGS.TS Trần Thị Minh Tâm, trước kia là Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, có 10 năm quản lý đào tạo và đồng chí Tâm có nhu cầu về học viện làm quản lý đào tạo. Vì vậy, vấn đề bổ nhiệm đồng chí Tâm là đúng quy trình và đủ tiêu chuẩn”.
Tuy nhiên, khi đề nghị được xem hồ sơ về quá trình công tác và các quyết định bổ nhiệm của của bà Tâm khi ở Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, thì vị Phó Giám đốc Học viện nói: “Về trích ngang quá trình tốt nghiệp bác sỹ, quá trình làm việc, công tác của đồng chí Tâm như thế nào chúng tôi sẽ cung cấp sau kèm theo các quyết định bổ nhiệm”.
Về phản ánh vài năm trở lại đây trường nằm trong tốp đào tạo bác sỹ, dược sỹ hàng đầu Việt Nam nhưng có nhiều sinh viên phải bỏ học không phải do bị kỉ luật mà do bộ máy quản lý không đảm bảo chuyên môn, ông Bình lý giải: “Do năm đầu tiên sinh viên thường thay đổi nguyện vọng chứ sinh viên năm thứ 4 rồi rất ít em bỏ. Sinh viên có quyền không thích trường này thì chuyển trường khác. Tỉ lệ sinh viên bỏ học của trường tôi là thấp nhất trong tất cả các trường”. Khi được hỏi cụ thể về con số sinh viên bỏ học từ năm 2017 đến này là bao nhiêu, ông Bình trả lời: “Tôi sẽ cung cấp tỷ lệ bỏ học sau buổi làm việc”. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã nhiều lần liên hệ nhưng Báo GD&TĐ chỉ nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo bận đi công tác chưa về”.
Để rộng đường dư luận cũng như phản hồi ý kiến của bạn đọc, đề nghị Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam sớm cung cấp những hồ sơ, số liệu liên quan để Báo GD&TĐ thông tin đến bạn đọc.