Thầy trò vùng lũ vượt khó đến trường: Chung sức hỗ trợ giáo dục vùng lũ

GD&TĐ - Lũ chồng lũ, khiến đời sống thầy trò gặp nhiều khó khăn, hoạt động giảng dạy của các trường học bị gián đoạn.

Những chuyến hàng nghĩa tình gửi đến miền Trung ruột thịt. Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Những chuyến hàng nghĩa tình gửi đến miền Trung ruột thịt. Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Với tinh thần “tương thân tương ái”, hệ thống Công đoàn ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chung tay hỗ trợ thầy trò vùng lũ.

Những hành động thiết thực

Bà Trần Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP Hà Nội cho biết, trước mắt Công đoàn Giáo dục Thủ đô đã ủng hộ 600 triệu cho đồng bào vùng lũ. Trong đó, 200 triệu gửi qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 400 triệu được gửi trực tiếp đến các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chương trình ủng hộ đồng bào vùng lũ nói chung và ngành Giáo dục nói riêng như: Nhu yếu phẩm, sách giáo khoa, vở, bút, quần áo và tiền mặt…

Tại tỉnh Hưng Yên, ông Trần Đắc Viện – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho hay, Công đoàn đã chuyển 200 triệu đồng được quyên góp từ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) đến thầy trò vùng lũ của 4 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục kêu gọi CBNGNLĐ, học sinh, sinh viên, các nhà hảo tâm – tùy theo điều kiện ủng hộ thầy trò vùng lũ, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giảng dạy, học tập” – ông Viện chia sẻ.

Cùng với cả nước hướng về miền Trung ruột thịt, bà Nguyễn Minh Thu Thủy - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu cho biết, Công đoàn ngành đã kêu gọi được khoảng 1 tỷ đồng, trực tiếp hỗ trợ cho ngành Giáo dục các tỉnh vùng lũ miền Trung; hàng nghìn thùng vật phẩm như: Áo phao, thực phẩm, cặp sách, dụng cụ học tập. 

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 24/10, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhận được kinh phí hỗ trợ cho 4 địa phương miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ hơn 2 tỷ đồng. Công đoàn ngành đã hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của mưa lũ, mỗi tỉnh 100 triệu đồng. Hỗ trợ Đại học Huế 50 triệu đồng; hỗ trợ các cô giáo: Ngô Thị Thanh Nhàn - Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) 30 triệu đồng để tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà mà gia đình cô đang xây dựng dở dang trước lúc chồng cô là Đại uý Trương Anh Quốc hy sinh; cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên Trường Tiểu học Cường Gián 1 (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật, lương thực, các nhu yếu phẩm thiết yếu, phao cứu sinh, xuồng hơi, máy bơm cao áp để phục vụ việc vệ sinh trường lớp. Hiện nay, các đơn vị tiếp tục công tác hỗ trợ thầy trò vùng lũ, khắc phục khó khăn, ổn định việc dạy học. 

Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ, Công đoàn ngành quyết định dành kinh phí trong chương trình hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của năm 2020 cho 4 địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Nguồn kinh phí này tập trung chủ yếu để hỗ trợ các nhà trường sửa chữa, xây mới nhà công vụ cho giáo viên, công trình nước sạch và các công trình phúc lợi khác… Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam kêu gọi CBNGNLĐ trong ngành quyên góp vật dụng như: Đồ dùng học tập, sách giáo khoa, sách truyện, áo ấm, giầy dép… để hỗ trợ học sinh trở lại trường sau mưa lũ.

CBNGNLĐ ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam
CBNGNLĐ ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt. Ảnh: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Hỗ trợ kịp thời

“Tuy nhiên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam không chủ trương tổ chức thực hiện chương trình dưới hình thức “Nối vòng tay lớn” để kêu gọi các mạnh thường quân hoặc kết hợp với những nhân vật nổi tiếng để quyên góp hỗ trợ thầy trò vùng lũ. Công đoàn ngành có hệ thống tổ chức tới tận cơ sở, vì vậy không cần thiết phải thực hiện việc này. Mặt khác, Công đoàn ngành chỉ huy động sự chung tay hỗ trợ của CBNGNLĐ trong ngành” – ông Đức cho biết thêm.

Cũng theo ông Đức, ngay sau khi xảy ra tai nạn ở Trạm kiểm lâm 67 và Đoàn kinh tế quốc phòng 337, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị nắm tình hình. Hiện Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có danh sách đầy đủ của 11 cô giáo có chồng là cán bộ chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ (trong đó có 6 cô giáo có chồng ở Trạm kiểm lâm 67 và 5 cô có chồng hy sinh tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337). 

“Chúng tôi đã có thư thăm hỏi, hỗ trợ mỗi cô giáo 5 triệu đồng. Hiện nay, Công đoàn ngành đang chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ cô giáo Ngô Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà mà chồng cô giáo là Đại úy Trương Anh Quốc – cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế đang xây dựng dở dang trước khi hy sinh” – ông Đức cho hay.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, trong trường hợp có thân nhân nào đó của các đồng chí đã hy sinh, nếu có nguyện vọng công tác trong ngành Giáo dục, cá nhân ông rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc trở thành cán bộ trong ngành Giáo dục có những tiêu chuẩn, tiêu chí riêng. Mặt khác, việc tuyển dụng viên chức của ngành Giáo dục ở các địa phương do ngành Nội vụ thực hiện. Trong trường hợp đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ có ý kiến với ngành Nội vụ của các địa phương để tạo điều kiện, giúp đỡ.

Tôi mong muốn các địa phương khi chọn địa điểm xây dựng trường học cần có tính toán đến các yếu tố, để bảo đảm an toàn cho các trường học. Tuy nhiên, tôi cũng rất chia sẻ với các địa phương, quỹ đất để có thể xây dựng trường còn hạn hẹp do điều kiện địa hình miền núi. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức phòng chống thiên tai cho thầy trò trong các nhà trường là rất cần thiết. Kỹ năng phòng chống thiên tai, kỹ năng sinh tồn… cho học sinh cần được thiết kế và đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học. - Ông Vũ Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ