Ngành giáo dục quyết tâm và đã sẵn sàng vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhân văn

GD&TĐ - Ngày 6/7, thí sinh cả nước làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 tại 63 Hội đồng thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tổ chức Kỳ thi đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cao của nhiều cấp, nhiều ngành và các địa phương.  Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã có những chia sẻ về sự chuẩn bị này.

Sẵn sàng mọi điều kiện

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị và sự sẵn sàng của các tỉnh/thành phố cho Kỳ thi năm nay?

Đây là năm thứ hai Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức (trước đó là Kỳ thi THPT quốc gia). 2 năm qua, Kỳ thi phải trải qua khó khăn khách quan do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của toàn ngành Giáo dục; trách nhiệm của các địa phương, kỳ thi năm 2020 đã thành công tốt đẹp, nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của người dân và các tổ chức quốc tế. Đây chính là tiền đề, là kinh nghiệm quan trọng để tổ chức Kỳ thi năm 2021.

Để triển khai Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; xây dựng, công bố đề thi tham khảo. Đề thi tham khảo đã có sự cân đối, tính toán tới 2 năm học bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19.

Công tác tập huấn, quán triệt Quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra thi được thực hiện theo từng giai đoạn chặt chẽ, cụ thể. Trong đó hình thức tập huấn online được áp dụng triệt để; chỉ những người hoàn thành được các bài kiểm tra, đánh giá sau tập huấn mới được tham gia vào Kỳ thi.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực in, sao đề thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra khu vực in, sao đề thi.

Khó khăn lớn nhất năm nay vẫn là làm sao vừa ứng phó được với dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho HS, cán bộ, giáo viên; vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. Các phương án, kịch bản tổ chức kỳ thi đã được Bộ GD&ĐT xây dựng từ rất sớm, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh.

Năm nay, vai trò chủ động của địa phương được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Điều này giúp HS, phụ huynh yên tâm hơn, không bị bị động trong kế hoạch thời gian tổ chức thi.

Qua kiểm tra thực tế tại địa phương, có thể thấy, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đã được các tỉnh/thành phố thực hiện chủ động hơn, do đã có kinh nghiệm từ năm trước. Hầu hết các tỉnh/thành phố đều ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Kỳ thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm Trưởng ban.

Địa phương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh (TS), người thân ở các điểm tổ chức thi. Nhiều địa phương có các hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho HS ở xa, HS có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: không để TS nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Ngành giáo dục quyết tâm và đã sẵn sàng vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhân văn ảnh 2
Click ảnh để xem chi tiết

Tăng cường an toàn trường thi, an toàn phòng dịch

Thứ trưởng có nhắc tới sự chủ động của các địa phương trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi năm nay. Vậy cụ thể, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và các địa phương linh hoạt thực hiện những biện pháp nào để bảo đảm an toàn cho TS và người tham gia?

Năm nay diện tác động của dịch bệnh rộng hơn. Trên cơ sở kinh nghiệm trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi ứng phó với tác động của dịch Covid-19 với tinh thần chủ động áp dụng các biện pháp để Kỳ thi diễn ra an toàn cho TS và những người tham gia tổ chức thi; tạo điều kiện tốt nhất để TS được tham dự Kỳ thi. Đồng thời, hướng dẫn địa phương xây dựng phương án theo điều kiện cụ thể của từng nơi.

Ngày 17/6/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Từ công văn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động rà soát, thống kê số lượng HS trong diện F0, F1, F2 và lên phương án tính toán để tổ chức các đợt thi.

Một số địa phương quyết định vẫn cho HS F1, F2 thi cùng 1 đợt tại điểm thi riêng và bảo đảm các biện pháp an toàn. Các địa phương khác lại quyết định tổ chức đợt 2 cho các TS diện F1, F2. Sự linh hoạt của các địa phương còn thể hiện ở chỗ, có thể cho HS F2 dự thi đợt 1 nếu các em có nguyện vọng và được trải qua các vòng xét nghiệm bảo đảm về an toàn phòng dịch.

Để bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19, các địa phương đều đã bố trí Điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng ở mỗi Điểm thi để sử dụng khi cần thiết; bố trí tối thiểu 2 cán bộ y tế (những kỳ thi trước chỉ bố trí 1 cán bộ y tế) ở mỗi điểm thi và huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất.

Năm nay rất nhiều tỉnh/thành phố đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ TS, cán bộ, giáo viên làm thi; một số địa phương còn ưu tiên tiêm vắc xin cho những đối tượng này. Nhiều giải pháp về phân luồng, phân tuyến nhằm siết chặt an toàn trường thi cũng đã được các địa phương chuẩn bị để thực hiện trong những ngày tổ chức kỳ thi. Chính vì vậy, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song các em HS và những cán bộ làm thi có thể yên tâm để bước vào kỳ thi quan trọng này.

Ngành giáo dục quyết tâm và đã sẵn sàng vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhân văn ảnh 3
Click ảnh để xem chi tiết

Bảo đảm quyền lợi thí sinh

Thứ trưởng có lưu ý gì tới các địa phương - nơi sẽ chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức Kỳ thi trên địa bàn?

Thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt và quyết tâm để chuẩn bị điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức Kỳ thi. Công tác chuẩn bị chủ động, tích cực của các địa phương sẽ là một trong những yếu tố quyết định cho thành công của Kỳ thi. Qua kiểm tra tại địa phương, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị này.

Tuy nhiên, thi cử là việc không thể chủ quan, đặc biệt Kỳ thi lại được tổ chức trong hoàn cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì càng không thể lơ là, mất cảnh giác. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể ảnh hướng tới toàn bộ nỗ lực chung. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt TS, người tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; nắm chắc diễn biến dịch bệnh, lường trước các tình huống phát sinh, bình tĩnh xử lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho TS và những người tham gia tổ chức thi.

Cùng tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên trong chỉ đạo, tổ chức, chia sẻ thông tin về Kỳ thi với UBND cấp tỉnh, các bộ ngành liên quan, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đợt 2 của Kỳ thi trên cơ sở đề nghị của các địa phương. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương ngoài cập nhật đầy đủ tình hình TS sẽ tham dự đợt thi thứ 2, cũng sẽ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi đợt 2, bảo đảm an toàn, nghiêm túc khách quan, công bằng.

Ngành giáo dục quyết tâm và đã sẵn sàng vì một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, nhân văn ảnh 4
Click ảnh để xem chi tiết

Thứ trưởng có nhắn gửi gì tới TS và cán bộ làm thi năm nay?

Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các TS, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vì những nỗ lực suốt thời gian qua để chuẩn bị tâm thế, điều kiện tốt nhất cho Kỳ thi này.

Đây là năm thứ 2 chúng ta bước vào một Kỳ thi với những vất vả khách quan, nhưng cũng cho thấy, khó khăn có thể vượt qua được nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt, có quyết tâm cao và có kinh nghiệm để ứng phó.

Với TS, tôi mong các em bình tĩnh, tự tin để bước vào Kỳ thi, thể hiện được tốt nhất bản thân. Đây là kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông, vì vậy, các em đừng bỏ lỡ cơ hội thể hiện những gì tốt nhất đã được học tập, rèn luyện trong suốt 12 năm qua.

Với TS thi đợt 2, tôi mong các em yên tâm, không lo lắng, Kỳ thi đợt 2 sẽ được tổ chức trong điều kiện thuận lợi, bảo đảm mọi điều kiện và bảo đảm công bằng cho các em.

Với các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia Kỳ thi, chúng ta hãy nhận phần khó về mình để HS có được điều kiện tham gia Kỳ thi tốt nhất. Trong mọi trường hợp, nếu có thể xử lý tình huống theo cách nhân văn nhất, tôi mong các thầy cô sẽ làm để bảo đảm không có sự thiệt thòi nào cho HS. Mong mỏi lớn nhất là chúng ta sẽ có một Kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, nhân văn.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng đề thi phù hợp với với tình hình năm học. Trước đó, cuối tháng 3, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo của 15 môn thi, qua đó giúp các nhà trường, giáo viên, HS có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia Kỳ thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020 và 2020-2021) không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay. Tinh thần và định hướng này sẽ tiếp tục được thể hiện trong đề thi chính thức của cả 2 đợt thi tới đây.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ