Học sinh thêm yêu thích môn học nhờ chuyển đổi số

GD&TĐ - Là đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi số năm học 2021 -2022 của tỉnh Bắc Giang, Trường THCS Việt Tiến đã chủ động ứng dựng công nghệ thông tin, tăng sự tương tác tạo hứng thú cho học sinh trong từng giờ học…

Tiết học chuyển đổi số tại Trường THCS Việt Tiến giúp học sinh hào hứng và tiếp thu bài giảng tốt hơn.
Tiết học chuyển đổi số tại Trường THCS Việt Tiến giúp học sinh hào hứng và tiếp thu bài giảng tốt hơn.

Giáo viên ở vị trí tiên phong

Nhằm tạo đột phá về chất lượng giáo dục, thích ứng với dịch bệnh, ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS). Qua đó, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 111 của Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy nhanh CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Năm học 2021 -2022, Trường THCS Việt Tiến (huyện Việt Yên) và Trường THCS Tam Hiệp (huyện Yên Thế) là 2 đơn vị được Sở GD&ĐT Bắc Giang triển khai thí điểm CĐS.

Tại Trường THCS Việt Tiến, Sở GD&ĐT Bắc Giang đầu tư 10 bộ máy vi tính, UBND huyện Việt Yên hỗ trợ 20 máy tính xách tay để triển khai CĐS và đảm bảo cơ sở vật chất trong quá trình thực hiện.

Là người trực tiếp giảng dạy, thầy Nguyễn Hồng Quang - giáo viên môn Sinh học (Trường THCS Việt Tiến) cho biết: So với những giờ học truyền thống thì giờ dạy học CĐS khiến học sinh hứng thú và tập trung hơn.

“Áp dụng CĐS, học sinh được nghiên cứu tài liệu trước với kho học liệu phong phú. Khi lên lớp các em cơ bản đã nắm bắt được nội dung bài học. Trong và cuối mỗi bài giảng, giáo viên có thể kiểm tra mức độ nhận thức bài giảng mà mình vừa truyền đạt. Đây là điểm khác biệt để bứt phá về chất lượng mà giờ học truyền thống trước đây không triển khai được…”, thầy Quang chia sẻ.

 Theo thầy Quang, dạy học trên K12 Online, cán bộ giáo viên phải chuẩn bị nhiều hơn khi thực hiện ở nhà. Tuy nhiên, đối với học sinh có nhận thức, chuẩn bị bài tốt hơn. Từ đó, nâng cao chất lượng tiết học.

Cũng theo thầy Quang, bên cạnh thuận lợi, thực hiện CĐS không tránh khỏi bỡ ngỡ. Bởi vậy, giáo viên xác định đây là nhiệm vụ khó khăn song cũng là giải pháp tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh.

Đồng thời,  thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đều nghiêm túc thực hiện.

“Ưu điểm nổi bật của nền tảng K12 Online là tự động điểm danh, kiểm tra thông tin người học. Cùng với đó là hệ thống tự động ghi lại quá trình học giúp học sinh về nhà có thể xem lại bài giảng.

Ngoài ra, kho học liệu đa dạng, phong phú giúp học sinh, giáo viên khai thác, tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi…Tuy nhiên, để triển khai tốt thì giáo viên phải ở vị trí tiên phong…”, thầy Quang nhấn mạnh.

Tạo hứng khởi trong dạy và học

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Việt Tiến cho  biết: Với 4 môn học (Vật lý, Sinh học, Hóa học và Địa lý) khối lớp 8 được triển khai áp dụng CĐS và đã cơ bản áp ứng được kế hoạch đề ra.

Triển khai CĐS, nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Qua đó, thuận lợi trong việc hoàn thành cùng lúc 3 mục tiêu là: dạy, học và quản lý.

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tạo  sự hứng thú cho học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động của các em trong quá trình tiếp thu bài giảng…”, thầy Tuấn chia sẻ.

Việc được hỗ trợ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp chất lượng giờ học, môi trường học tập cho học sinh hiện đại hơn.
Việc được hỗ trợ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp chất lượng giờ học, môi trường học tập cho học sinh hiện đại hơn.

Theo thầy Tuấn, mỗi học sinh được nhà trường cấp 1 mã định danh để học trực tuyến. Quá trình học trực tuyến, học sinh được xem, nhìn nhận, đánh giá nhiều video, clip sinh động, từ đó hiểu bài và nắm vững kiến thức hơn.

Điểm khác biệt lớn của phương pháp dạy học này là giáo viên soạn nội dung ngắn gọn, trọng tâm bài học trên nền tảng công nghệ và đăng tải lên nền tảng K12 Online trước buổi học ít nhất 1 ngày để học sinh biết và nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trước buổi học. Vì vậy, học sinh với mức độ, tư chất khác nhau đều có thể tiếp cận, nhận thức được.

“Học sinh được tiếp cận với các nguồn học liệu và có đơn vị kiến thức cụ thể từ sự chuẩn bị trước đó và giáo viên có đầu tư hơn về bài giảng. Qua đó, nâng cao chất lượng dạy và học. Điều này thể hiện qua kết quả bài kiểm tra kỳ I vừa qua. Đây sẽ căn cứ để triển khai đại trà đến toàn trường”, thầy Tuấn thông tin.

So với học truyền thống, CĐS trong giáo dục tạo hứng thú và giúp học sinh thêm yêu thích môn học, nâng cao chất lượng giáo dục.
So với học truyền thống, CĐS trong giáo dục tạo hứng thú và giúp học sinh thêm yêu thích môn học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Đỗ Thị Hương - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cho hay: Khi Sở GD&ĐT triển khai thí điểm CĐS tại Trường THCS Việt Tiến, phòng đã chỉ đạo nhà trường và tham mưu cho UBND huyện Việt Yên tổ chức các Hội nghị giữa các đơn vị để trao đổi và đưa ra giải pháp.

Hiện tại, công tác triển khai, thí điểm CĐS tại Trường THCS Việt Tiến đã đi vào ổn định và nề nếp cũng như có  chuyển động tích cực.  

Phòng GD&ĐT đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin xây dựng khái toán để đầu tư trang thiết bị với nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quá trình CĐS gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ rất là thiết thực khi triển khai thành công.

“Kết quả ban đầu cho thấy cả thầy và trò đều hào hứng, phấn khởi trong quá trình dạy và học. Qua thống kê, số lượng học sinh yêu thích 4 môn thí điểm (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý) tăng lên nhiều. Cùng với đó là số lượng truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu học liệu đối với 4 môn học trong phần mềm tăng nhanh.

Song song với việc soạn nội dung bài dạy, giáo án, các thầy, cô cũng tích cực đăng tải nội dung, tài liệu để các em có thể tìm hiểu, nắm bắt. Dù vất vả hơn nhưng  thầy, cô rất hào hứng, chủ động…”, bà Đỗ Thị Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.