Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Giáo dục và Đào tạo

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 4977/QĐ-BGDĐT thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 29 thành viên.

Ảnh minh họa: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT ký kết biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Ảnh minh họa: Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT ký kết biên bản ghi nhớ về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Theo đó, Trưởng ban là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Phó Trưởng ban thường trực là Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Các Phó Trưởng ban gồm Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc,  Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin là Ủy viên thường trực.

Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất và tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; góp phần tạo điều kiện thuận lợi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục; cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án quan trọng liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giúp Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.

Giúp Bộ trưởng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch, dự án, giải pháp quan trọng về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ trưởng.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

Cục Công nghệ thông tin thực hiện chức năng cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Các văn bản do Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành sử dụng con dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; văn bản khác sử dụng con dấu của Cục Công nghệ thông tin.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Tổ trưởng Tổ công tác trình Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ.

Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chuẩn bị các báo cáo, nội dung làm việc của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo họp định kỳ 3 tháng một lần và họp đột xuất theo triệu tập của Trưởng ban. Khi cần thiết, Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc có thể tổ chức họp, mời đại diện các cơ quan, đơn vị, chuyên gia tham gia thảo luận, đề xuất.

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Cục Công nghệ thông tin và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (30/12/2021), thay thế Quyết định số 5153/QĐ-BGDĐT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.