Tri thức bắt đầu từ niềm tin của học trò

GD&TĐ - Học sinh sẽ hình thành những suy nghĩ, tình cảm tốt đẹp, tiếp nhận tri thức và phấn đấu học tập tốt hơn khi có sự khích lệ và niềm tin từ người thầy. Chính vì vậy, gây dựng niềm tin với học trò không chỉ là phương pháp giáo dục hiệu quả, mà còn giúp học sinh cảm nhận niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày đến trường.

Khi học trò có niềm tin cùng thầy cô thì giáo dục thêm hiệu quả. Ảnh: Đức Trí
Khi học trò có niềm tin cùng thầy cô thì giáo dục thêm hiệu quả. Ảnh: Đức Trí

Xây dựng niềm tin để giáo dục hiệu quả

Gây dựng niềm tin với học trò - đó là bí quyết giáo dục của cô giáo Nguyễn Thanh Bằng, nguyên giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Cô Bằng chia sẻ: Để lấy được niềm tin của học trò không hề đơn giản, đặc biệt khi các em không cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ thực lòng từ người thầy thì hành trình giáo dục càng trở nên khó khăn hơn.

Cô Bằng từng đưa ra những phương pháp giáo dục rất khác truyền thống. Thay thế xử phạt công khai trước trường, lớp, cô lại giữ bí mật với nhiều lỗi lầm của học sinh. Bởi theo cô, điều đó không có nghĩa bao che. Đơn giản chỉ để chọn ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất và hướng tới đích cuối cùng là giáo dục hiệu quả.

Mỗi khi HS có lỗi, cô lại gọi riêng học trò ra cùng to nhỏ phân tích, tìm cách giải quyết. Nếu nhận thức được vấn đề HS sẽ tự điều chỉnh là chính. Cô không biến sự việc trở nên to tát hơn, bởi khi bị xử lý “thẳng tay” và công khai khi chưa cần thiết sẽ khiến học trò xấu hổ mà nảy sinh tâm lý đối phó thầy cô.

Với phương pháp giáo dục này HS của cô sẽ tránh được cảm giác xấu hổ trước nhà trường, bè bạn đồng thời cảm nhận được sự tin cậy với cô giáo và từ đó tiến bộ.

Nhiều thế hệ HS của cô Bằng đã ra trường nhiều năm đến nay gặp lại vẫn nói rằng cách xử lý ấy khiến họ cảm nhận được giúp đỡ, chở che và lòng nhân ái, vị tha của người thầy. Nếu lúc đó, bị kỷ luật vì những lỗi vi phạm họ sẽ xấu hổ và hoàn toàn có thể bỏ học hoặc nghĩ cách chống đối.

Cô Nguyễn Thị An, người đã gắn bó hơn 20 năm với nghề dạy học kể: Cô từng là nạn nhân của nhiều trò nghịch ngợm dại dột của lũ học trò. Chúng từng di nát lá ra ghế để nhựa thấm bẩn hết quần giáo viên; Có lần, chúng đổ cả muối vào bình xăng xe máy khiến xe không thể nổ máy và mất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân, xử lý. Thậm chí, từng có HS chưa ngoan đã nói với cô những câu từ hỗn láo, thiếu tôn trọng...

Để đổi mới toàn diện giáo dục, tạo nên những ngôi trường hạnh phúc cho học trò thì cần sự đổi mới từ mỗi người thầy. Người thầy phải biết làm mới mình, chấp nhận cái mới, khuyến khích cái mới. Người thầy cần nâng cao chính mình bằng tri thức, kỹ năng và bản lĩnh, nhưng biết hạ thấp mình khi cần thiết để có thể lắng nghe, chia sẻ và làm bạn với học trò.

Gặp những tình huống như vậy, cô An chỉ “nuốt” bực vào lòng, gọi HS ra riêng nhẹ nhàng hỏi chuyện, cùng phân tích và để các em tự nhận thức, nói ra suy nghĩ về hành động của mình sai ở đâu? Vì sao sai?... Thậm chí, không cần HS nói ra lời hứa thay đổi, sửa chữa tức thì, cô An chỉ động viên và trao tới HS sự tin tưởng sẽ tiến bộ trong thời gian tới. Với cách giáo dục gieo niềm tin đến học trò nên không ít HS chưa ngoan đã được cô cải biến. Nhiều HS từng được xếp vào diện “đặc biệt” ở trường lớp đến nay đã trưởng thành và có ích cho gia đình, xã hội.

Giáo dục HS chưa ngoan, học sinh có hoàn cảnh sống và tính cách đặc biệt với những tình huống sư phạm dở khóc dở cười không có trong giáo án… thực sự là những thử thách bản lĩnh của người thầy. Để hoàn thành vai trò trách nhiệm giáo dục, người thầy không chỉ vững vàng chuyên môn mà phải mang cả tình thương, sự độ lượng, gieo niềm tin… để cảm hóa từ đó giúp học trò cảm nhận niềm vui, hạnh phúc với học tập và trường lớp.

Rất nhiều thầy cô đã khẳng định: Giáo dục chính là khám phá ra tiềm năng ở con người, từng con người và khơi gợi những ngọn lửa sáng tạo. Hoặc đúng hơn, giúp cho mỗi con người tin rằng mình có tiềm năng, nhận ra tiềm năng ấy và tự mình giải phóng nó.

Niềm tin của người thầy với học trò không thể được tạo dựng một cách không có chân đế. Cần tạo lập dựa trên những cơ sở: Ngưỡng mộ về khả năng, tin tưởng về thực lực, trân quý về tính cách, chấp nhận về uy tín. Điều này không thể thực thi ngày một ngày hai mà cả một chặng đường dài. Gây dựng niềm tin với học trò là một chặng đường gian khó, phức tạp, có cả mồ hôi, nước mắt và cả những sự hy sinh thầm lặng của những người thầy.

Gây dựng niềm tin với học trò để mở rộng cánh cửa tri thức. Ảnh: Đức Trí
  • Gây dựng niềm tin với học trò để mở rộng cánh cửa tri thức. Ảnh: Đức Trí

Trường học hạnh phúc bắt đầu từ người thầy

PGS.TS tâm lý giáo dục Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định: Khi người thầy có được niềm tin với học trò sẽ tạo ra những hiệu ứng giáo dục lớn.

Từ sự tin tưởng vào thầy cô sẽ dẫn đến học trò tin tưởng vào năng lực của mình. Những lời uốn nắn của thầy cô có sức mạnh thuyết phục và sự chuyển hóa nhanh chóng theo chiều hướng tích cực ở người học. HS sẽ hợp tác, chia sẻ và đồng hành cùng người thầy.

Dạy cũng là cách học. Học trò có niềm tin với thầy cô, cảm nhận sự hào hứng với trường lớp thì sự sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết sẽ mạnh mẽ và dễ bộc lộ hơn. Khi đó những ý tưởng của thầy với “gia vị” mà học trò “nêm vào” sẽ thúc đẩy người giáo viên học hỏi không ngừng, sáng tạo không ngừng để đáp ứng sự tin tưởng. Nếu không có niềm tin giữa thầy và trò thì khó có được sự hợp tác trong hành trình giáo dục.

Trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, việc gây dựng niềm tin với học trò của mỗi người thầy là vô cùng cần thiết và quan trọng. Mỗi người thầy phải tự biết làm cách nào để đi tới thành công.

Không thể áp đặt một phương pháp giáo dục để xây dựng nên một môi trường giáo dục mà ở đó HS cảm nhận được niềm vui và thúc đẩy học tập. Mỗi HS mang đặc điểm tâm lý, tính cách khác nhau, với những HS “đặc biệt” thì càng đòi hỏi GV phải linh hoạt thay đổi để tìm được sự kết nối và đồng điệu với người học. Một người thầy giỏi sẽ biết cách truyền cho HS lòng tin về khoa học và tinh thần học tập suốt đời, thấy được niềm vui hạnh phúc, sự gắn bó với ngôi trường mình đang học. Đó sẽ là nền tảng để học trò có niềm tin về tương lai, về chính bản thân mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tiếp thêm sức mạnh

GD&TĐ - Hôm nay, 7/5, triệu triệu trái tim của người dân cả nước đều hướng về Điện Biên...