Trao quyền tự chủ ĐH: Cần cơ chế minh bạch

GD&TĐ - Bắt đầu từ tháng 7/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới. Nhiều trường ĐH kỳ vọng sớm được “cởi trói” trong quá trình thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển giáo dục ĐH, cần có sự đồng bộ trong thực thi chính sách.

Xác định đúng tính ưu việt trong tự chủ ĐH là đòn bẩy quan trọng giúp các trường phát triển bền vững. Ảnh: Đức Chiêm
Xác định đúng tính ưu việt trong tự chủ ĐH là đòn bẩy quan trọng giúp các trường phát triển bền vững. Ảnh: Đức Chiêm

Công cụ quan trọng trong đào tạo nguồn lực

ThS Nguyễn Thị Hồng, Trường ĐH Lao động Xã hội cho biết, tự chủ đại học là tổ chức quản lý mà Nhà nước đã và đang hướng tới cho các cơ sở GD, trong đó có các trường ĐH công lập.

Chuyển sang cơ chế tự chủ, các trường ĐH công lập sẽ phải xây dựng kế hoạch, chiến lược lâu dài của đơn vị mình. Khi đó, mọi cá nhân trong nhà trường sẽ phải nỗ lực hết mình để đạt được những mục tiêu, và dĩ nhiên, những nỗ lực của cá nhân cũng được ghi nhận một cách thích đáng.

ThS Đào Thị Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Học viện Quản lý GD cho rằng, tự chủ ĐH là một yêu cầu hàng đầu trong quá trình đổi mới GDĐH trên toàn thế giới và đã được khẳng định là một công cụ quan trọng trong việc đào tạo nguồn lực để phục vụ các hoạt động cần thiết của một trường ĐH và làm tròn sứ mệnh của nó đối với xã hội. Giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 29-NQ/TW nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, một trong 3 đột phá chiến lược cần thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet 

Trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng

Theo ThS Nguyễn Thị Hồng, để tăng cường quyền tự chủ trong các trường ĐH công lập, đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0, cần thực hiện một số biện pháp: Xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động độc lập, tự chủ của các trường ĐH. Đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn cũng như xác định rõ điều kiện để các trường có thể tiến hành tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Các trường ĐH cần rà soát lại toàn bộ đội ngũ CBCCVC ở đơn vị về quy mô cũng như chất lượng. Các trường ĐH cần gắn mục tiêu đào tạo với yêu cầu xã hội. Để nắm bắt được các yêu cầu của thị trường, các trường ĐH phải cùng với các doanh nghiệp hợp tác và chia sẻ.

Tiếp tục trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng nhằm phát huy hết khả năng lãnh đạo trong tất cả các hoạt động của trường. Hiệu trưởng trong công cuộc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 như là giám đốc nhà máy, tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trong việc sử dụng toàn bộ nguồn lực của mình.

Muốn thực hiện được tự chủ ĐH phải đẩy nhanh tự chủ tài chính. Tự chủ tài chính là điều kiện để các hoạt động tự chủ khác có thể thực hiện được.

Cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch

Theo ThS Đào Thị Ngọc Ánh, để đạt được những giá trị thật của quá trình đào tạo bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng 4.0, việc trao quyền tự chủ nói chung và quyền tự chủ học thuật cho các trường ĐH cần có một cơ chế rõ ràng minh bạch và hiệu lực thực sự. Trường ĐH là nơi dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho SV cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Ngược lại, một doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường cũng vừa là đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong xu hướng cách mạng 4.0.

Đề xuất giải pháp, cho rằng, về mặt cơ chế pháp luật, các trường đại học cần được bảo đảm quyền để chuyển sang tự chủ về học thuật, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên doanh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Để bảo đảm tự chủ về học thuật, ngoài chủ trương chung về trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cần có hệ thống văn bản pháp quy rõ ràng và có tính khả thi để các trường đại học có thể thực hiện được và bộ phận quản lý Nhà nước dễ dàng giám sát. Cần giảm bớt các quy định về “trình” dẫn đến cơ chế xin cho là lý do trực tiếp tạo nên bất cập. - ThS Đào Thị Ngọc Ánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ