Chìa khóa là tình yêu thương

Chìa khóa là tình yêu thương

Kỳ 3:

(GD&TĐ) - Thực hiện phổ cập tiểu học đúng độ tuổi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với vùng cao, muốn làm được, phải mở được lớp ở các bản – điều không hề đơn giản. Huy động học sinh ở bán trú chính là giải pháp hiệu quả giải quyết khó khăn này.

->> “Cho thầy mượn con mấy hôm thôi nhé!”

->> Vượt lũ đón bạn, đập rắn cứu trò

Chìa khóa là tình yêu thương của người thầy

Học sinh Trường Tiểu học Mường Báng số 1(Điện Biên)
Học sinh Trường Tiểu học Mường Báng số 1(Điện Biên)

Thầy Mai Đắc Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Báng số 1 (Điện Biên) từ Thái Bình lên vùng núi dạy học đến nay được 16 năm, trong đó có 10 năm làm quản lý. Nhiều năm dành tâm tư cho mô hình bán trú, thầy Kiên cho rằng, mô hình này sẽ giải quyết việc duy trì ổn định số lượng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng để thực hiện thành công, chìa khóa chính là người thầy có dành tình yêu thương thực sự cho mỗi học trò hay không?

10 năm làm quản lý, chính hoạt động tổ chức bán trú khiến tôi trăn trở nhất – thầy Kiên kể: Tôi từng làm hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Trung Thu (Tủa Chùa – Điện Biên) 4 năm (trường đó giờ đã đổi tên thành Trường PTDT bán trú tiểu học Trung Thu). Vận động học sinh, nhất là học sinh lớp 1 học bán trú khá khó khăn. Nhưng, nan giải nhất là làm sao để các em đồng ý rồi, yêu trường, ở lại trường.

Nhà cách xa trường, giao thông hiểm trở, thường các em từ 1 - 3 tuần mới được về thăm gia đình. Nhiều em lớp 1, vóc người còn nhỏ xíu, non nớt. Ấn tượng nhất là những đêm đầu tiên ở lại trường, các em nhớ cha mẹ, khóc ròng, không ngủ được. Nhà ở của giáo viên và học sinh chỉ cách nhau một khoảnh sân nhỏ, khoảng vài bước chân, cứ nghe tiếng học sinh khóc, giáo viên lại phải dậy để dỗ dành.

Trẻ dân tộc, mọi thói quen sinh hoạt ở trường đều vô cùng lạ lẫm, từ bữa ăn, giấc ngủ đến tắm giặt, vệ sinh răng miệng, đầu tóc… Thế là, các giáo viên vừa là thầy, vừa là cha mẹ, hướng dẫn, chăm chút các em từng ly, từng tý; trực tiếp làm mẫu cho các em phải đánh răng như thế nào, giặt quần áo ra làm sao, gấp chăn màn, thói quen chải đầu tóc gọn gàng, chăm sóc các em khi ốm đau… Trong những việc đó, khó nhất là rèn cho các em thói quen tắm rửa vì đặc tính của người dân tộc thiểu số rất ít tắm, trừ người Thái do họ quen với sông suối.

Thầy cô đau đầu chuyện ăn, ngủ

Học sinh Trường Tiểu học Trung Thu
Học sinh Trường Tiểu học Trung Thu

Thương nhất học sinh mỗi khi mùa đông về, quần áo ấm không đủ. Các cô giáo đã tranh thủ buổi tối mua len, đan khăn cho học sinh của mình khoác chống rét; rồi khâu những chiếc quần áo của các em bị rách…

Khẩu phần, thói quen ăn uống, câu chuyện tưởng nhỏ nhưng cũng là bài học cho những người làm quản lý trường bán trú. Đa số học sinh dân tộc thiểu số gia đình đều khó khăn, rất nhiều em một năm có đến mấy tháng ăn ngô; nếu nấu cơm cũng phải nấu thế nào để gạo nở nhiều nhất. Chính vì vậy, khi đến trường, cơm được nấu bằng xoong gang, dẻo và rất ngon, lại có mùi thơm nhưng các em lạ không chịu ăn, lại về nói với bố mẹ. Ngôn ngữ dân tộc khá hạn chế trong việc diễn tả, tất cả những gì có mùi, tiếng Mông đều dùng từ có phát âm là “chư” - tiếng Kinh tạm dịch hiểu là “thối”. Thế là, họp phụ huynh, nhà trường bị phản ánh nấu cơm không ngon, có mùi “thối” học sinh không ăn được. 

Còn một vấn đề khá tế nhị nảy sinh trong sinh hoạt bán trú. Đặc tính học sinh dân tộc, các em có tình cảm giới tính khá sớm, có thể do phong tục tập quán. Nhiều khi, mới học lớp 2, lớp 3 các em đã “thích” nhau. Nhà trường một số lần phát hiện các em ở lẫn lộn nên phải phòng xa, huy động các thầy cô cùng bảo vệ nhà trường chia ca để trực tối, có thể kiểm tra đột xuất. 

Cùng với đó, nghiêm khắc yêu cầu các em phải thực hiện nội quy: Phòng nam, nữ chỉ được chơi trong khoảng thời gian đến 9 giờ tối, còn sau đó, tuyệt đối HS phòng nào phòng đó ở…

Trước kia, khi đến vận động học sinh đi học, các thầy hay nói với phụ huynh: Cho con đi học để sau này làm cán bộ. Nhưng, cách nói đó đến nay đã không còn phù hợp nữa. Quan trọng nhất là phải cho cha mẹ các em thấy, đến trường các con mình hơn hẳn ở nhà; làm sao để học sinh xa trường thấy nhớ; mấy tháng hè, phải nhận được cuộc điện thoại của phụ huynh, học sinh, hỏi: Thầy ơi, đến bao giờ thì tiếp tục đi học – thế mới là thành công. 

Để làm được điều đó, bên cạnh sự quyết liệt, trước hết, phải tạo nên một mô hình đầy sức hút, một đời sống học sinh cả về vật chất và tinh thần lành mạnh, phong phú. Công tác giáo dục phải quán triệt: Học sinh nội trú phải có kết quả học tập tốt hơn ngoại trú. Trong cách làm, đề cao sự chuyển biến, không tạo áp lực bắt giáo viên phải đạt được mức này nhưng luôn yêu cầu, so với hôm nay, ngày mai phải có chuyển biến tích cực hơn.

Trường Tiểu học Trung thu dù còn vô vàn khó khăn, đã thành trường bán trú nhưng cơ sở vật chất chưa được đầu tư thêm, chỗ ở của cả giáo viên và học sinh đều rất chật chội, nhưng chính tình yêu thương của các thầy cô đã kéo học trò đến với trường, tỷ lệ học sinh bán trú rất cao, lúc nào cũng gần 50%. Niềm tin của học trò, phụ huynh là động lực mạnh mẽ nhất giúp các thầy cô tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực đi tiếp con đường gieo chữ, trồng người.

Hiếu Nguyễn  (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ