Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho hay khi phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Liên quan một số điều về việc ưu tiên chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số cư trú ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị trong phần giải thích từ ngữ có thêm phần địa bàn vùng đặc biệt khó khăn là căn cứ vào đâu.
Hiện nay, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo 3 trình độ phát triển, trong đó có vùng 3 là vùng có nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất và có rà soát hàng năm.
Trong quá trình phát triển, những địa phương này do được đầu tư, do đó số hộ nghèo giảm đi nên các thôn bản thoát khỏi đặc biệt khó khăn. Nếu chúng ta không giải thích từ ngữ chỗ này thì phải căn cứ vào đâu để xác định địa bàn khó khăn .
“Tôi đề nghị vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải theo quyết định phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi, theo trình độ phát triển và đây là quyết định của Chính phủ.
Trước đây vùng đặc biệt khó khăn có trên 2.000 thôn bản, đến nay còn khoảng 1.500 xã, đây là căn cứ để thực hiện chính sách, ở mỗi giai đoạn lại thu hẹp phạm vi địa bàn nên phải ghi rõ kết quả phân định này” – ông Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp |
Đề xuất không cắt giữa trừng chế độ miễn giảm học phí của HS dân tộc
Trao đổi thêm về nguyên nhân bỏ học của học sinh dân tộc thiểu số miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, ông Chiến cho rằng, có nguyên nhân là lúc đầu các cháu đi học được hưởng chế độ vì đang cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn, nhưng đang học giữa chừng, địa bàn của mình thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên không được hưởng chế độ nữa nên bỏ học.
Theo ông Chiến, đây là việc khá phổ biến, khi học THCS thôn bản của mình là vùng đặc biệt khó khăn, lên đến THPT đi học xa hơn, chi phí tốn hơn, trong khi đó thôn bản mình thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn rồi, nên không hưởng chế độ nên các cháu bỏ học.
“Do đó, các điều về chính sách với học sịnh vùng đặc biệt khó khăn phải tính toán lại để khi các cháu được hưởng chế độ suốt quá trình đi học, không cắt giữa chừng của các cháu” – ông Chiến đề nghị, đồng thời dẫn giải:
Khoản 2 Điều 84 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có nêu: "Nhà nước có chính sách trợ cấp, miễn giảm học phí cho người học là đối tượng hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn". Đúng là khi các cháu đang ở vùng đó thì được hưởng nhưng khi thoát được là mất chế độ nên thôi không đi học.